VKSND tối cao thông báo rút kinh nghiệm trong công tác thi đua khen thưởng
Trong năm 2020, các đơn vị trong ngành KSND đã chú trọng đổi mới nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng (TĐKT) và đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, một số đơn vị thực hiện chưa đầy đủ các quy định của pháp luật, quy định, hướng dẫn của Ngành về công tác TĐKT.
Lập hồ sơ, đề nghị khen thưởng thiếu tiêu chuẩn, điều kiện
VKSND tối cao vừa ban hành Thông báo số 55/TB-VKSTC rút kinh nghiệm qua công tác thẩm định hồ sơ, đề nghị khen thưởng năm 2020.
Theo VKSND tối cao, trong năm qua, các đơn vị trong ngành KSND đã chú trọng đổi mới nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng (TĐKT) và đạt nhiều kết quả nổi bật. Tuy nhiên, một số đơn vị thực hiện chưa đầy đủ các quy định của pháp luật, quy định, hướng dẫn của Ngành về công tác TĐKT, còn một số thiếu sót có tính phổ biến, cần rút kinh nghiệm chung.
Theo đó, trong lập hồ sơ đề nghị khen thưởng, thiếu sót phổ biến nhất là việc lập hồ sơ, đề nghị khen thưởng thiếu tiêu chuẩn, điều kiện.
Cụ thể, trong việc đề nghị tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, theo quy định tại Điều 25 Thông tư số 01/2019/TT-VKSTC ngày 14/5/2019 quy định về công tác TĐKT trong ngành KSND, được sửa đổi, bổ sung ngày 15/12/2020 (Thông tư số 01) thì tập thể, cá nhân đề nghị xét, tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ phải đạt một trong ba tiêu chuẩn, trong đó đối với tiêu chuẩn thứ ba cần 2 điều kiện: Điều kiện thứ nhất là đã được tặng Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao (trừ Bằng khen được tặng qua các phong trào thi đua theo đợt, hoặc đột xuất); điều kiện thứ hai là có 5 năm tiếp theo trở lên liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (đối với cá nhân) hoặc đạt danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc” (đối với tập thể)...
Tuy nhiên, trong tổng số hồ sơ đề nghị (23 tập thể và 37 cá nhân), có 5 tập thể và 2 cá nhân thiếu điều kiện thứ hai, mặc dù năm 2016 tập thể và cá nhân đã được tặng Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao, nhưng tính đến năm 2020 chưa đủ điều kiện về thời gian; có 1 tập thể thiếu điều kiện thứ hai vì có 1 năm (2019) không đạt tập thể Lao động xuất sắc.
Trong phong trào “Thi đua lập thành tích thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn lần thứ XII của Đảng” và hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, trong số hồ sơ của 246 tập thể và 1.150 cá nhân đề nghị khen thưởng, có 21 tập thể và 158 cá nhân báo cáo không nêu được thành tích đóng góp cụ thể, thiết thực cho công cuộc xây dựng nông thôn mới nên không đủ tiêu chuẩn để Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Ngành xem xét.
Chưa đảm bảo nguyên tắc của thi đua, khen thưởng
Nguyên tắc khen thưởng được quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật Thi đua, khen thưởng; Điều 3 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng: “Không tặng thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được”.
Tuy nhiên, trong phong trào “Thi đua chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 60 năm ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân, 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9”, qua thẩm định hồ sơ của 324 tập thể và 1.564 cá nhân, có 7 hồ sơ tập thể, 7 hồ sơ cá nhân có thành tích đã được khen thưởng tại phong trào thi đua khác (như Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” hoặc Phong trào thi đua thực hiện cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”), nhưng tiếp tục đề nghị khen thưởng, nên không được Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Ngành xét duyệt.
Tương tự, trong đợt tổng kết năm 2020, có 8/1.053 hồ sơ cá nhân đã được công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân” năm 2019; chưa đủ điều kiện về thời gian đề nghị tặng Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao do thành tích năm 2019 không được tính để cộng thành tích 2 năm liên tục (2019 và 2020) theo các điểm c, d và đ khoản 1 Điều 26 Thông tư số 01.
Ngoài ra, trong phong trào thi đua thực hiện cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” có đơn vị khi lập hồ sơ đề nghị khen thưởng không rà soát kỹ nên để xảy ra thiếu sót, không đúng quy định tại khoản 5 Điều 2 Thông tư số 12/2019/TT-BNV ngày 4/11/2019.
Đề nghị xét, tặng danh hiệu thi đua vượt quá tỉ lệ quy định
Năm 2020 là năm đầu tiên ngành KSND thực hiện xét khen thưởng theo cụm, khối thi đua. Theo quy định tại Điều 20 và Điều 21 Thông tư số 01 thì mỗi cụm được đề nghị tổng số không quá 4 cờ, mỗi khối không quá 3 cờ (bao gồm Cờ thi đua của Ngành và Cờ thi đua của Chính phủ). Thực tế, năm 2020 bên cạnh các cụm, khối làm tốt công tác này (Cụm 1, 4, 10, Khối 1), có 7 cụm đề nghị vượt quá, trong đó có cụm đề nghị xét, tặng cờ cho 100% số đơn vị trong cụm. Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Ngành đã chỉ đạo kể từ năm 2021, nếu cụm, khối thi đua đề nghị vượt quá tỉ lệ danh hiệu thi đua theo quy định thì không xét thi đua.
Theo VKSND tối cao, những thiếu sót nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó nguyên nhân chủ yếu là Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cấp cơ sở chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm trong việc thẩm định, tham mưu cho Chủ tịch Hội đồng, chưa quán triệt đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác TĐKT, dẫn đến lập hồ sơ đề nghị xét, khen thưởng không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, không đúng nguyên tắc khen thưởng.
Cùng với đó, quy định của pháp luật về TĐKT đang trong quá trình hoàn thiện, thay đổi thường xuyên, quy định trong nhiều văn bản khác nhau; trong khi công chức làm công tác TĐKT cấp cơ sở hầu hết kiêm nhiệm nhiều việc, tập trung cho nghiệp vụ Kiểm sát nên chưa dành thời gian tương xứng để nghiên cứu, cập nhật, triển khai các quy định, hướng dẫn mới về công tác này.
Về biện pháp khắc phục, theo VKSND tối cao, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cấp cơ sở cần thực hiện nghiêm Luật Thi đua, khen thưởng; Nghị định số 91/2017/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư số 01, Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 17/12/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác của ngành KSND năm 2020, Chỉ thị số 02/CT-VKSTC ngày 2/2/2021 về việc phát động phong trào thi đua năm 2021 và các hướng dẫn thi hành.
Mặt khác, cụm trưởng, Khối trưởng thi đua, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cấp cơ sở nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả, chất lượng công tác TĐKT, khắc phục những thiếu sót nêu trên; duy trì ổn định đội ngũ công chức, viên chức tham mưu công tác thi đua, khen thưởng của đơn vị.
Ngoài ra, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ tham mưu công tác TĐKT của đơn vị thường xuyên cập nhật các quy định mới về TĐKT và hướng dẫn thực hiện, kịp thời trao đổi với VKSND tối cao (Vụ 16) để tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.