Virus SARS-CoV-2 có thể nhân lên trong niêm mạc mắt

Khi mắc Covid-19, sự lây truyền của virus qua lớp phim nước mắt có thể tồn tại, thậm chí sau khi đã khỏi bệnh. Từ đó, dẫn đến di chứng đỏ mắt hậu Covid.

Trẻ đau mắt hậu Covid-19 điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Trẻ đau mắt hậu Covid-19 điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Viêm kết mạc chiếm 89%

Gần đây, các phòng khám mắt liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân đau mắt hậu Covid-19. Đa số F0 có triệu chứng đỏ mắt, thường gặp nhất là viêm kết mạc. Bác sĩ Võ Hà Băng Sương, bác sĩ Nội tổng quát - Khoa Khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, cho biết, mắt bị đỏ là do mạch máu tại cơ quan này sưng to và giãn ra.

Đây là biểu hiện của tình trạng bệnh lý nhãn khoa hay hệ thống. Tình trạng này có thể là lành tính hoặc nghiêm trọng, tùy vào các triệu chứng đi kèm như giảm thị lực, đau nhức hay cộm và chói mắt...

“Số liệu thống kê cho thấy, khoảng 11% người mắc Covid-19 có triệu chứng đỏ mắt, thường gặp nhất là do viêm kết mạc, chiếm 89%. Viêm kết mạc là một tình trạng nhiễm trùng mắt thường gặp, nguyên nhân do virus hoặc vi khuẩn. Đôi khi do một số tác nhân kích ứng, có thể dễ dàng điều trị và tránh được”, bác sĩ Sương cho biết.

Theo chuyên gia này, người bị đỏ mắt có biểu hiện phần lòng trắng của mắt trở thành màu hồng hay đỏ. Bác sĩ Sương giải thích, khi mắc Covid-19, sự lây truyền của virus qua lớp phim nước mắt có thể tồn tại, thậm chí sau khi đã khỏi bệnh. Từ đó, dẫn đến di chứng đỏ mắt hậu Covid.

Trong một số trường hợp, dấu hiệu đỏ mắt không phải là viêm kết mạc, mà là tình trạng nguy hiểm hơn như: Viêm màng bồ đào trước; Liên quan đến bệnh lý đáp ứng viêm hệ thống đa cơ quan.

Ngoài ra, Covid-19 có thể ảnh hưởng tới võng mạc và hắc mạc (phần phía sau của nhãn cầu). Tình trạng này gây ra bởi các tình trạng thiếu máu, viêm mạch, tổn thương tế bào nội mô mạch máu võng mạc. Từ đó, dẫn tới tình trạng tắc tĩnh mạch hoặc động mạch võng mạc, mù không hồi phục.

“Bệnh nhân Covid-19 có thể có tình trạng viêm thần kinh thị giác do virus xâm nhập trực tiếp vào thần kinh mắt hoặc cơn bão cytokine gây ra. Biểu hiện là mất thị lực, đau mắt khi liếc, khám thấy phản xạ ánh sáng bất thường và phù gai thị.

Bên cạnh đó, nếu tình trạng thiếu máu gây tổn hại một phần võng mạc có thể dẫn đến triệu chứng mất một vùng nhìn (người bệnh không thể thấy rõ một vùng thị trường)”, bác sĩ Sương lý giải.

Ngoài ra, các triệu chứng khác có thể nằm phía sau nhãn cầu, bao gồm: Thoái hóa võng mạc; Viêm màng bồ đào sau; Tổn thương đa ổ trên võng mạc. Vì vậy, bác sĩ Sương khuyến cáo, nếu F0 bị đỏ mắt kèm các dấu hiệu bất thường, cần có sự đánh giá của bác sĩ chuyên khoa mắt.

Mất thị lực nếu không điều trị kịp thời

Theo các chuyên gia y tế, Việt Nam chưa có nghiên cứu nào về việc Covid-19 ảnh hưởng đến mắt. Tuy nhiên, một phân tích tổng hợp năm 2021 của tác giả Naser Nasiri (Viện Nghiên cứu tương lai về sức khỏe) thực hiện trên 7.300 bệnh nhân Covid-19 cho thấy, có 11% trường hợp gặp những biểu hiện ở mắt, thường là viêm kết mạc, khô mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt và ngứa.

Không chỉ ở người lớn, nhiều trẻ em cũng bị đau mắt hậu Covid-19. ThS.BS Lưu Thị Quỳnh Anh - Phó Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết: “Thời gian gần đây, Khoa Mắt đã tiếp nhận khá nhiều trường hợp trẻ đến khám trong tình trạng mắt đỏ, ngứa, cộm, chảy nước mắt và nhức mắt sau khi khỏi Covid-19”.

Chuyên gia này lý giải, nguyên nhân chính khiến trẻ bị đau mắt đỏ sau khi khỏi bệnh là virus nhân lên trong niêm mạc mắt. Trẻ bị viêm kết mạc hậu Covid-19 thường có biểu hiện đỏ mắt ở các phần màu trắng của mắt, không gây khó chịu hoặc mắt có thể bị đau, cảm giác ngứa hoặc cộm, chảy nhiều nước mắt và gỉ mắt kèm nhức mắt.

Nếu không được chăm sóc, vệ sinh mắt đúng cách, tình trạng của trẻ có thể nặng hơn. Từ đó, dẫn đến những tổn thương khó lường. Thậm chí, nếu không điều trị kịp thời có thể gây mất thị lực, mù lòa.

“Ngay sau khi thấy trẻ có những biểu hiện của viêm kết mạc (đau mắt đỏ) hậu Covid, cha mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ chuyên khoa Mắt để được thăm khám, chẩn đoán và can thiệp kịp thời. Tránh trường hợp chủ quan, tự chữa tại nhà, sẽ dẫn đến nhiều nguy hại cho đôi mắt của trẻ”, ThS.BS Quỳnh Anh nhấn mạnh.

Bác sĩ Bùi Thị Phương Nhung - Khoa Mắt, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) - khuyến cáo, F0 cần chuẩn bị sẵn nước muối sinh lý 0,9% (loại 10 ml) để vệ sinh mắt.

Nước muối sinh lý có tác dụng rửa trôi virus và các yếu tố gây viêm khỏi bề mặt nhãn cầu. Nhờ đó, giúp hồi lưu nước mắt và hồi phục nhanh hơn trong các trường hợp đau đỏ mắt.

Đồng thời, F0 cần hạn chế nhìn điện thoại, máy tính, các thiết bị điện tử trong thời gian dài. Qua đó, tránh bị mỏi mắt, tổn thương võng mạc. Lưu ý uống đủ nước, bổ sung các loại vitamin (A, C, E), giữ tinh thần thoải mái, lạc quan.

“Trường hợp mắt đỏ, cộm, nhức nhiều ngay sau khi khỏi bệnh, cần đi khám để được kê đơn. Sử dụng thuốc nhỏ mắt, thuốc tra mắt kháng sinh, kháng viêm giúp giảm các triệu chứng hoặc tác dụng phụ không mong muốn như khô mắt, tăng nhãn áp, mù mắt...”, bác sĩ Nhung chia sẻ.

Vân Huyền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/virus-sars-cov-2-co-the-nhan-len-trong-niem-mac-mat-aCfYxkr7g.html