Vĩnh Phúc: Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2023 ước đạt trên 31.200 tỷ đồng

Ngày 29.11, các Ban Kinh tế - Ngân sách, Pháp chế, Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành thẩm tra Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Báo cáo công tác của UBND tỉnh năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.

Báo cáo dự thảo về phát triển KT-XH năm 2023 của UBND tỉnh cho thấy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp đưa kinh tế của tỉnh cơ bản ổn định, các hoạt động văn hóa - xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. 9 tháng năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh phục hồi, tăng 2,1% và ước cả năm tốc độ tăng từ 2-2,5%. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2023 ước đạt trên 31.200 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa ước đạt trên 25.998 tỷ đồng. Kết quả thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc, ước cả năm 2023, tỉnh thu hút hơn 560 triệu USD vốn đầu tư FDI, hơn 20,65 nghìn tỷ đồng vốn DDI. Toàn tỉnh ước đạt gần 9,3 triệu lượt khách du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, riêng khách quốc tế đạt 81.000 lượt.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ước hết năm 2023, toàn tỉnh có 120 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, 1 thôn đạt chuẩn thôn thông minh, 32 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; duy trì 100% số xã đã đạt chuẩn NTM; 2 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 4/9 huyện, thành phố tiếp tục thực hiện duy trì đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Chương trình mỗi xã một sản phẩm ( OCOP) tiếp tục được đẩy mạnh, dự kiến năm 2023 có thêm 40 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, nâng tổng sản phẩm OCOP của tỉnh hết năm 2023 là 141 sản phẩm.

Toàn cảnh Hội nghị thẩm tra

Toàn cảnh Hội nghị thẩm tra

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, thể dục thể thao được quan tâm đầu tư. Đến nay, trên 96% người dân trong tỉnh được khám và theo dõi sức khỏe cá nhân. Ước cả năm, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 19.000 lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 0,7%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 1,48%; các chính sách an sinh xã hội được bảo đảm.

Năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tập trung cao độ, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn để khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế. Phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 7,5 - 8,5%; tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 30.425 tỷ đồng; thu hút 400 triệu USD vốn FDI và 5.500 tỷ đồng vốn DDI; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 0,44%; giải quyết việc làm cho khoảng 16.000 - 17.000 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo phấn đấu đạt 81%.

Qua báo cáo công tác của UBND tỉnh năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024 cho thấy, ngay từ đầu quý III năm trước, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xây dựng chương trình công tác thực hiện nhiệm vụ, giải pháp điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023. Đồng thời, UBND tỉnh tăng cường triển khai, rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn, tồn tại, vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước tất cả các ngành, lĩnh vực. Việc triển khai chương trình công tác của UBND tỉnh luôn được thực hiện hằng tuần, hằng tháng đến các sở, ngành, các huyện, thành phố; do vậy, các nội dung, chất lượng được bảo đảm, đúng kế hoạch đề ra. Với việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, người đứng đầu, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; tăng cường thanh tra, kiểm tra thực thi công vụ, đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn tỉnh dần được nâng cao; các hoạt động văn hóa - xã hội được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Tại Hội nghị thẩm tra, các Ban đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư bổ sung vào Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 kết quả đạt được trong lĩnh vực y tế, tôn giáo; trao đổi, làm rõ thêm về cơ chế vận hành các thiết chế văn hóa, thể thao tại các Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh; thực trạng người dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện. Đồng thời, bổ sung đánh giá về nguyên nhân, tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực văn hóa, xã hội và đưa ra các giải pháp cụ thể.

Các đại biểu cũng đề nghị UBND tỉnh có thêm những giải pháp cụ thể trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp; trao đổi, làm rõ thêm tình hình cập nhật, tổng hợp theo dõi học viên sau đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đánh giá hoạt động của các doanh nghiệp mới thành lập và các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; làm rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp đối với địa phương, việc giải quyết chế độ đối với người lao động.

HIẾU PHẠM – KHÁNH LINH

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/vinh-phuc-tong-thu-ngan-sach-nha-nuoc-nam-2023-uoc-dat-tren-31-200-ty-dong-i352175/