VN-Index áp sát đỉnh lịch sử, sóng tăng lan tỏa khắp thị trường
Với quán tính tăng vẫn còn, thị trường được kỳ vọng sẽ thiết lập vùng giá mới trong thời gian tới, song nhà đầu tư bắt đầu cần thận trọng trước các nhịp điều chỉnh kỹ thuật và khoảng trống thông tin sắp tới...

Trong tuần giao dịch từ 21–25/5, VN-Index tiếp tục tăng điểm tuần thứ sáu liên tiếp, tiến gần mức đỉnh từng đạt vào tháng 1/2022. Thị trường ghi nhận một số nhịp dao động quanh ngưỡng 1.500 điểm, song xu hướng tăng vẫn được duy trì trong bối cảnh thanh khoản tiếp tục ở mức cao.
Kết phiên cuối tuần, chỉ số VN-Index tăng 2,26%, dừng tại 1.531,13 điểm, tiệm cận đỉnh cao nhất lịch sử được thiết lập đầu năm 2022. Trong khi đó, VN30 tăng nhẹ hơn, thêm 1,55% lên 1.669,33 điểm, đánh dấu vùng giá cao nhất kể từ tháng 11/2021.
Thị trường diễn biến tích cực, dù thỉnh thoảng xuất hiện các nhịp rung lắc quanh vùng 1.500 điểm. Nhưng thay vì lùi bước, dòng tiền lại tranh thủ nhịp điều chỉnh để gia tăng vị thế, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.
Một điểm nhấn đáng chú ý là độ rộng thị trường ở mức tích cực, phản ánh rõ sự phân hóa theo câu chuyện lợi nhuận. Các nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh tăng trưởng nổi bật như chứng khoán, bất động sản, xây dựng, thủy sản, phân bón, hóa chất đều hút mạnh dòng tiền. Ngược lại, nhóm bán lẻ chịu áp lực điều chỉnh, còn các nhóm như thép, bảo hiểm, dệt may, dầu khí duy trì đà tăng nhẹ.
Tâm lý hưng phấn không chỉ thể hiện ở chỉ số, mà còn lan rộng sang thanh khoản. Giá trị giao dịch toàn thị trường duy trì ở mức cao vượt 35.000 tỷ đồng/phiên, cho thấy sức mua vẫn đang bền bỉ.
Cụ thể, khối lượng giao dịch trên sàn HOSE tăng 9,7% so với tuần trước, trung bình hơn 1,35 tỷ cổ phiếu/phiên, một con số rất tích cực nếu nhìn lại các giai đoạn trước. Tuy nhiên, khối ngoại lại quay đầu bán ròng gần 1.602 tỷ đồng trên HOSE, phản ánh nhịp điều chỉnh kỹ thuật của dòng vốn ngoại sau thời gian mua ròng.
Không đứng ngoài xu thế chung, thị trường phái sinh tiếp tục nóng, với hợp đồng VN30F2406 (41I1F8000) tăng 35 điểm (+2,14%), đóng cửa tại 1.673 điểm, cao hơn 3,67 điểm so với VN30. Các hợp đồng kỳ hạn xa hơn như VN30F2509 và VN30F2512 có độ lệch từ -1,13 đến -20,83 điểm, phản ánh tâm lý ngắn hạn lạc quan nhưng dài hạn vẫn thận trọng.
Tổng khối lượng giao dịch hợp đồng phái sinh tăng 13,94% so với tuần trước, vượt mức trung bình 20 tuần gần nhất, một tín hiệu xác nhận nhà đầu tư đang tích cực mở rộng vị thế. Đặc biệt, khối lượng mở (OI) tăng vọt lên 50.543 hợp đồng, so với mức 31.530 của tuần trước đó, cho thấy xu hướng nắm giữ trung hạn đang được củng cố mạnh mẽ sau khi đáo hạn hợp đồng cũ.

Diễn biến thị trường chứng khoán thời gian qua
VN-Index tiếp tục hướng đến vùng giá đỉnh năm 2022
Chứng khoán SHS
Xu hướng ngắn hạn VN-INDEX tăng trưởng trên hỗ trợ tâm lý 1.500 điểm. Diễn biến thị trường vẫn rất mạnh mẽ, VN-INDEX tiếp tục được kỳ vọng hướng đến giá cao nhất lịch sử tháng 1/2022 quanh 1.537 điểm. Trong khi VN30 đang kiểm tra lại vùng giá 1.670 điểm và vẫn có rủi ro cần điều chỉnh kiểm tra lại vùng giá đỉnh lịch sử năm 2021. Thị trường sẽ đi vào giai đoạn trống thông tin sau khi kết thúc cập nhật kết quả kinh doanh quý II/2025.
