Virus gây bùng phát bệnh đau mắt đỏ tại TPHCM từng xuất hiện ở nhiều đại dịch trên thế giới

Tác nhân chính gây ra viêm kết mạc mắt trong đợt bùng phát đau mắt đỏ hiện nay tại TPHCM chủ yếu là do Coxsackievirus A24 gây ra, ngoài ra còn do human Adenovirus 54 và 37 gây ra.

Ngày 15-9, Sở Y tế TPHCM cho biết, kết quả giải trình tự gen các mẫu bệnh phẩm có tải lượng virus phù hợp đã xác định Coxsackievirus A24 (86%), human Adenovirus 54 (11%) và human Adenovirus 37 (3%) là những tác nhân gây ra gây đợt bùng phát đau mắt đỏ tại TPHCM thời gian gần đây.

Cụ thể là, tất cả 6 mẫu dương tính enterovirus đều cho kết quả là Coxsackievirus A24; trong số 5 mẫu dương tính với adenovirus phát hiện 4 mẫu là human Adenovirus 54 (hAdV-54) và 1 mẫu là human Adenovirus 37 (hAdV-37).

Tác nhân chính gây ra viêm kết mạc mắt trong đợt bùng phát đau mắt đỏ hiện nay tại TPHCM chủ yếu là do Coxsackievirus A24 gây ra, ngoài ra còn do human Adenovirus 54 và 37 gây ra và viêm kết mạc xuất huyết (acute haemorrhagic conjunctivitis - AHC) là biểu hiện chủ yếu trong đợt bùng phát mắt đỏ hiện nay tại TPHCM.

Theo số liệu từ các nghiên cứu trước đây, các adenovirus (bao gồm hAdV-1, hAdV-2, hAdV-3, hAdV-4, hAdV-7, hAdV-8, hAdV- hAdV-19, hAdV-22, hAdV-37 và hAdV-54) cũng như Coxsackievirus A24 và Entero 70 (thuộc nhóm enterovirus) là các biến thể được phát hiện ở các trường hợp gây bùng phát bệnh đau mắt đỏ trên thế giới.

Riêng năm 2020, Bệnh viện Mắt Trung ương phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội đã báo cáo tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ tại Hà Nội trong giai đoạn 2017-2019 thuộc nhóm adenovirus (hAdV-3, hAdV-4, hAdV-8 và hAdV-37) (J Med Virol, 2020).

Trước đó, Coxsackievirus A24 và EV70 đã gây các trận dịch viêm kết mạc xuất huyết tại nhiều nơi trên thế giới. Trận dịch đầu tiên được báo cáo vào năm 1969 tại Ghana. Từ đó ghi nhận dịch viêm kết mạc xuất huyết đã xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới. Tại châu Á, Coxsackievirus A24 ghi nhận lần đầu tại Singapore vào năm 1970, sau đó xuất hiện thành các trận dịch tại các nước khác.

Trong trận dịch viêm kết mạc xuất huyết tại Okinawa, Nhật Bản năm 2011, biến thể Coxsackievirus A24 là tác nhân chính, trong đó có 25,4% trường hợp có xuất huyết dưới kết mạc, 10,3% có viêm giác mạc chấm nông và 7,8% có nổi hạch sau tai.

Để chủ động phòng chống, Sở Y tế khuyến cáo, người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid để điều trị.

Hàng ngàn học sinh ở Quảng Ngãi bị đau mắt đỏ

Trung tâm Y tế huyện Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi) thông tin, tính từ đầu tháng 9 đến nay, toàn huyện Sơn Tịnh đã ghi nhận hơn 1.500 ca đau mắt đỏ; trong đó các địa phương xuất hiện nhiều ca đau mắt đỏ nhất là Tịnh Bình, Tịnh Hiệp, Tịnh Phong, Tịnh Sơn…

Tại Trường Tiểu học Tịnh Hiệp (xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh) chỉ trong 2 tuần qua đã có 132 học sinh bị đau mắt đỏ, đến nay đã có 43 học sinh khỏi bệnh và đi học trở lại, còn 89 học sinh nghỉ học, cách ly với các bạn cùng lớp theo yêu cầu của nhà trường.

Thống kê Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi, tháng 6 có gần 200 bệnh nhi đau mắt đỏ đến khám tại bệnh viện, đến tháng 8 có gần 300 bệnh nhi, riêng số lượng bệnh nhi trong 10 ngày đầu tháng 9 đã vượt hơn so các tháng trước. Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 40-50 bệnh nhi có biểu hiện đau mắt đỏ.

THÀNH SƠN - NGUYỄN TRANG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/virus-gay-bung-phat-benh-dau-mat-do-tai-tphcm-tung-xuat-hien-o-nhieu-dai-dich-tren-the-gioi-post705762.html