Virus Corona mở ra cuộc thử nghiệm làm việc tại nhà lớn nhất thế giới

Sau khi bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona, làm việc tại nhà không còn là đặc quyền, nó đang trở thành một hoàn cảnh bắt buộc.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin trong khi các nhà máy, cửa hiệu, khách sạn và nhà hàng cảnh báo về tình trạng vắng bóng khách hàng đang diễn ra tại khu vực trung tâm thành phố, đằng sau cánh cửa đóng chặt là hàng ngàn doanh nghiệp đang tính kế để duy trì hoạt động trên một thế giới ảo.

Ông Alvin Foo, Giám đốc công ty quảng cáo Reprise Digital ở Thượng Hải với 400 nhân sự cho biết: “Đây là một cơ hội tốt để chúng ta thử nghiệm mô hình làm việc tại nhà quy mô lớn. Rõ ràng, không dễ dàng đối với một công ty quảng cáo cần sự động não của nhiều người. Điều này đồng nghĩa với việc cần vô số cuộc gọi điện thoại và video”.

Đằng sau các cánh cửa đóng kín, hàng ngàn doanh nghiệp đang tìm cách vận hành qua mạng Internet. Ảnh: SCMP

Đằng sau các cánh cửa đóng kín, hàng ngàn doanh nghiệp đang tìm cách vận hành qua mạng Internet. Ảnh: SCMP

Hiện tại, hầu hết người dân Trung Quốc vẫn trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài. Nhưng khi các công ty Trung Quốc bắt đầu làm việc trở lại, tình trạng dịch bệnh chưa có dấu hiệu lắng xuống khả năng sẽ mở ra cuộc thử nghiệm làm việc tại nhà lớn nhất thế giới.

Việc này đồng nghĩa rằng sẽ có thêm nhiều người tìm cách sắp xếp cuộc gặp với khách hàng và thảo luận nhóm qua các ứng dụng gọi video, hay bàn bạc kế hoạch trên các nền tảng phần mềm năng suất như WeChat Work hoặc Slack-like Lark của Bytedance.

Lực lượng tiên phong của mô hình nhân viên phân tán mới là các trung tâm tài chính Hong Kong và Thượng Hải, những thành phố có khu trung tâm kinh doanh quy tụ hàng trăm ngàn nhân viên văn phòng trong lĩnh vực tài chính, hậu cần, bảo hiểm, luật…

Một nhân viên ngân hàng ở Hong Kong cho biết anh sẽ kéo dài kỳ nghỉ ở nước ngoài vì anh có thể làm việc tại bất kỳ đâu chỉ cần máy tính xách tay và điện thoại. Một người doanh nhân cũng chia sẻ rằng ông đã chuyển hướng tập trung sang các giao dịch ngoài Trung Quốc, cụ thể là khu vực Đông Nam Á.

“Không một ai hẹn gặp, lịch làm việc của tôi khá trống rỗng. Một người gửi thư điện tử cho tôi chuyển lịch hẹn sang tận tháng 2”, ông Jeffrey Broer – cố vấn đầu tư mạo hiểm tại Hong Kong – cho hay.

Một trong những yếu tố đáng lo ngại nhất đối với người lao động chính là sự biến đổi nhanh chóng của tình hình dịch virus Corona – dẫn đến việc các công ty thay đổi thông báo hàng ngày.

Tiko Mamuchashvili, nhà tổ chức sự kiện cao cấp tại khách sạn Hyatt ở Bắc Kinh, vốn phải quay trở lại làm việc từ hôm 31/1 song đã được thông báo cho nghỉ đến ngày 3/2. Tiếp đến, cô lại nhận được tin cho làm việc tại nhà thêm hai ngày. Ít hôm sau đó, phía khách sạn lại gửi thông báo lùi ngày đi làm đến 10/2. Mỗi sáng, cô cũng phải báo cáo lại hành tung với công ty cũng như việc có bị ốm sốt hay không.

“Thông thường cảm giác phải đi làm trở lại sau kỳ nghỉ khá lạ lẫm, song làm việc từ nhà riêng tại thời điểm này, chờ đợi từng thông báo ngắn gọn mỗi ngày còn kỳ lạ hơn. Do các sự kiện của khách sạn đều bị hoãn lại, về cơ bản, toàn bộ việc tôi có thể làm chỉ là trả lời thư điện tử”, Mamuchashvili chia sẻ.

