VN-Index cắm đầu giảm 60 điểm, đã đến lúc bắt đáy?

Việc thị trường lao dốc giảm sâu trong phiên 15/4 được cộng hưởng từ nhiều nguyên nhân như áp lực tỉ giá, lãi suất trái phiếu tăng, thanh khoản giảm và chiến tranh.

Phiên giao dịch đầu tuần biến động mạnh khi áp lực bán tháo xuất hiện trên diện rộng khiến VN-Index giảm 59,99 điểm, tương đương 4,7% xuống 1.216,5 điểm. Đây cũng là phiên giảm mạnh nhất trong gần 2 năm trở lại đây, từ 12/5/2022.

Mức giảm này cũng khiến thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh nhất nhất châu Á trong phiên 15/4. Giá trị vốn hóa cũng bốc hơi 244.000 tỷ đồng xuống còn 4,95 triệu tỷ đồng khi kết phiên 15/4.

Nhóm vốn hóa lớn chính là “tội đồ” khiến thị trường giảm sâu khi 10 ông lớn đã lấy đi hơn 27 điểm của chỉ số chung. Đặc biệt là nhóm ngân hàng khi 4 mã BID, VCB, CTG, TCB đứng đầu đà giảm và lấy đi tổng cộng 14,6 điểm, riêng BID đã lấy đi 5,2 điểm. Mã VPB cũng nằm trong top 10 kéo giảm thị trường khi lấy đi 2,15 điểm. 5 mã còn lại nằm trong top 10 đè nặng lên chỉ số lần lượt là VHM, GVR, GAS, HPG, MSN.

Vì đâu nên nỗi?

Theo ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích CTCK Yuanta Việt Nam, đà giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam xảy ra trong bối cảnh CPI của Mỹ cao hơn dự đoán tháng thứ 3 liên tiếp khiến lộ trình hạ lãi suất của Fed có thể chậm lại. Lợi suất trái phiếu và đồng USD tăng mạnh trở lại khiến áp lực tỉ giá lên cao.

Bên cạnh đó, cuối tuần qua cũng xuất hiện cuộc tấn công xuyên đêm - Tehran đặt tên là "Chiến dịch Cam kết Thực sự" đánh dấu lần đầu tiên Iran tấn công lãnh thổ Israel dù hai nước đã đối đầu với nhau trong nhiều thập niên. Iran tuyên bố đây là hành động đáp trả vụ không kích mà họ cho là Israel thực hiện. Câu chuyện này cũng khiến nhà đầu tư thận trọng hơn và lo ngại hơn.

Tuy nhiên, ông Minh cho rằng mức độ phản ứng của việc xung đột này không quá đáng kể. Nguyên nhân do ban đầu giới đầu tư cho rằng rủi ro có thể lan rộng ra Trung Đông, nhưng việc Israel chưa có động thái đáp trả khiến rủi ro này suy giảm đáng kể.

Một dấu hiệu khác là thanh khoản bình quân 5 phiên tuần vừa qua (từ ngày 8 - 12/4) bị hụt hơi khi giảm gần 32% xuống 16.260 tỷ đồng/phiên. Ngoài ra, kể từ đầu tháng 4 đến nay khối ngoại cũng gia tăng bán ròng cũng góp phần khiến tâm lý nhà đầu tư trong nước thêm phần tiêu cực. Chuyên gia này dự báo áp lực nhà đầu tư nước ngoài bán ròng ra vẫn còn khá là lớn.

Tựu lại, việc thị trường lao dốc giảm sâu trong phiên hôm nay được cộng hưởng từ nhiều nguyên nhân như áp lực tỉ giá, lãi suất trái phiếu tăng, thanh khoản hụt hơi, khối ngoại gia tăng bán ròng và cuộc tấn công chưa từng có của Iran nhằm vào Israel.

Diễn biến chỉ số VN-Index ngày 15/4 (Nguồn: FireAnt).

Diễn biến chỉ số VN-Index ngày 15/4 (Nguồn: FireAnt).

Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Chi nhánh CTCK DSC nhận định bối cảnh thế giới đang tương đối tiêu cực khi CPI của Mỹ cao hơn dự đoán tháng thứ 3 và lợi suất trái phiếu, đồng USD cũng tăng mạnh trở lại. Trong khi đó xung đột địa chính trị đang đẩy thị trường hàng hóa tăng mạnh đồng thời gây áp lực lạm phát tiềm ẩn.

Còn ông Lã Giang Trung – CEO Passion Investment cho rằng, thông thường trong những đợt thị trường uptrend khoảng 5 - 6 tháng sẽ có điều chỉnh. Khi đến sát vùng 1.300 điểm, dòng tiền có vẻ hơi yếu, một số yếu tố ngắn hạn không còn quá tốt. Do đó khả năng cao thị trường có thể điều chỉnh 12 - 15% từ vùng sát 1.300 điểm, trước khi tạo một cái đáy ngắn hạn để tiếp tục đi lên vượt qua đỉnh cũ.

"Đây là sự điều chỉnh lành mạnh của thị trường trong một giai đoạn tăng mà trong uptrend thì năm nào cũng có 2 lần điều chỉnh", chuyên gia Lã Giang Trung nhận định.

Có nên bắt đáy ở thời điểm này?

Về dự báo thị trường trong thời gian tới, ông Minh cho rằng khả năng xấu nhất VN-Index có thể quay về mốc 1.200 - 1.210 điểm. VN-Index khó có khả năng "thủng" 1.200 điểm vì rủi ro chưa đủ lớn để kích hoạt xu hướng giảm sâu như vậy.

Với việc giảm sốc trong một phiên giao dịch, chuyên gia Yuanta Việt Nam nhận định dòng tiền bắt đáy sẽ sớm nhập cuộc. Bởi cổ phiếu vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn khi các kênh đầu tư khác gặp khó và lượng dòng tiền chực chờ gia nhập thị trường chứng khoán rất lớn.

Với nhà đầu tư vẫn đang nắm giữ cổ phiếu tỉ trọng cao, nếu không áp lực margin thì không nên bán tháo. Nhà đầu tư có tiền mặt cao thì chưa vội giải ngân, thay vào đó nên chờ đợi nhịp cân bằng tại vùng 1.200 - 1.210 để mua thăm dò với tỉ trọng thấp.

Còn chuyên gia đến từ DSC cho rằng xu hướng hiện tại vẫn là điều chỉnh và tích lũy, dù chỉ số có tăng thì thanh khoản và độ rộng cũng khó lan tỏa, vùng hỗ trợ hiện tại quanh 1.240 - 1.250 điểm.

Về chiến lược giao dịch, trong bối cảnh hiện tại có nhiều yếu tố rủi ro trong ngắn hạn và có thể thị trường chưa chiết khấu xong các thông tin, tỉ trọng cổ phiếu nên duy trì ở mức vừa phải, đồng thời tránh trạng thái căng cứng, đặc biệt là hạn chế sử dụng đòn bẩy cao.

Trong mùa kết quả kinh doanh, các nhóm ngành có triển vọng tích cực như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản khu công nghiệp, dầu khí thượng nguồn, xuất nhập khẩu hay thép có thể được cân nhắc. Tuy nhiên, việc nâng tỉ trọng chỉ nên được thực hiện ở các vùng nền giá, tránh mua đuổi hưng phấn ở vùng giá cao.

Trần Thị Tú Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vn-index-cam-dau-giam-60-diem-da-den-luc-bat-day-a659165.html