Vĩnh Tường – Những gam màu sáng trong phát triển nông nghiệp

Với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, đặc biệt là những cơ chế hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, những năm gần đây, trên địa bàn huyện Vĩnh Tường xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt ứng dụng công nghệ mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và đảm bảo an sinh xã hội.

Mô hình nông nghiệp kết hợp trải nghiệm du lịch của chị Văn Thị Yến, thị trấn Tứ Trưng (Vĩnh Tường) đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho một số lao động tại địa phương.

Mô hình nông nghiệp kết hợp trải nghiệm du lịch của chị Văn Thị Yến, thị trấn Tứ Trưng (Vĩnh Tường) đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho một số lao động tại địa phương.

Ai đã từng đi trên tỉnh lộ 304, đoạn từ xã Đại Đồng đi thị trấn Tứ Trưng, chắc hẳn sẽ ấn tượng với những cánh đồng rau, củ, quả xanh mướt của nông trại Đào Gia Trang tại cánh đồng Vĩnh Trưng đang được đầu tư, xây dựng theo mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp trải nghiệm du lịch sinh thái.

Mô hình không chỉ là điểm sáng tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp của huyện Vĩnh Tường mà còn là địa điểm thăm quan, học hỏi của nhiều người dân trên địa bàn trong và ngoài tỉnh, mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp tại tỉnh nhà. Hiện nay, mô hình đang tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 5 lao động tại địa phương, doanh thu đạt hơn 3 tỷ đồng/năm.

Chị Văn Thị Yến, chủ mô hình chia sẻ: Với tổng diện tích trên 12.000 m2, nông trại được quy hoạch gọn gàng, đẹp mắt thành nhiều khu vực khác nhau. Khu nhà kính có quy mô 6.000 m2 chuyên trồng dưa lưới, dưa leo và nho. Khu trải nghiệm được xây dựng, trang trí nhiều loại cây tiểu cảnh rất đẹp. Khu ngoài trời, sản xuất các loại cây trồng theo mùa, chuyên canh gối vụ.

Năm 2021, nông trại lắp đặt hệ thống giám sát nông nghiệp công nghệ cao 4.0. Đây là mô hình đầu tiên trên địa bàn áp dụng công nghệ vào theo dõi và chăm sóc cây trồng. Nhờ đó, có thể dễ dàng quản lý về nhiệt độ, ánh sáng, dinh dưỡng, môi trường, đồng thời giảm bớt nhân công.

Ngoài mô hình nông trại “Đào Gia Trang” của chị Yến, thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Vĩnh Tường còn hình thành những mô hình vừa chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vừa kết hợp trải nghiệm du lịch sinh thái.

Tiêu biểu như mô hình kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch của anh Trương Quang Bảy, xã Ngũ Kiên (Vĩnh Tường); mô hình trồng nho ứng dụng công nghệ cao của HTX Quảng Phúc, xã Yên Bình (Vĩnh Tường).

Cùng với đó, cơ cấu mùa vụ trên địa bàn huyện Vĩnh Tường cũng có sự chuyển biến mạnh mẽ; giảm dần các giống dài ngày, tăng giống ngắn ngày. Đưa các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất trên diện rộng, chuyển dịch một bước từ sản xuất số lượng sang chú trọng chất lượng, gắn với thị trường, góp phần tăng năng suất, sản lượng và tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác.

Tiêu biểu như mô hình thâm canh giống lúa VNR20 tại xã Bình Dương, Tân Phú; mô hình trình diễn giống dưa lê Hàn Quốc theo chuỗi giá trị tại xã Tân Phú; mô hình thâm canh cây thanh long ruột đỏ theo hướng VietGAP hiện nay tại xã Vũ Di, Cao Đại; mô hình phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa vụ Đông Xuân, vụ Mùa bằng máy bay...

Trong lĩnh vực chăn nuôi, các con vật nuôi truyền thống vẫn được duy trì, không phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm; đặc biệt, chăn nuôi bò sữa tiếp tục phát triển, cho giá trị kinh tế cao.

Các mô hình chăn nuôi, thủy sản theo hướng an toàn sinh học được nhân rộng như mô hình thâm canh cá lăng trong ao theo hướng VietGAP tại xã Phú Đa; nuôi cá trắm cỏ thương phẩm an toàn sinh học tại xã Tân Phú; nuôi ốc nhồi thương phẩm tại xã Cao Đại...

Hiện nay, tổng đàn bò của huyện đạt gần 26.500 con, trong đó bò sữa hơn 15.500 con, tăng 1.431 con so với cùng kỳ, sản lượng sữa bò tươi đạt 24.328 tấn, tăng 1.683 tấn so cùng kỳ; tổng đàn lợn có hơn 64.000 con, tăng 10.375 con so cùng kỳ; tổng đàn gia cầm đạt gần 1,5 triệu con, tăng 210 nghìn con so với cùng kỳ...

Ông Nguyễn Thanh Bằng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Tường chia sẻ: Phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có, Vĩnh Tường sớm xác định mục tiêu là chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp đã được ban hành kịp thời, hỗ trợ nông nghiệp phát triển, tiêu biểu như Quyết định số 440/2022 của UBND huyện về việc phê duyệt "Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa và cây hàng năm trên địa bàn huyện Vĩnh Tường giai đoạn 2022-2025"... mở ra cơ hội lớn đối với nông nghiệp, nông dân trên địa bàn huyện, tạo tiền đề để nông nghiệp Vĩnh Tường cất cánh.

6 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị sản xuất trong nghành đạt gần 1.300 tỷ đồng chiếm 16,6 % tổng giá trị sản xuất của toàn huyện, đạt 61,57% kế hoạch, tăng 13,05% so với cùng kỳ.

Với mục tiêu tập trung ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, đổi mới tổ chức sản xuất, đẩy mạnh liên kết, phát triển thương mại - dịch vụ nông sản, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng và xuất khẩu, thời gian tới, Vĩnh Tường tăng cường giới thiệu những lợi thế, tiềm năng của huyện trong lĩnh vực nông nghiệp để thu hút các doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ cao đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhằm tạo ra những sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn cung cấp cho thị trường.

Đồng thời xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, hình thành chuỗi giá trị, chế biến và tiêu thụ nông sản. Hỗ trợ cá nhân, tập thể, hợp tác xã xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý cho các nông sản đặc trưng, chủ lực của tỉnh gắn với truy suất nguồn gốc và quản lý chất lượng theo chuỗi...

Bài, ảnh: Hồng Tính

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/96890//vinh-tuong-%E2%80%93-nhung-gam-mau-sang-trong-phat-trien-nong-nghiep