Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc): Kim Xá đổi mới hoạt động sản xuất nông nghiệp
Là một trong số xã về đích đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) sau cùng của huyện Vĩnh Tường bởi gặp nhiều khó khăn, để thúc đẩy kinh tế, chính quyền xã Kim Xá đã tích cực xây dựng các mô hình, khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất, đổi mới tư duy, hoạt động sản xuất nông nghiệp. Từ đó, mở ra các cơ hội phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Xã Kim Xá nằm ở khu vực giáp ranh giữa huyện Vĩnh Tường và huyện Tam Dương, có Tỉnh lộ 309 chạy qua với dân số hơn 12.000 người, trong đó hơn 7.000 người trong độ tuổi lao động, nhiều năm qua, kinh tế của địa phương chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, gắn bó với cây lúa và các cây vụ đông truyền thống, có năng suất và giá trị không cao. Thêm vào đó, diện tích sản xuất nông nghiệp bị suy giảm do tình trạng ngập úng chưa được cải thiện.
Năm 2021, tổng diện tích gieo trồng của xã hơn 900ha; năm 2022 chỉ còn hơn 830 ha, giảm 70ha so với năm trước. Giá trị sản xuất nông nghiệp - thủy sản năm 2022 đạt gần 130 tỷ đồng, chiếm 45% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn xã. Vì vậy, lộ trình phấn đấu hoàn thành xã nông thôn mới gặp không ít khó khăn, phải tới năm 2020, xã Kim Xá mới hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.
Nhận thấy rõ những vấn đề cấp thiết đặt ra, để nâng cao thu nhập cho nông dân, Đảng ủy, UBND xã Kim Xá đã quyết liệt vào cuộc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đổi mới cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị, thông qua các hội đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… xây dựng các mô hình thực tế. Từ đó cho thấy những hiệu quả kinh tế mang lại, giúp người dân tin tưởng, mạnh dạn nhân rộng các mô hình.
Đến thăm mô hình trồng măng tây nằm sát Tỉnh lộ 309 của anh Nguyễn Xuân Hòa, thôn Phú Nông, xã Kim Xá, chúng tôi rất ấn tượng bởi cách bố trí đường đi khoa học của mô hình.
Anh Hòa cho biết: “Tôi từng theo đuổi nhiều loại cây rau màu, song nhiều lần thất bại vì đầu ra không ổn định, giá cả thấp lại bấp bênh. Khi biết tới cây măng tây là loại nông sản giàu giá trị dinh dưỡng, giá bán cao, nhiều tiềm năng phát triển, tôi có tìm hiểu kỹ về thị trường và kỹ thuật chăm sóc, khá phù hợp với chất đất tại khu vực ruộng nhà, gia đình đã vay mượn thêm vốn, tích lũy ruộng đất, xây dựng khu vực sản xuất măng tây có diện tích hơn 2.000m2”. Với khoản đầu tư ban đầu 60 triệu đồng cho 1.000 gốc măng tây xanh, cùng phân bón hữu cơ và lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, sau khoảng 7 tháng trồng thử nghiệm, lứa măng tây đầu tiên cho ra sản phẩm măng to, mập, ăn có vị ngọt, thơm ngon.
Ước tính 1 năm cho thu hoạch khoảng 8 tháng; đều đặn mỗi ngày thu hoạch khoảng 20kg, với giá bán ổn định từ 65.000-70.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư, công chăm sóc, mỗi tháng, vườn măng tây xanh cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng, lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Lãnh đạo xã Kim Xá cho biết: Đây là một trong những điểm sáng về đổi mới hoạt động sản xuất, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của xã phát triển. Để nhân rộng, UBND xã đã phối hợp với Hội Nông dân huyện Vĩnh Tường hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật, tăng cường tuyên truyền, vận động người nông dân trong xã tập trung ruộng đất, tạo thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, hình thành thêm các mô hình tạo ra "làn sóng" đổi mới tư duy của nông dân.
Đồng thời, dành thêm nguồn lực đầu tư, sửa chữa kênh mương nội đồng, thực hiện tốt công tác thủy lợi, đáp ứng nhu cầu tưới, tiêu trong sản xuất nông nghiệp. Xây dựng kế hoạch, chủ động ứng phó với điều kiện thời tiết bất lợi, bảo vệ sản xuất.
Bằng các giải pháp đã và đang triển khai, chính quyền xã Kim Xá đã khuyến khích nông dân tự tìm hiểu, mạnh dạn đưa các cây trồng mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất.
Việc chuyển đổi các mô hình sản xuất kinh tế, lựa chọn các cây trồng vật nuôi thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, địa hình là bàn đạp quan trọng để Kim Xá hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống cho người dân khu vực nông thôn, nhất là hướng tới mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới.