VKSND tối cao trả lời kiến nghị của cử tri liên quan đến quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ
VKSND tối cao vừa có Công văn số 4260/VKSTC-V4 ngày 30/9/2024 gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh này gửi tới Quốc hội sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV liên quan đến quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ.
Công văn 4260/VKSTC-V4 nêu rõ: VKSND tối cao nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai do Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến theo Công văn số 655/BDN ngày 2/8/2024.
Nội dung kiến nghị: Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT ngày 1/6/2020 quy định phối hợp thực hiện một số điều luật tố tụng hình sự về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ. Khoản 7 Điều 6 Thông tư liên tịch số 01/2020 quy định: "Khi vụ án tạm đình chỉ điều tra thì cơ quan có thẩm quyền điều tra chỉ áp dụng các biện pháp để giải quyết lý do tạm đình chỉ" như truy tìm bị can bị truy nã, theo dõi, đôn đốc thực hiện yêu cầu... Nhưng thực tế, nhiều vụ án tạm đình chỉ điều tra đã phát sinh các tình tiết, tài liệu, chứng cứ mới nhưng không liên quan đến căn cứ tạm đình chỉ.
Nếu cho rằng bản chất của tạm đình chỉ là phải tạm dừng toàn bộ hoạt động điều tra thu thập chứng cứ tài liệu và chỉ được áp dụng các biện pháp giải quyết lý do tạm đình chỉ thì quá cứng nhắc, thiếu linh hoạt. Bên cạnh đó cũng gây khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền tố tụng khi không thể phục hồi điều tra (do căn cứ tạm đình chỉ vẫn còn) để hợp thức hóa các biện pháp điều tra thu thập chứng cứ.
Do đó nên có các quy định mang tính dự phòng, linh động cho cơ quan có thẩm quyền điều tra, Viện kiểm sát; cho phép các cơ quan được phép thực hiện một số hoạt động điều tra bao gồm: Lấy lời khai, khám xét, tạm giữ, thu thập tài liệu đồ vật, dữ liệu điện tử, trưng cầu giám định, định giá tài sản trong những trường hợp cần thiết (như vật chứng có thể bị hư hỏng, mất mát, không còn giá trị; người làm chứng có thể chết,...) để đảm bảo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án vẫn được thu thập đầy đủ.
Nội dung kiến nghị trên, theo trả lời của VKSND tối cao: Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì Tạm đình chỉ được hiểu là tạm dừng các hoạt động tố tụng khi có căn cứ theo quy định, như vậy khi tạm đình chỉ điều tra vụ án thì các hoạt động điều tra thu thập tài liệu, chứng cứ cũng phải tạm dừng (không được thực hiện) trừ các hoạt động, biện pháp giải quyết lý do tạm đình chỉ.
Thông tư liên tịch 01/2020 là văn bản dưới luật quy định về việc phối hợp thực hiện một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ, không thể có các điều, khoản trái với quy định của Bộ luật tố Tụng hình sự và quy định của pháp luật.
Do đó, kiến nghị của cử tri: Trong Thông tư liên tịch số 01/2020 nên có các quy định mang tính dự phòng, linh động cho cơ quan có thẩm quyền điều tra, Viện kiểm sát; cho phép các cơ quan được phép thực hiện một số hoạt động điều tra bao gồm: Lấy lời khai, khám xét, tạm giữ, thu thập tài liệu đồ vật, dữ liệu điện tử, trưng cầu giám định, định giá tài sản trong những trường hợp cần thiết (như vật chứng có thể bị hư hỏng, mất mát, không còn giá trị; người làm chứng có thể chết:;...) để đảm bảo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án vẫn được thu thập đầy đủ là không đúng với quy định pháp luật và không thực hiện được.
Theo VKSND tối cao, quy định như vậy vừa vi phạm các nguyên tắc của Bộ luật tố tụng, các hoạt động điều tra này sẽ là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, các tài liệu, chứng cứ được thu thập không có giá trị trong giải quyết vụ án. Hơn nữa quy định như vậy trong thực tiễn khi thực hiện dễ tạo ra sự tùy tiện, tiêu cực ... vi phạm các quyền, lợi ích của người khác có liên quan đến vụ án.