VinMart, VinMart+ huy động 1.500 tỷ đồng trái phiếu
Công ty VinCommerce, chủ sở hữu và vận hành chuỗi siêu thị VinMart, VinMart+, vừa huy động xong 1.500 tỷ đồng từ trái phiếu với kỳ hạn 5 năm.
Công ty CP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce mới đây đã có thông báo về việc phát hành xong 1.500 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 5 năm cho nhà đầu tư. Đây là loại trái phiếu có đảm bảo, được trải lãi định kỳ 3 tháng/lần. Ngày hoàn thành đợt chào bán là 25/1.
Đây không phải lần đầu doanh nghiệp này huy động lô trái phiếu với giá trị lớn như trên. Theo báo cáo của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tính trong nửa đầu năm 2020, VinCommerce cũng đã huy động hơn 2.700 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 5 năm, lãi suất 9,9%/năm cho 4 kỳ tính lãi đầu tiên, lãi suất kỳ thứ 5-8 áp dụng mức 10,9%/năm và các kỳ sau bằng lãi suất tham chiếu cộng 3,9%/năm.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh sơ bộ gửi tới HNX, tính đến cuối tháng 6/2020, doanh nghiệp này có vốn chủ sở hữu 4.122 tỷ, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 3,18 lần, tương đương mức nợ phải trả vào khoảng hơn 13.000 tỷ đồng. Cũng giai đoạn này, chủ sở hữu chuỗi VinMart và VinMart+ lỗ sau thuế 1.787 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2020 của Tập đoàn Masan công bố mới đây, VinCommerce đã ghi nhận lần đầu có lãi EBITDA (lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay) dương trong quý IV/2020.
Cụ thể, tính riêng 3 tháng cuối năm 2020, chuỗi siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+ ghi nhận 7.300 tỷ đồng doanh thu, nhờ việc cắt giảm được lượng lớn chi phí do đóng các cửa hàng hoạt động không hiệu quả, VinCommerce ghi nhận lợi nhuận EBITDA đạt 16 tỷ đồng, tương đương biên EBITDA 0,2%. Đây là quý đầu tiên kể từ khi đi vào vận hành nhà bán lẻ này ghi nhận con số EBITDA dương.
Cũng theo báo cáo, biên EBITDA của VinCommerce năm 2020 đã được cải thiện từ mức âm 4,8% quý I và âm 8,4% quý II do chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đến quý III, chỉ số này tăng lên mức âm 3% và đạt mức dương 0,2% trong quý cuối năm. Tuy vậy, tính chung cả năm 2020, chuỗi bán lẻ này vẫn ghi nhận mức EBITDA âm 1.234 tỷ, tương đương tỷ suất âm 4%.
Trong năm, VinCommerce đã đóng cửa 744 cửa hàng VinMart+ và 12 siêu thị VinMart hoạt động không hiệu quả, đồng thời mở mới 84 cửa hàng VinMart+ và 2 siêu thị VinMart.
Liên quan tới hoạt động huy động trái phiếu tại Masan và các công ty thành viên, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 của Masan, năm 2020 vừa qua tập đoàn này cùng các công ty thành viên đã tăng vay nợ thêm hơn 21.200 tỷ đồng qua kênh trái phiếu.
Trong đó bao gồm gần 16.200 tỷ trái phiếu không có đảm bảo và trên 5.000 tỷ đồng trái phiếu có đảm bảo. Masan cũng thuộc nhóm doanh nghiệp có số dư phát hành trái phiếu lớn nhất thị trường năm qua.
Ngoài Masan, nhóm doanh nghiệp sử dụng nhiều công cụ trái phiếu nhất năm qua còn có Vingroup và các công ty thành viên, Sovico Holdings, Novaland, TNR Holdings và một số ngân hàng lớn...
Việc tăng huy động trái phiếu kể trên cùng gia tăng dư nợ vay ngắn hạn tại các ngân hàng khiến tổng vay và nợ thuê tài chính đến cuối năm 2020 của Masan đã lên tới hơn 62.000 tỷ, tăng gấp đôi so với đầu năm và chiếm hơn một nửa nguồn vốn của doanh nghiệp.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vinmart-vinmart-huy-dong-1500-ty-dong-trai-phieu-post1182284.html