Vivo cam kết giúp các lãnh đạo bị bắt ở Ấn Độ sau vụ bị tịch thu 27.000 smartphone
Hãng sản xuất smartphone Vivo (Trung Quốc) tuyên bố sẽ 'thực hiện tất cả lựa chọn pháp lý sẵn có' để giúp các lãnh đạo của họ bị bắt ở Ấn Độ.
Điều này diễn ra trong bối cảnh các doanh nghiệp Trung Quốc phải đối mặt với căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa hai nước.
Các lãnh đạo, gồm cả một công dân Trung Quốc, đã bị bắt giữ hôm 10.10 bởi Cục Thực thi pháp luật Ấn Độ (ED), cơ quan chịu trách nhiệm chống tội phạm tài chính, theo bản tin của Reuters trích dẫn các nguồn giấu tên.
“Vivo tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc đạo đức của mình và luôn cam kết tuân thủ pháp luật. Vụ bắt giữ gần đây khiến chúng tôi lo ngại sâu sắc. Chúng tôi sẽ thực hiện tất cả các lựa chọn pháp lý có sẵn”, công ty có trụ sở tại thành phố Đông Hoản (Trung Quốc) chia sẻ với trang SCMP hôm 11.10.
Chính quyền Ấn Độ đã đột kích hàng chục văn phòng của Vivo vào tháng 7.2022 vì nghi ngờ rửa tiền, sau những hành động tương tự chống lại các công ty Trung Quốc là Xiaomi và Huawei.
Vào tháng 12.2022, đơn vị tình báo thuế thu nhập của Ấn Độ, chi nhánh thuộc Bộ Tài chính, đã tịch thu khoảng 27.000 smartphone Vivo trị giá gần 15 triệu USD tại sân bay New Delhi, ngăn cản đơn vị Ấn Độ của công ty này xuất khẩu thiết bị sang các thị trường lân cận, theo bản tin của Bloomberg thời điểm đó.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint, Vivo là nhà cung cấp smartphone lớn thứ 5 thế giới về doanh số trong quý 2/2023. Tại Ấn Độ, Vivo đứng thứ hai trong quý 2/2023 với 17% thị phần, xếp sau Samsung Electronics (18% thị phần) và đứng trước Xiaomi (15% thị phần).
Vivo và các hãng công nghệ Trung Quốc khác đã trở thành mục tiêu giám sát hàng đầu của cơ quan quản lý ở Ấn Độ sau cuộc đụng độ chết người ở biên giới Himalaya giữa binh lính hai nước vào tháng 6.2020.
Kể từ đó, Ấn Độ đã cấm hàng trăm ứng dụng có liên kết với Trung Quốc, gồm cả nền tảng chia sẻ video ngắn TikTok của ByteDance và game PUBG Mobile của Tencent Holdings, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.
Xiaomi, đối thủ của Vivo, cũng đang tham gia vào cuộc chiến pháp lý với chính quyền Ấn Độ để lấy lại hơn 55,5 tỉ rupee (676 triệu USD) tiền bị tịch thu từ công ty con địa phương vào tháng 4.2022 vì cáo buộc vi phạm quy định giao dịch ngoại hối.
Cục Thực thi pháp luật Ấn Độ cáo buộc Xiaomi ở quốc gia Nam Á thực hiện các khoản thanh toán chuyển tiền đáng ngờ trong nhiều năm cho ba tổ chức có trụ sở ở nước ngoài. Tòa án Tối cao Ấn Độ vào tháng 4 đã bác bỏ yêu cầu từ Xiaomi khi muốn chính phủ trả lại số tiền bị tịch thu.
Các nhà sản xuất smartphone đang phải đối mặt với những trở ngại hơn nữa ở Ấn Độ sau khi nước này đề xuất vào đầu năm nay các quy định mới buộc những công ty phải cung cấp cho người dùng tùy chọn xóa ứng dụng được cài đặt sẵn. Những quy định đó cũng yêu cầu mọi bản cập nhật hệ điều hành lớn đều phải được chính phủ Ấn Độ kiểm duyệt trước khi phát hành tới người tiêu dùng.
