VKSND tối cao trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương

VKSND tối cao vừa có công văn số 3180/VKSTC-V14 ngày 8/8/2023 gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương về việc trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh này gửi gửi tới Quốc hội trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XVliên quan đến một số nội của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Công văn nêu rõ: VKSND tối cao nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương do Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến theo Công văn số 742/BDN ngày 14/6/2023.

Nội dung kiến nghị: Đối với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, các điểm a khoản 2 Điều 36, điểm b khoản 2 Điều 39, điểm b khoản 3 Điều 39, điểm b khoản 2 Điều 40 không quy định Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT, cấp trưởng, cấp phó các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư, các cơ quan khác của CAND, QĐND được giao nhiệm vụ thực hiện một số hoạt động điều tra có thẩm quyền quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, trong khi Điều 149 lại có quy định về thẩm quyền này.

Nội dung này, VKSND tối cao ghi nhận nội dung kiến nghị này trong quá trình tiến hành nghiên cứu, rà soát và sơ kết 5 năm thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vướng mắc này.

Một kiến nghị khác của cử tri gửi đến có nội dung: Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ quy định chung về thời hạn điều tra bổ sung 1 tháng (trong trường hợp Tòa án trả) và 2 tháng (trong trường hợp Viện kiểm sát trả) đối với mọi loại tội phạm là chưa phù hợp. Cử tri kiến nghị cần quy định thời hạn trả điều tra bổ sung dài hơn đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, vụ án có nhiều bị can, cần thời gian giám định... liên quan nhiều vấn đề cần phải chứng minh.

Đối với kiến nghị này, VKSND tối cao cho rằng, trong giai đoạn điều tra vụ án, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định rõ thời hạn điều tra và gia hạn thời hạn điều tra theo từng loại tội phạm và gắn với mức độ nặng, nhẹ của từng loại tội theo thứ tự tăng dần từ tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng cho đến tội đặc biệt nghiêm trọng. Quy định như vậy để bảo đảm cho CQĐT có đủ thời gian phù hợp, cần thiết cho việc tiến hành các hoạt động điều tra, làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án.

Đối với chế định trả hồ sơ điều tra bổ sung, thì đây chỉ là thủ tục tố tụng cho phép CQĐT tiến hành thêm một số hoạt động điều tra để bổ sung, làm rõ thêm các tình tiết, chứng cứ của vụ án trong một số trường hợp nhất định theo yêu cầu của Viện kiểm sát, Tòa án mà pháp luật quy định, không mang tính chất điều tra toàn bộ nên không thể quy định thời hạn điều tra bổ sung dài và cũng không cần thiết quy định riêng cho từng loại tội phạm, nhằm tránh kéo dài thời gian giải quyết vụ án, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia tố tụng, nhất là đối với những người đang bị tạm giam, đồng thời cũng để bảo đảm chặt chẽ trong thực hiện trách nhiệm của CQĐT.

Đối với vụ án cần thời gian giám định, nếu như hết thời hạn điều tra (bao gồm cả thời hạn gia hạn để điều tra) mà vẫn chưa có kết quả thì CQĐT có thể ra quyết định tạm đình chỉ điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để chờ kết quả giám định; khi có kết quả giám định sẽ phục hồi điều tra để giải quyết theo quy định của pháp luật.

P.V

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/dien-dan/vksnd-toi-cao-tra-loi-kien-nghi-cua-cu-tri-tinh-binh-duong-144230.html