ViruSs livestream đối chất ngoại tình: Suy đồi đạo đức và có dấu hiệu vi phạm pháp luật?

Livestream triệu lượt xem của ViruSs trong đó có màn đối chất với rapper Pháo khiến giới chuyên môn hoài nghi về việc người trẻ ưu tiên giải trí vô bổ. ViruSs còn bật tính năng yêu cầu người xem trả phí để có thể bình luận trên livestream này.

"Người trẻ Việt Nam ưu tiên giải trí vô bổ"

Livestream hơn 9 phút, thu hút tổng 4,8 triệu lượt xem, có thời điểm lên tới hơn 1,5 triệu tài khoản xem cùng là con số "khủng" trong buổi đối chất tình ái của streamer ViruSs trên TikTok, hôm 28/3.

Tại buổi livestream, nam streamer tập trung giải đáp các thắc mắc từ cộng đồng mạng và chia sẻ quan điểm xung quanh chuyện tình ái. Đặc biệt, rapper Pháo còn có màn đối chất gay gắt với streamer này.

Livestream trên TikTok của ViruSs thu hút hàng triệu người xem.

Livestream trên TikTok của ViruSs thu hút hàng triệu người xem.

Theo tiến sĩ, MC Trịnh Lê Anh, hiện tượng "hóng biến" không mới và không chỉ có ở Việt Nam, nhưng phản ứng của mỗi quốc gia lại khác nhau. Cụ thể, người Nhật giữ khoảng cách, người Hàn sẵn sàng tẩy chay nghệ sĩ vi phạm đạo đức. Giới trẻ châu Âu lại quan tâm đến những vấn đề cấp thiết như nhân quyền hay giáo dục.

Trong khi đó, nhiều người trẻ Việt Nam lại ưu tiên giải trí vô bổ thay vì các nội dung đổi mới sáng tạo.

"Chúng ta đang cười, ủng hộ và tiếp tay lan truyền những thứ vô bổ. Trong khi đó, họ bỏ qua những câu chuyện đổi mới sáng tạo, những cá nhân cống hiến, những tấm gương thầm lặng", Trịnh Lê Anh bày tỏ.

MC Trịnh Lê Anh cho rằng, đây không phải lỗi của mạng xã hội, mà bởi sự lựa chọn của người dùng: "Đã đến lúc cần đặt ra những câu hỏi lớn: Chúng ta đang dạy con em mình tiêu thụ nội dung như thế nào? Ai đang dẫn dắt thị hiếu số đông?

Mạng xã hội có đang giúp chúng ta phát triển tư duy phản biện hay chỉ là nơi để ngồi hóng cuộc đời người khác? Không một quốc gia nào có thể tiến xa nếu thế hệ trẻ tiêu tốn hàng giờ để theo dõi drama tình ái, thay vì đầu tư vào học tập, sáng tạo, và làm chủ tương lai", nam MC cho hay.

Đồng quan điểm, chuyên gia truyền thông Hằng Nguyễn cho rằng, việc giới trẻ theo dõi ồn ào về đời tư, nhất là với người nổi tiếng trên mạng xã hội không phải điều xa lạ.

Tuy nhiên, điều đáng báo động là khi các vấn đề này trở thành tâm điểm, kéo dài trong nhiều ngày.

Thậm chí, vụ ồn ào còn được diễn ra một cách rất khéo léo, thao túng cảm xúc, định hướng thông tin trên mạng xã hội khiến người trẻ bị cuốn theo các cuộc đấu tố dựa trên thông tin chưa xác thực hoặc từ một phía.

"Sự việc này có dấu hiệu của một cuộc chiến truyền thông bài bản, không chỉ dừng ở việc drama bỗng dưng bị phơi bày.

Trước phiên livestream của ViruSs, trong đó có màn đối chất "gay cấn"của rapper Pháo là thông tin về chuyện tình ái của ViruSs đã râm ran khắp không gian mạng. Sự việc được đẩy lên đỉnh điểm khi rapper Pháo tung bản rap diss "Sự nghiệp chướng" - được cho là ám chỉ đến ViruSs.

Ngay sau đó, Pháo và một số người được cho là tình cũ của ViruSs còn trực tiếp góp mặt trong livestream để "bóc phốt" ViruSs. Đây cũng là phiên livestream có nhiều người đăng ký trả tiền để được bình luận và tặng quà ViruSs nhiều nhất nhì.

Xâu chuỗi các sự việc cho thấy, các thao tác được diễn ra một cách tuần tự gồm: gây sự tò mò, tạo xung đột, thao túng cảm xúc và cuối cùng là các quà tặng ảo, giá trị thật từ người hâm mộ chảy về túi người livestream", bà Hằng cho hay.

