VN-Index có khả năng 'rung lắc' quanh khu vực 780-800 điểm

VN-Index đã vượt qua ngưỡng 780 điểm và nâng mục tiêu ngắn hạn lên ngưỡng tâm lý 800 điểm. Song, việc khối ngoại tiếp tục bán ròng 1.250 tỷ đồng trên hai sàn là điểm tiêu cực cần lưu ý.

Thị trường chứng khoán đã có ba tuần phục hồi liên tiếp trong bối cảnh dịch COVID-19 tại Việt Nam được kiểm soát khá tốt với ca bệnh mới giảm hẳn so với thời điểm trước đó. Tuy nhiên sau đà tăng của thị trường, giới phân tích đã có những quan điểm thận trọng hơn và cho rằng thị trường trong ngắn hạn có thể giằng co quanh ngưỡng tâm lý 800 điểm của VN-Index.

VN-Index chạm mức 790,95 điểm

Tuần qua (ngày 13-17/4), thị trường chứng khoán giao dịch rất tích cực khi VN-Index đã tăng điểm trong cả năm phiên. Theo đó, VN-Index chạm mức cao nhất là 790,95 điểm và xuống mức thấp nhất là 753,85 điểm. Tổng kết cả tuần giao dịch, chỉ số này đã tăng 31,66 điểm (tăng tương ứng 4,2%) lên 789,6 điểm.

Trên sàn Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE), mã cổ phiếu HOT dẫn đầu thị trường tăng giá tới 40% (từ 27.700 đồng/cổ phiếu lên 38.700 đồng/cổ phiếu), kế đến là cổ phiếu DTA cũng tăng tới 39% (từ 4.230 đồng/cổ phiếu lên 5.880 đồng/cổ phiếu).

Đáng chú ý là mã cổ phiếu DBC (Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam) có 9 phiên tăng giá liên tiếp xấp xỉ 64% ( từ 17.100 đồng/cổ phiếu lên 28.000 đồng/cổ phiếu) khi công ty này công bố kết quả kinh doanh quý 1 với doanh thu đạt 3.248 tỷ đồng. Kéo theo, lợi nhuận sau thuế đạt trên 340 tỷ đồng và cao gấp 17 lần so với quý 1/2019 , nhờ vào việc tăng cường sản xuất thịt-trứng gà và thịt lợn… đáp ứng thị trường giữa bối cảnh dịch COVID-19.

Ở chiều ngược lại, mã ABS là đã giảm mạnh nhất tuần tới 30% (từ 32.750 đồng/cổ phiếu xuống 22.900 đồng/cổ phiếu).

Bên cạnh đó, HNX-Index cũng có một tuần giao dịch khả quan với bốn phiên tăng điểm và một phiên giảm điểm. Cụ thể, mức cao nhất và thấp nhất trong tuần lần lượt là 110,606 điểm và 103,102 điểm. Phiên giao dịch chốt tuần, HNX-Index tăng 4,284 điểm (tương đương tăng4%) lên 110,463 điểm.

Tại sàn Hà Nội (HNX), cổ phiếu MPT tăng giá ấn tượng nhất tuần với 55,5% (từ 900 đồng/cổ phiếu lên 1.400 đồng/cổ phiếu), kế đến là mã VC1 với mức tăng 41% (từ 7.600 đồng/cổ phiếu lên 10.700 đồng/phiếu). Ở chiều ngược lại, TTL là cổ phiếu có mức giảm mạnh nhất tuần với 32% từ 11.700 đồng xuống 7.900 đồng.

Trái ngược với đà tăng điểm của thị trường, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có tuần bán ròng với giá trị 1.157,62 tỷ đồng tại sàn HoSE (tương ứng với khối lượng 37,77 triệu cổ phiếu) và 91,38 tỷ đồng phía sàn HNX (tương ứng với khối lượng 9 triệu cổ phiếu).

