Virus Rota có thể gây nguy hiểm như thế nào đối với trẻ nhỏ?

Tiêu chảy do Rotavirus là căn bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, khiến trẻ dễ bị mất nước nặng, nôn ói và tiêu chảy lên đến 20 lần/ngày.

Mỗi năm trên thế giới, tiêu chảy cấp do Rotavirus tước đi sinh mạng của hơn 600.000 trẻ em. Con số này chiếm tỷ lệ đặc biệt cao ở các nước đang phát triển. Đáng nói, đây là bệnh có thể ngừa được bằng vaccine nhưng không nhiều trẻ em được chủng ngừa.

Sử dụng vaccine phòng bệnh ngay từ 2 tháng tuổi sẽ giúp trẻ được phòng ngừa chủ động đối với tiêu chảy cấp do virus rota bên cạnh việc cho trẻ rửa tay, uống nước sạch và bú sữa mẹ.

Ở các nước nhiệt đới, bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus thường xảy ra quanh năm. Bệnh thường lây nhiễm qua đường tiêu hóa với khả năng lây nhiễm rất cao trong đó đường truyền phổ biến là phân – miệng. Trẻ chỉ cần một lượng nhỏ virus là đã mắc bệnh, trong khi đó trẻ nhiễm Rotavirus có thể đào thải theo phân ra ngoài lượng virus lên đến khoảng 10 ngàn tỷ một lần.

Tiêu chảy cấp do Rotavirus là gì?

Tiêu chảy cấp do Rotavirus, hay còn gọi là nhiễm trùng ruột do Rotavirus, là nguyên nhân phổ biến nhất gây tiêu chảy nặng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Virus Rota là một chủng virus dạng vòng, có 7 nhóm A, B, C, D, E, F và G, trong đó chỉ có nhóm A, B, C gây bệnh cho người. Nhóm A hay gặp nhất, gây ra hầu hết các vụ dịch tiêu chảy nặng ở trẻ em, nhóm B và C thường gây các vụ dịch quy mô nhỏ, hay gặp ở trẻ lớn và người trưởng thành.

Virus Rota có khả năng sống lâu trong môi trường nước nên khả năng lây nhiễm rất cao. Chúng tấn công nhanh vào hệ tiêu hóa còn non nớt của trẻ, gây tiêu chảy nặng, mất nước và tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh xảy ra nhiều nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi. Ở các nước đang phát triển, hàng năm có khoảng trên 125 triệu ca tiêu chảy do vi rút Rota ở trẻ em dưới 5 tuổi. Trẻ càng nhỏ

Triệu chứng của bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus

Trẻ khi bị nhiễm Rotavirus có thời gian ủ bệnh khoảng 2 ngày trước khi các triệu chứng rõ ràng xuất hiện. Các triệu chứng của tiêu chảy cấp do Rotavirus bao gồm:

Nôn mửa: Đây là dấu hiệu đầu tiên, trẻ nôn mửa rất nhiều trước tiêu chảy khoảng 6-12 giờ và có thể kéo dài 2-3 ngày, triệu chứng này sẽ giảm dần trước khi tiêu chảy xuất hiện.

Tiêu chảy: Phân lỏng toàn nước, có thể có màu xanh, đờm nhớt nhưng không có máu. Trẻ có thể đi tiêu phân lỏng hơn 20 lần trong ngày.

Mất nước: Các biểu hiện của mất nước bao gồm khát nước, môi khô, lưỡi khô, da khô, tiểu ít, quấy khóc. Đây là biến chứng trầm trọng và nguy hiểm nhất của tiêu chảy cấp do Rotavirus, có thể dẫn đến khô kiệt do mất nước và mất muối, trụy mạch và tử vong nếu không bù nước kịp thời.

Rotavirus lây truyền như thế nào?

Tiêu chảy cấp do Rotavirus lây lan rất nhanh, chủ yếu qua con đường phân – miệng và tay – miệng. Virus Rota có thể sống trên các bề mặt tiếp xúc như đồ chơi, mặt bàn ghế, tay vịn, trong nước hoặc trên da. Trẻ dễ bị nhiễm virus Rota khi tiếp xúc với nguồn phân của những người đang bị nhiễm. Trẻ em cũng thường bị nhiễm virus Rota qua bàn tay bị nhiễm bẩn của mình. Khi trẻ cầm nắm đồ chơi hoặc chạm tay vào các bề mặt có virus rồi đưa tay lên miệng, virus sẽ dễ dàng xâm nhập vào đường tiêu hóa của trẻ và gây bệnh.

Trẻ nhiễm virus Rota đào thải một lượng siêu vi rất lớn. Mỗi 1ml phân của một trẻ bị tiêu chảy cấp do Rotavirus có thể chứa hơn 10.000 tỷ Rotavirus, trong khi chỉ cần chưa đến 10 virus này là đủ để lây bệnh cho con người.

CTV Gia Khánh/VOV.VN (biên dịch) Healthnews

Nguồn VOV: https://vov.vn/suc-khoe/virus-rota-co-the-gay-nguy-hiem-nhu-the-nao-doi-voi-tre-nho-post1081387.vov