"Điều đáng lo ngại là nhiều bạn trẻ không có định hướng, thiếu chuẩn mực trong lối sống, thiếu kỹ năng sống, "giết thời gian" bằng việc thường xuyên tìm kiếm những tin độc lạ, những trào lưu như bóc phốt, đấu tố, đánh ghen hoặc những lối sống buông thả trên không gian mạng như một sự giải trí.
Không ít người vì muốn thu hút lượt theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội mà sẵn sàng tạo ồn ào, có phát ngôn gây tranh cãi, ngôn ngữ phản cảm, dung tục hoặc có những hành vi lệch chuẩn trên không gian mạng để thu hút lượng tương tác nhằm kiếm tiền từ các hoạt động bán hàng online hoặc thực hiện các hoạt động quảng cáo.

Luật sư Đặng Văn Cường

Ở góc độ pháp lý, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, pháp luật không cấm việc bày tỏ quan điểm cá nhân với các vấn đề xã hội, bao gồm cả việc "đấu khẩu" để làm rõ mâu thuẫn cá nhân giữa các bên trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, người dùng mạng xã hội dùng lời lẽ, ngôn ngữ, thái độ, hình ảnh không phù hợp với chuẩn mực pháp luật và đạo đức xã hội hoặc bịa đặt những câu chuyện không có thật là hành vi vi phạm pháp luật.

Tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi đưa những thông tin bị cấm nên không cần mạng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 8, Luật An ninh mạng quy định các hành vi bị cấm trên không gian mạng gồm:

1. Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;

2. Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Khoản 3 Điều 16 Luật An ninh mạng quy định về "Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống" bao gồm:

a) Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;

b) Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác...".

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường.

Livestream của ViruSs có dấu hiệu vi phạm pháp luật không?

Được biết, người xem trả phí để có thể bình luận hoặc tham gia thảo luận hoặc quà tặng trong phiên livestream là một tính năng dành cho chủ kênh trên TikTok.

Mức phí đăng ký hội viên để tham gia bình luận trong livestream của ViruSs là 155.000 đồng/tháng, giảm còn 130.000 đồng trong 30 ngày đầu. Nếu đăng ký 12 tháng, mức giá giảm còn 124.000 đồng/tháng.

Theo thông tin từ nền tảng cho biết, có 636 người đăng ký bình luận trên livestream của ViruSs hôm 29/3. Ước tính họ phải chi ra 80 triệu đồng để có thể bình luận trong phiên livestream của nam streamer.

Ngoài ra, trong phiên livestream, nam streamer cũng nhận được rất nhiều quà ủng hộ từ người xem như sư tử, cá heo, TikTok Universe... có giá trị lớn lên đến hàng triệu đồng/món.

Tuy nhiên, những con số nêu trên chưa trừ đi phần chi phí thanh toán và hoa hồng nền tảng.

Theo chính sách của TikTok, sau khi trừ các khoản phí thanh toán, 50% thu nhập ròng sẽ chia cho nền tảng, nửa còn lại được chia cho nhà sáng tạo.

Như vậy, ViruSs có thể bỏ túi hơn 40 triệu đồng/tháng từ tính năng này trên nền tảng TikTok chỉ trong 1 phiên livestream hôm 29/3.

ViruSs bật tính năng yêu cầu người xem trả phí để có thể bình luận hoặc tham gia thảo luận trên livestream TikTok.

ViruSs bật tính năng yêu cầu người xem trả phí để có thể bình luận hoặc tham gia thảo luận trên livestream TikTok.

Việc ViruSs bật tính năng yêu cầu người xem trả phí để có thể bình luận hoặc tham gia thảo luận trên livestream TikTok khiến dư luận hoài nghi rằng, liệu streamer này có dấu hiệu vi phạm Nghị định 147/2024/NĐ-CP về hoạt động livestream và xác thực tài khoản hay không.

Cụ thể, theo Nghị định 147/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 25/12/2024, chỉ các mạng xã hội đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội mới được phép cung cấp tính năng livestream hoặc các hoạt động có phát sinh doanh thu.

Việc quản lý hoạt động livestream theo quy định mới, người thực hiện livestream cần xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân để đảm bảo trách nhiệm và minh bạch trong hoạt động trực tuyến.

Trả lời về vấn đề này, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho biết: "Theo quy định nêu trên, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam, có chức năng, nhiệm vụ hoặc ngành nghề đăng ký kinh doanh chỉ được cung cấp tính năng livestream khi đã được Bộ Thông tin và Truyền thông (hiện là Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch) cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội.

