Vĩnh Thuận - thành quả 10 năm xây dựng nông thôn mới - Bài 2: Huy động sức dân xây dựng nông thôn mới
Cùng với sự gương mẫu, tích cực đi đầu của đảng viên, nhân tố quan trọng để xây dựng thành công huyện nông thôn mới là sự chung sức, đồng lòng của người dân. Thời gian qua, huyện Vĩnh Thuận thực hiện tốt công tác tuyên truyền, huy động sức dân đóng góp hàng trăm tỷ đồng, hàng ngàn ngày công lao động để chung tay xây dựng nông thôn mới.
● Vĩnh Thuận - thành quả 10 năm xây dựng nông thôn mới - Bài 1: Vĩnh Thuận thay da đổi thịt
“Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” là kinh nghiệm của Vĩnh Thuận trong thực hiện thành công huyện đạt chuẩn nông thôn mới…
NÂNG CAO NHẬN THỨC
“Ngày trước người dân có thói quen vứt rác xuống sông, kênh, rạch gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ gây nhiều dịch bệnh. Sau khi được chính quyền tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, người dân dần thay đổi tập quán sinh hoạt. Trên địa bàn ấp, hầu như nhà nào cũng có lò đốt rác, hố rác để đốt hoặc chôn lấp rác. Xung quanh nhà không còn cỏ dại mọc um tùm mà thay vào là những luống rau xanh, hoa kiểng xanh, sạch, đẹp…”, đó là cảm nhận về sự thay đổi nhận thức của người dân trên địa bàn của đồng chí Lý Thị Hằng - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Cạnh Đền, xã Vĩnh Phong.
Để thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Vĩnh Thuận xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội mà chủ thể là nhân dân. Vì vậy, phải làm tốt công tác tuyên truyền, phát động sâu rộng phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới đến từng hộ gia đình. Đồng chí Võ Thanh Xuân - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Vĩnh Thuận cho biết: “Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp với cơ quan, ban, ngành đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, đặc biệt biên soạn tài liệu hỏi đáp, tổ chức đợt ra quân tuyên truyền đến các hộ dân, trên các nền tảng mạng xã hội… để mỗi người dân nhận thức được xây dựng nông thôn mới chính là phục vụ lợi ích, nâng cao chất lượng đời sống của mình, từ đó dân biết, dân tin, dân nghe và dân làm theo”.
Qua công tác tuyên truyền, người dân chuyển biến rõ về nhận thức, thay đổi từ nếp nghĩ đến tập quán sinh hoạt và tích cực thực hiện các tiêu chí, phần việc của hộ gia đình trong xây dựng nông thôn mới. Đồng chí Trần Sông Hồng - Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Phong cho biết: “Đảng ủy xã chỉ đạo đảng viên gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở địa phương để người dân tin tưởng làm theo. Đồng thời, phân công đảng viên phụ trách hộ gia đình, phân tích từng phần việc để hộ gia đình biết tiêu chí nào đạt hoặc chưa đạt nhằm tiếp tục động viên, giúp đỡ hoàn thành”.
Hiện 100% số xã đạt chỉ tiêu cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Cảnh quan môi trường, đường ngõ xóm, khu dân cư của huyện được chỉnh trang đảm bảo sạch, đẹp và trồng hàng rào cây xanh. Tỷ lệ hộ dân có nhà vệ sinh, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo “3 sạch” đạt gần 87%. Hiện rác thải của huyện được xử lý tập trung trung bình khoảng 10,5 tấn/ngày (chiếm 41%), người dân tự xử lý bằng cách chôn lấp hoặc đốt tại gia đình khoảng 15,5 tấn/ngày (chiếm 59%).
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thuận cho biết: “Với chủ trương xã hội hóa, huyện xây dựng và đưa vào hoạt động cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Đây là tiêu chí khó đạt, nhờ sự quyết liệt của huyện, kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp, giúp huyện từng bước kiểm soát hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, góp phần hạn chế lây lan dịch bệnh, cung cấp sản phẩm đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe cho nhân dân”.
“KHÓ VẠN LẦN DÂN LIỆU CŨNG XONG”
Nhận thấy ấp không có trụ sở, mỗi khi họp dân triển khai chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tập trung tại trụ sở tạm, diện tích nhỏ hẹp, ông Võ Văn Thắng, ngụ ấp Cái Chanh, xã Phong Đông hiến khoảng 350m2 đất, ước trị giá 500 triệu đồng cho chính quyền xây trụ sở, nơi sinh hoạt văn hóa cho người dân. “Muốn đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới, mỗi ấp phải có điểm sinh hoạt văn hóa, Nhà nước đầu tư nhưng chưa có mặt bằng rộng rãi, tôi bàn với gia đình hiến một phần đất xây trụ sở ấp để người dân có nơi sinh hoạt cộng đồng hoặc họp hội đều thuận lợi, thoải mái. Hy sinh chút lợi ích của gia đình mà có lợi cho cộng đồng, tôi thấy xứng đáng”, ông Thắng nói. Sau khi có trụ sở ấp, Nhà nước đầu tư xây cầu bê tông bắc qua kênh, ông Thắng tiếp tục hiến thêm đất để làm dốc cầu, nhờ vậy giao thông 2 tuyến kênh được nối liền, thuận lợi giao thông, giao thương.
Để địa phương có ngôi trường tạo thuận lợi cho con em đến lớp, ông La Tòng Hớn, ngụ ấp Thạnh Đông, xã Phong Đông hiến 4.000m2 đất xây Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Phong Đông. Ông Hớn chia sẻ: “Đời sống muốn phát triển thì con em phải được ăn học, mà ở đây trường xa, đi lại khó khăn, phải qua sông, qua đò rất vất vả, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước, tôi bàn với con hiến phần đất để Nhà nước xây trường học, con em không còn nghỉ học giữa chừng, tôi rất vui”. Hiện ngôi trường được xây dựng khang trang, đầy đủ các phòng chức năng với 24 lớp học, gần 600 học sinh năm học 2021-2022. Đồng chí Châu Ngọc Cẩn - Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Phong Đông cho biết: “Là xã có xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới thấp so các xã còn lại, nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ, phát huy nội lực trong nhân dân đã giúp Phong Đông về đích xã nông thôn mới năm 2019”.
Huyện vận dụng sáng tạo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, huy động ngày công lao động từ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn huyện tham gia xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, từ đó chất lượng công trình không những được tăng lên mà còn giảm chi phí đầu tư. Giai đoạn 2011-2020, huyện xây mới 51 cây cầu kiên cố có trọng tải từ 5 tấn trở lên giúp việc kết nối giao thông giữa các địa phương thuận lợi hơn. Đến nay, huyện đã nhựa hóa hoặc bê tông hóa đường từ huyện đến trung tâm các xã được 73,7km; xây mới trên 320km, nâng cấp, sửa chữa trên 270km đường giao thông nông thôn, đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân cả hai mùa mưa, nắng.
Quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện Vĩnh Thuận xuất hiện nhiều tấm gương điển hình sẵn sàng góp sức, góp của, hiến đất vì lợi ích chung của cộng đồng. Đó là một trong những yếu tố quan trọng góp phần giúp huyện đạt chuẩn nông thôn mới bền vững.