Một số nhà quản lý lo ngại việc nhân viên làm việc từ xa sẽ hạ thấp năng suất lao động nhưng có bằng chứng về điều ngược lại. Một nghiên cứu từ năm 2015 của trường đại học Stanford ở California chỉ ra năng suất lao động của các nhân viên trực tổng đài tại hãng du lịch Ctrip (Trung Quốc) đã tăng 13% khi họ làm việc tại nhà riêng do cần ít đợt nghỉ giải lao hơn cũng như môi trường làm việc thoải mái hơn.

Dịch bệnh do virus Corona gây ra cũng là mối đe dọa hiện hữu đối với một mô hình văn phòng mới: văn phòng làm việc chung, vốn đang nhân rộng khắp các thành phố lớn của Trung Quốc thời gian gần đây do giá thuê bất động sản tăng vọt cùng với sự bùng nổ của các công ty khởi nghiệp công nghệ.

“Đây sẽ là khoảng thời gian rất khó khăn”, ông Dave Tai, Phó giám đốc của Beeplus, một văn phòng làm việc kiêm tiệm bánh với tổng cộng 300 nhân viên. Sự bùng phát của bệnh viêm phổi lạ đã khiến công ty ông phải hoãn mở cửa văn phòng ở Bắc Kinh trong khi ông cho rằng việc ông và những người khác trong ngành làm việc từ xa là điều không thể.

Với nhiều công ty, chỉ đạo nhân viên văn phòng ở nhà làm việc chỉ giải quyết một phần vấn đề. Bởi không ít công ty phải phụ thuộc vào bên nhà xưởng, công ty hậu cần và cửa hàng bán lẻ để vận hành.
Đối với hãng sản xuất ốp điện thoại Casetify, năm 2020 được dự báo là năm khởi sắc chưa từng thấy. Nhân sự của công ty ở Hong Kong này đã tăng 150% vào cuối tháng 12/2019 và dự kiến sẽ tăng gấp đôi doanh thu năm nay. Tuy nhiên, sự lây lan của thứ virus khởi phát từ thành phố Vũ Hán đã khiến các nhà xưởng ở Trung Quốc có hợp đồng sản xuất ốp với Casetify đều phải đóng cửa. Casetify buộc phải yêu cầu nhân viên làm việc từ xa. Gian hàng tại sân bay ở Hong Kong nằm im lìm.

Thậm chí với những người có thể xử lý công việc qua điện thoại và mạng Internet, virus Corona cũng khiến họ không có nhiều việc để làm. Các ngân hàng cho biết IPO và giao dịch đang bị trì hoãn. Theo số liệu của Bloomberg, giá trị giao dịch trong 30 ngày đầu năm 2020 chỉ bằng một nửa so với năm trước.

“Điều tồi tệ nhất vẫn chưa tới. Chúng tôi nghĩ rằng virus Corona có thể giáng đòn nặng nề hơn vào nền kinh tế của Trung Quốc trong thời gian tới, dựa trên dịch SARS năm 2003”, nhà phân tích Ting Lu tại công ty tài chính Nomura nhận xét.

Trong khi các số liệu cho thấy khả năng chủng virus Corona mới không nguy hiểm chết người như SARS, nó đã lây nhiễm cho nhiều người hơn với tốc độ nhanh chóng.

Theo ông Warwick McKibbon, Giáo sư kinh tế tại Đại học Quốc gia Australia, một phần tác động lớn của cú đánh đối với nền kinh tế trong đợt bùng phát hiện nay có khả năng đến từ những “thay đổi tâm lý con người”. Ông cho biết dịch SARS đã khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 40 tỷ USD. Bên cạnh đó, ông dự đoán virus Corona sẽ còn gây tổn thất gấp 3 – 4 lần. “Nỗi hoảng sợ dường như là thiệt hại lớn nhất đối với nền kinh tế, thay vì cái chết”, ông nói.

Với việc các công ty đóng cửa và nhân viên văn phòng tiếp tục ở nhà, ngành dịch vụ ở Trung Quốc phải đối mặt với một khoảng thời gian khó khăn. Lĩnh vực này đã lớn hơn nhiều so với thời kỳ dịch SARS, chiếm 53% nền kinh tế, tăng từ 41% vào năm 2002. Nhưng không có khách hàng, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng bế tắc.

Hoàng Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/virus-corona-mo-ra-cuoc-thu-nghiem-lam-viec-tai-nha-lon-nhat-the-gioi-20200203174016128.htm