VKSND huyện Lộc Hà phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm
VKSND huyện Lộc Hà phối hợp với TAND huyện Lộc Hà tổ chức phiên tòa xét xử sơ thẩm rút kinh nghiệm vụ án hôn nhân và gia đình.
VKSND huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh) vừa phối hợp với TAND (tỉnh Hà Tĩnh) tổ chức phiên tòa xét xử sơ thẩm rút kinh nghiệm đối với vụ án hôn nhân và gia đình giải quyết về việc “Yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng” giữa nguyên đơn là chị C.T.O (SN 1983) và bị đơn là anh L.H.A (SN 1977, cùng trú tại xã thôn Kim Ngọc, xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh).
Theo nội dung vụ án, chị O và anh A. cưới nhau theo phong tục địa phương vào ngày 19/6/2001 rồi về sống chung nhưng không đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật. Hai người chung sống hạnh phúc và có với nhau 3 người con. Năm 2019, giữ hai vợ chồng chị O. bắt đầu phát sinh mâu thuẫn, nguyên nhân do anh L.H.A thường xuyên cờ bạc, rượu chè rồi về đánh đập, chửi bới vợ và các con. Sau đó, chị O. làm đơn yêu cầu TAND huyện Lộc Hà giải quyết không công nhận quan hệ vợ chồng với anh A. Về tài sản chung, con chung và các khoản nợ chung thì các đương sự tự thỏa thuận với nhau.
Được phân công tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên đã nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên hỏi đương sự để làm rõ những vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án, phát biểu quan điểm dựa trên việc phân tích đánh giá chứng cứ, trình bày của các đương sự, đưa ra lập luận có căn cứ pháp luật và được HĐXX chấp nhận.
Sau khi xem xét các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và lời trình bày của đương sự tại phiên tòa, HĐXX đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
Kết thúc phiên tòa, đồng chí Nguyễn Xuân Định - Viện trưởng VKSND huyện Lộc Hà đã chủ trì họp rút kinh nghiệm với sự tham gia của đầy đủ thành phần tham dự phiên tòa. Các ý kiến đều nhất trí với việc đánh giá chứng cứ, quan điểm của Kiểm sát viên tham gia xét xử tại phiên tòa. Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa và các Hội thẩm nhân dân đã thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình tại phiên tòa theo đúng tinh thần cải cách tư pháp, đồng thời cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế cần rút kinh nghiệm. Qua đó các cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình đã học hỏi, nâng cao được trình độ, kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, xử lý các tình huống tại phiên tòa, tích lũy kinh nghiệm trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, đảm bảo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.