VKSND tối cao trả lời kiến nghị của cử tri TP Hồ Chí Minh

VKSND tối cao vừa có Công văn số 3227/VKSTC-C1 ngày 14/7/2025 gửi Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh về việc trả lời kiến nghị của cử tri TP Hồ Chí Minh.

Công văn số 3227/VKSTC-C1 nêu rõ: VKSND tối cao nhận được kiến nghị của cử tri TP Hồ Chí Minh do Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội chuyển đến theo Công văn số 602/UBDNGS15 ngày 21/5/2025; nội dung kiến nghị: “Cử tri băn khoăn về đề xuất bỏ Cơ quan điều tra của VKSND tối cao; đề nghị cần cân nhắc kỹ và rà soát các quy định có liên quan về việc tổ chức lại Cơ quan điều tra của VKSND tối cao, bảo đảm nguyên tắc kiểm soát quyền lực, tính độc lập trong kiểm soát hoạt động tư pháp, cũng như mục tiêu tinh gọn bộ máy nhưng vẫn giữ được hiệu lực, hiệu quả, không làm suy giảm năng lực phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tố tụng và thi hành án”.

Nội dung kiến nghị trên, VKSND tối cao phúc đáp như sau: Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Bộ Công an được giao chủ trì soạn thảo, dự kiến trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, trong đó có nội dung sắp xếp lại tổ chức hoạt động cơ quan điều tra, đề xuất không tổ chức Cơ quan điều tra của VKSND tối cao (Cơ quan điều tra VKSND tối cao và Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự Trung ương) và dự kiến giao thẩm quyền của cơ quan này cho Cơ quan an ninh điều tra trong Công an nhân dân và Quân đội nhân dân...

 Toàn cảnh Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2025 của Cơ quan điều tra VKSND tối cao. (ảnh minh họa)

Toàn cảnh Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2025 của Cơ quan điều tra VKSND tối cao. (ảnh minh họa)

Trên cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế, VKSND tối cao đã có nhiều văn bản gửi cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định và cơ quan, tổ chức có liên quan khác. Trong đó khẳng định, trải qua 63 năm xây dựng và phát triển, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã trở thành thiết chế kiểm soát quyền lực trong hoạt động tư pháp, đã phát hiện, điều tra xử lý nghiêm minh nhiều vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp, ban hành nhiều kiến nghị gửi các cơ quan liên quan yêu cầu xử lý, khắc phục, phòng ngừa vi phạm; được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, tin tưởng, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của ngành Kiểm sát nhân dân. Quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát đã tinh gọn từ 2 cấp (trung ương và cấp tỉnh) thành 1 cấp ở trung ương. Tháng 2/2025, VKSND tối cao tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tổ chức của Cơ quan điều tra của VKSND tối cao theo hướng giảm cấp phòng.

Theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền, Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Chính phủ, Đảng ủy VKSND tối cao căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao lãnh đạo, chỉ đạo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 và đề xuất sửa đổi phù hợp với tổng thể chung của hệ thống pháp luật và tình hình thực tiễn, dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10/2025.

Từ ngày 1/7/2025, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức VKSND và một số đạo luật liên quan có hiệu lực thi hành, theo đó, giữ nguyên tổ chức và thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND tối cao. Trong thời gian tới, VKSND tối cao tiếp tục xây dựng Cơ quan điều tra vững mạnh, xứng đáng là thiết chế kiểm soát quyền lực trong hoạt động tư pháp, góp phần xây dựng hệ thống các cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh.

Ngoài ra, Công văn số 3227/VKSTC-C1 nêu rõ: VKSND tối cao trân trọng cảm ơn và phúc đáp để Ủy Ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội theo dõi và Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh biết, trả lời cử tri.

BVPL

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/dien-dan/vksnd-toi-cao-tra-loi-kien-nghi-cua-cu-tri-tp-ho-chi-minh-181054.html