Đây là quy định quản lý đối với nền tảng mạng xã hội có tính năng livestream, nhưng không phải là nội dung quy định về đối với người dùng nền tảng mạng xã hội đó".

Như vậy, nếu tài khoản TikTok của ViruSs không thực hiện xác thực tài khoản theo Nghị định 147 sẽ không được viết bài, bình luận, livestream và chia sẻ thông tin trên nền tảng này.

Ngoài ra, Điều 4 Nghị định 147 có quy định về "Chính sách phát triển, quản lý Internet và thông tin trên mạng" quy định trách nhiệm của nền tảng là: Ngăn chặn những hành vi lợi dụng Internet gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục và vi phạm quy định của pháp luật. Áp dụng các biện pháp bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên khỏi tác động tiêu cực của Internet.

Chuyện gì đang xảy ra với "Sự nghiệp chướng" của Pháo?

Giữa vụ ồn ào về chuyện tình ái của Viruss, rapper Pháo tung bản rap diss "Sự nghiệp chướng" vào hôm 21/3.

Không chỉ đích danh ai nhưng bài nhạc có nội dung công kích người đàn ông trăng hoa, lăng nhăng. Ngoài ra nữ rapper sử dụng các từ như "mày", "tao" hay "con lợn này" - hiếm khi xuất hiện trong các bản nhạc pop.

Hiện, bản nhạc đã đạt hơn 22 triệu lượt xem, từng vào top 1 thịnh thành mục Âm nhạc trên YouTube. Tuy nhiên, hôm 30/3, khán giả phát hiện "Sự nghiệp chướng" không còn xuất hiện trên top thịnh hành.

Nguyên nhân vì ê kíp chủ động giới hạn độ tuổi người dùng xem video ca khúc trên YouTube.

Hình ảnh của Pháo trong bản rap "Sự nghiệp chướng".

Hình ảnh của Pháo trong bản rap "Sự nghiệp chướng".

Trao đổi thêm về vấn đề này, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho hay, việc xuất bản hoặc biểu diễn các bài hát có lời lẽ phản cảm, dung tục, trái với thuần phong mỹ tục không chỉ vi phạm đạo đức xã hội mà còn là hành vi bị cấm theo quy định pháp luật. Tổ chức cá nhân phát hành sẽ bị xử phạt hành chính.

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 144/2020/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, các hành vi bị cấm bao gồm: Sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn có nội dung trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.

"Trong trường hợp trên, cơ quan chức năng có thể sẽ vào cuộc để xác minh làm rõ nội dung bài hát, làm rõ những lời lẽ, ngôn từ để đánh giá có phù hợp với chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục hay không. Nếu có vi phạm thì sẽ yêu cầu gỡ bỏ các bài hát này, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Theo Điểm b Khoản 5 Điều 11 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt từ 25.000.000 - 30.000.000 đồng đối với hành vi: Biểu diễn nghệ thuật, thi, liên hoan có nội dung kích động bạo lực; sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc; tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.

Ngoài ra, bài hát vi phạm có thể bị cấm phát hành, buộc gỡ bỏ trên các nền tảng trực tuyến. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm nhiều lần hoặc cố tình phổ biến nội dung cấm, mức phạt có thể cao hơn và bị xử lý nghiêm khắc hơn", luật sư Cường phân tích.

Ở góc độ xã hội, chuyên gia truyền thông Hằng Nguyễn cho rằng: "Các nền tảng mạng xã hội cần có chính sách kiểm duyệt chặt chẽ đối với các nội dung phản cảm, chiêu trò truyền thông độc hại.

Hiện nay, nhiều nội dung lệch chuẩn vẫn lan truyền mạnh mẽ do các nền tảng chưa thực sự kiểm soát chặt chẽ hoặc người dùng tiếp tay bằng cách chia sẻ, bình luận.

Cơ quan quản lý có chế tài cụ thể, thậm chí mạnh tay hơn với những trường hợp lợi dụng mạng xã hội để dẫn dắt dư luận nhằm trục lợi.

Bản thân người dùng mạng xã hội cũng cần tỉnh táo, biết chọn lọc và ứng xử văn minh trước "rừng" thông tin trên mạng xã hội. Đồng thời tẩy chay những nội dung thiếu giá trị thay vì vô tình tiếp tay cho sự lan truyền "rác" trên mạng xã hội".

Bạch Dương

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/viruss-livestream-doi-chat-ngoai-tinh-suy-doi-dao-duc-va-co-dau-hieu-vi-pham-phap-luat-192250330184617112.htm