Vĩnh Phúc yêu cầu 3 doanh nghiệp cấp nước sạch đẩy nhanh tiến độ dự án

Trước thực trạng khó khăn về nước sinh hoạt tại một số vùng nông thôn, UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo liên quan đến cấp nước sạch tập trung.

Nhiều địa phương ở nông thôn của tỉnh Vĩnh Phúc đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt do nước ngầm bị ô nhiễm, nắng nóng hạn hán kéo dài. Ảnh minh họa Sỹ Hào.

Nhiều địa phương ở nông thôn của tỉnh Vĩnh Phúc đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt do nước ngầm bị ô nhiễm, nắng nóng hạn hán kéo dài. Ảnh minh họa Sỹ Hào.

Yêu cầu 3 đơn vị đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án cung cấp nước sạch

Ngày 18/7, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ra Thông báo kết luận của Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn, sau hội nghị nghe Sở Kế hoạch và Đầu tư, cùng các cơ quan đơn vị liên quan báo cáo tình hình triển khai các dự án cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh diễn ra vào ngày 16/7 vừa qua.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc xác định, nhiệm vụ cấp nước sinh hoạt tập trung cho đô thị cũng như khu vực nông thôn là nhiệm vụ chính trị và an sinh xã hội quan trọng để hoàn thành chỉ tiêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Cư dân xã Tiên Lữ (huyện Lập Thạch) thời điểm mua nước sinh hoạt với giá 200-250 nghìn/khối để phục vụ sinh hoạt gia đình. Ảnh: Sỹ Hào.

Cư dân xã Tiên Lữ (huyện Lập Thạch) thời điểm mua nước sinh hoạt với giá 200-250 nghìn/khối để phục vụ sinh hoạt gia đình. Ảnh: Sỹ Hào.

Trên cơ sở báo cáo, đề xuất, kiến nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến phát biểu của đại diện các sở, ngành và các đơn vị doanh nghiệp cấp nước tại hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn chỉ đạo: Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tham mưu bố trí kinh phí cho các công trình cấp nước sạch tập trung sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt, trong kỳ họp HĐND gần nhất để sớm khởi công các dự án này.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành đơn vị liên quan rà soát tình hình triển khai các dự án cấp nước sạch sinh hoạt trên địa bàn tỉnh có đề xuất tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các thủ tục đầu tư các dự án nước sạch nông thôn.

Tiến hành làm việc với Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Yên Bình để khẳng định rõ tiến độ cấp nước cho 3 xã của huyện Sông Lô thuộc vùng cấp nước của dự án cần đảm bảo xong trước năm 2025. Trường hợp dự án không đảm bảo tiến độ, đề xuất UBND tỉnh phương án xử lý trong tháng 7/2024.

Đôn đốc giám sát Công ty TNHH nước sạch Minh Anh đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục của dự án Nhà máy nước sạch cấp cho một số xã thuộc huyện Tam Đảo và Lập Thạch, yêu cầu nhà đầu tư thực hiện song song các thủ tục, vừa triển khai nhà máy, vừa thi công đường ống dẫn nước để rút ngắn thời gian đảm bảo cấp nước cho các xã trước năm 2025.

Lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc khẩn trương có văn bản hướng dẫn các địa phương tăng cường tuyên truyền, quản lý sử dụng nước ngầm theo quy định của pháp luật, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về sử dụng nước ngầm.

Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện hướng dẫn Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng cấp nước Vĩnh Phúc hoàn thiện thủ tục đất đai đối với trạm bơm tăng áp; tham mưu cho UBND tỉnh hoàn thiện thủ tục giao đất cho nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu tiến độ cấp nước cho cư dân 3 xã Đồng Ích; Tiên Lữ; Xuân Lôi của huyện Lập Thạch trong tháng 7/2024.

Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, UBND huyện Bình Xuyên, các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu đề xuất hướng tuyến đầu tư phù hợp đối với dự án đường ống cấp nước cho xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên của Công ty Cổ phần nước sạch Vĩnh Phúc, yêu cầu xong trước ngày 31/7 để đảm bảo cấp nước sạch cho cư dân xã Tam Hợp trong năm 2024.

Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện khảo sát mẫu chất lượng nước do hộ gia đình tự khai thác (sử dụng nước giếng khoan, giếng đào…) tại các xã, thị trấn đã được cấp nước sinh hoạt tập trung nhưng tỷ lệ sử dụng thấp.

Thông tin đến UBND huyện, xã nơi hộ gia đình cư trú đối chiếu với tiêu chí nước sạch từ công trình cấp nước sạch tập trung để có biện pháp giải quyết và vận động các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn sử dụng nước sạch đảm bảo các tiêu chí an toàn sức khỏe.

Nhiều địa phương tại tỉnh Vĩnh Phúc khó khăn về nước sạch

Như PV Báo Kinh tế và Đô thị đã đưa tin, tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc diễn ra vào ngày 3/7, cử tri một số địa phương thuộc 2 huyện Sông Lô và Tam Dương đã nêu các kiến nghị liên quan đến vấn đề thiếu nước sạch ở các địa phương.

“Năm 2016, UBND tỉnh đã có quyết định đầu tư xây dựng dự án Nhà máy nước sạch Phúc Bình tại xã Đức Bác và Tứ Yên (huyện Sông Lô), có công suất 500.000 m3/ngày với tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay đã 7 năm, dự án vẫn chưa được triển khai xây dựng, trong khi đó, Nhân dân trên địa bàn có nhu cầu sử dụng nước sạch rất lớn” – cử tri Nguyễn Đức Quân nêu ý kiến.

Cùng về vấn đề này, cử tri Kiều Xuân Tài, xã Hoàng Lâu, huyện Tam Dương cho biết, hiện nay, tỷ lệ sử dụng nước nước sạch của Vĩnh Phúc rất thấp, mới đạt 24,10% (thấp nhất trong 13 tỉnh đồng bằng sông Hồng và trung du Bắc Bộ), trong đó huyện Tam Dương mới đạt 33,38%, trong khi theo quy định xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 yêu cầu phải đạt tối thiểu 65%.

Tỷ lệ sử dụng nước nước sạch của Vĩnh Phúc rất thấp, mới khoảng hơn 20% so với mục tiêu quy định xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 yêu cầu phải đạt tối thiểu 65%. Ảnh Sỹ Hào.

Tỷ lệ sử dụng nước nước sạch của Vĩnh Phúc rất thấp, mới khoảng hơn 20% so với mục tiêu quy định xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 yêu cầu phải đạt tối thiểu 65%. Ảnh Sỹ Hào.

Trước đó, trong năm 2023, PV Báo Kinh tế và Đô thị cũng có những bài viết phản ảnh khó khăn của cư dân các xã Tiên Lữ; Xuân Lôi; Đồng Ích của huyện Lập Thạch trong vấn đề khan hiếm nước sạch sinh hoạt do nguồn nước ngầm ô nhiễm, và nắng nóng kéo dài.

Cư dân các địa phương nói trên phải mua nước sinh hoạt đóng can từ nơi khác vận chuyển về với giá đắt đỏ từ 200-250 nghìn/khối nước (so với mức giá nước sạch áp dụng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện khoảng 8.500 đồng/khối).

Từ thực tế trên, ý kiến người dân ở nhiều địa phương gặp khó khăn về nước sinh hoạt thuộc địa bàn các huyện: Sông Lô, Lập Thạch, Tam Dương, Bình Xuyên, Tam Đảo… đều bày tỏ mong muốn tỉnh Vĩnh Phúc sớm có cơ chế, chính sách hỗ trợ các dự án cấp nước cho khu vực nông thôn để nâng cao tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung, nâng cao đời sống, giảm bệnh tật do ô nhiễm nguồn nước.

Sỹ Hào

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vinh-phuc-yeu-cau-3-doanh-nghiep-cap-nuoc-sach-day-nhanh-tien-do-du-an.html