VN30 vượt lên giá đỉnh lịch sử tháng 11/2021, tạo động lực để VN-INDEX tiếp tục hướng đến vùng giá đỉnh năm 2022. Về kỹ thuật, VN30 sẽ cần kiểm định lại vùng giá đỉnh sau khi vượt qua. Hành động hợp lý lúc này là "Trend Following", nắm giữ theo xu hướng tăng trưởng. Tuy nhiên, khi thị trường giảm mạnh trong đầu tháng 4, chúng tôi nghĩ về cơ hội. Hiện tại, khi VN-INDEX ở vùng đỉnh lịch sử, chúng tôi đánh giá quản trị rủi ro.
Đồng thời, vẫn đánh giá các cơ hội đầu tư ở các nhóm ngành được xem là động lực tăng trưởng chính, mục tiêu tăng trưởng GDP trong 06 tháng cuối năm trên 8%, với kỳ vọng chính ở giải ngân đầu tư công. Ở vùng giá hiện tại, tổng vốn hóa toàn thị trường khoảng 335 tỉ USD, tương đương 71% GDP 2024. Nhà đầu tư đánh giá kỹ các giao dịch ngắn hạn. Thực hiện hóa từng phần lợi nhuận đối với các mã đạt kỳ vọng, bắt đầu dần suy yếu khi VN-INDEX hướng đến vùng giá đỉnh lịch sử tháng 1/2022.
Nhà đầu tư duy trì tỉ trọng hợp lý. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã có nền tảng cơ bản tốt, đầu ngành trong các ngành chiến lược, tăng trưởng vượt trội của nền kinh tế.
Phe Long chiếm ưu thế, thị trường hướng vùng 1.700 điểm
Chứng khoán MBS
Phái sinh chốt tuần tăng 2,1% tương ứng với 35 điểm lên 1.673 điểm. Một tuần giao dịch giằng co, rung lắc mạnh nhưng lợi thế vẫn nghiêng về phe LONG vào những lúc đóng cửa cuối phiên. Thanh khoản giao dịch sôi động với các phiên duy trì trên trung bình 20 phiên, tuần qua thanh khoản cũng tăng 14%. Trong tuần nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 8.600 hợp đồng.
Phiên giao dịch cuối tuần, Basis đã trở lại mức dương 3,67 điểm cho thấy tâm lý tích cực trở lại của nhà đầu tư. Quán tính tăng điểm sẽ tiếp diễn, chúng tôi kỳ vọng sẽ tiệm cận vùng 1.690 – 1.700 điểm. Chiến lược giao dịch đề xuất: Chiến lược Long: Cân nhắc mở vị thế quanh vùng 1.665 – 1.670 điểm. Cắt lỗ khi chỉ số thủng 1.659 điểm. Chiến lược Short: Cân nhắc mở vị thế quanh vùng 1.690 – 1.700 điểm. Cắt lỗ khi chỉ số vượt 1.705 điểm.
VN-Index tiếp tục hướng lên mốc mới
Chứng khoán BIDV
Trong những phiên tới, VN-Index có thể tiếp tục hướng đến những đỉnh cao mới.
Dòng tiền bền bỉ đẩy VN-Index lên nền giá mới
Chứng khoán KIS Việt Nam
Thị trường tiếp tục thiết lập nền giá cao mới, diễn biến này cho thấy xu hướng tăng vẫn duy trì cùng với sự đồng thuận của dòng tiền và tâm lý tích cực từ nhà đầu tư. Do vậy, nhà đầu tư có thể nắm giữ cổ phiếu với tỷ trọng cao trong danh mục đầu tư của mình.
Dòng tiền đồng thuận, VN-Index hướng tới mốc 1.600 điểm
Chứng khoán SSI
VNIndex duy trì quán tính tích cực với sự đồng thuận của dòng tiền và đà lan tỏa. Vận động ngắn hạn vẫn đang ủng hộ cho kỳ vọng tăng giá tiếp diễn của chỉ số. Trong kịch bản chỉ số VNIndex bứt phá thuyết phục qua vùng cản 1.530 – 1.535, dư địa tăng sẽ tiếp tục mở rộng lên vùng 1.550 – 1.600. Ngược lại, hỗ trợ ngắn hạn được xác định quanh vùng 1.510.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thương gia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.