Hồi tháng 6, tờ The Economic Times cho biết chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu các nhà sản xuất ĐTDĐ Trung Quốc tại nước này, bao gồm Xiaomi, Oppo, Realme và Vivo, bổ nhiệm người địa phương vào các vị trí quan trọng của công ty, như giám đốc điều hành, vận hành, tài chính và kỹ thuật.
Các công ty Trung Quốc cũng được yêu cầu lựa chọn nhà sản xuất theo hợp đồng của Ấn Độ và nhà phân phối địa phương. Động thái diễn ra sau khi Xiaomi nhận được thông báo chính thức về cáo buộc chuyển trái phép hơn 55,5 tỉ rupee cho các tổ chức nước ngoài.
Theo trang SCMP, Xiaomi giải thích rằng hơn 84% khoản thanh toán là tiền bản quyền được trả cho tập đoàn Qualcomm (Mỹ). Tuy nhiên, các nhà chức trách Ấn Độ đến nay vẫn từ chối giải phóng số tiền này. Ấn Độ hành động như vậy là hệ quả trong mục tiêu nội địa hóa sản xuất smartphone của chính quyền địa phương, bao gồm áp dụng thuế với các linh kiện nhập khẩu, khuyến khích lắp ráp smartphone trong nước, sau đó là sản xuất linh kiện.
Dù chủ nghĩa dân tộc kinh tế không mới với Ấn Độ, việc trừng phạt các công ty Trung Quốc trở nên đặc biệt nghiêm khắc trong những năm gần đây. Điều này có liên quan đến việc quan hệ Trung - Ấn xấu đi và sự gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc với Mỹ, vốn coi Ấn Độ là đồng minh.
Chủ nghĩa dân tộc kinh tế là lý thuyết hoặc hệ tư tưởng liên quan đến việc phát triển và quản lý kinh tế của một quốc gia nhằm đạt được lợi ích tối đa cho người dân trong nước.
Các phương thức cụ thể và ưu tiên của chủ nghĩa dân tộc kinh tế có thể khác nhau tùy theo tình hình cụ thể của từng quốc gia cũng như nguyên tắc lý tưởng được tôn trọng bởi các nhà lãnh đạo và triết gia thuộc trường phái này.
Trong ý kiến trên trang SCMP, Liu Zongyi, thành viên cấp cao kiêm Tổng thư ký của Trung tâm Nam Á và Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, cho rằng việc chính phủ Ấn Độ trừng phạt các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc như Xiaomi chỉ là bước đầu tiên.
Ông nói thêm: “Chính sách như vậy có thể sẽ được mở rộng cho các nhà sản xuất trong các ngành công nghiệp khác, chẳng hạn như máy tính xách tay, thiết bị gia dụng và các sản phẩm năng lượng mặt trời”.
Theo một bài viết riêng trên Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc), dù chính phủ Ấn Độ tăng cường nỗ lực thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực sản xuất của nước này, nhưng vẫn cần các công ty Trung Quốc để đạt được mục tiêu trong lĩnh vực ĐTDĐ vào thập kỷ tới. Điều có vẻ chắc chắn là Ấn Độ vẫn chưa có kế hoạch cụ thể để cấm hoàn toàn smartphone Trung Quốc khỏi thị trường nước này.
Rajeev Chandrasekhar, Bộ trưởng CNTT Ấn Độ, nói rằng dù các công ty Ấn Độ có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái điện tử của đất nước, nhưng điều đó không có nghĩa là các thương hiệu nước ngoài nên bị loại trừ để nhường chỗ. Tuy nhiên, điều chắc chắn là chính phủ Ấn Độ sẽ tiếp tục theo dõi sát sao các công ty Trung Quốc.