Mặt bằng cổ phiếu tăng điểm trên nền tảng tích lũy

Theo đánh giá chung từ giới phân tích, bối cảnh dịch bệnh COVID-19 trong nước được kiểm soát khá tốt đồng thời thị trường chứng khoán thế giới cũng đồng loạt tăng điểm, do đó dòng tiền trên thị trường chứng khoán nội địa đã có sự lan tỏa tới nhiều nhóm ngành khác nhau.

Cụ thể, tuần qua nhóm cổ phiếu dịch vụ tiêu dùng đã tăng mạnh nhất 10,6% giá trị vốn hóa, chủ yếu đến từ các mã trụ cột trong nhóm, như HVN (+17,2%), VJC (+7,6%), SCS (+3,6%)...

Tiếp đến, nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin tăng 9,3% giá trị vốn hóa với các mã FPT (+10,3%), CMG (+11,3%)... Và, nhóm nguyên vật liệu tăng 7,3% giá trị với các mã như HPG (+10,1%), HSG (+21,1%), NKG (+10,4%)...

Bêncạnh đó, các nhóm ngành còn lại đều có sự phục hồi, như nhóm hàng tiêu dùng tăng 5,3%, công nghiệp tăng 4,6%, ngân hàng tăng 3,7%, dược phẩm và y tế tăng 2,9%, tài chính tăng 2,8% và dầu khí tăng 1,7%...

Tuy nhiên, ông Nguyễn Khắc Thành, chuyên viên phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cho biết thanh khoản trên thị trường đạt khoảng 4.700 tỷ đồng/phiên trên hai sàn. So với với cả tuần trước, giá trị giao dịch trên HoSE mặc dù tăng 3,8% lên 20.984 tỷ đồng song khối lượng giao dịch lại giảm 10,1% xuống còn 1.327 triệu cổ phiếu đồng thời giá trị giao dịch trên HNX đã giảm 2,9% xuống 2.799 tỷ đồng, tương ứng khối lượng giảm 12,3% xuống còn 254 triệu cổ phiếu.

“Đại dịch COVID-19 có dấu hiệu tạo đỉnh tại Mỹ và một số nước châu Âu cùng với việc kiểm soát tốt dịch bệnh tại Việt Nam đã giúp cho tâm lý nhà đầu tư trong nước tiếp tục tích cực, dòng tiền quay trở lại đã giúp thị trường hồi phục trong tuần thứ ba liên tiếp. Về kỹ thuật, VN-Index đã vượt qua được ngưỡng 780 điểm và nâng mục tiêu ngắn hạn lên ngưỡng tâm lý 800 điểm. Ở một khía cạnh khác, việc khối ngoại tiếp tục bán ròng 1.250 tỷ đồng trên hai sàn là điểm tiêu cực cần lưu ý. Ngoài ra, trên thị trường phái sinh hợp đồng tương lai VN30 tháng Tư vẫn thấp hơn chỉ số cơ sở VN30 là 18,48 điểm, điều này cho thấy nhà đầu tư vẫn nghiêng về khả năng thị trường sớm điều chỉnh trở lại. Vì vậy trong tuần giao dịch tiếp theo (ngày 20-24/4), VN-Index có thể sẽ rung lắc và giằng co trong biên độ 780-800 điểm,” ông Thành chia sẻ.

Báo cáo phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (VNCS) cũng khá tương đồng, nhóm chuyên gia phân tích của VNCS chỉ ra, “mặt bằng cổ phiếu đang tăng điểm trên nền tảng tích lũy ngày một nhiều hơn và cho thấy xu hướng hồi phục có thể tiếp diễn. Ngưỡng kháng cự kỳ vọng 795-815 điểm đang ở rất gần. Mặc dù vẫn kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục đà tăng trong thời gian tới nhưng chúng tôi cũng tương đối cân nhắc khi chỉ số VN-Index đã bắt đầu chạm tới ngưỡng kháng cự 790-810 điểm”.

TTXVN

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/chung-khoan/vnindex-co-kha-nang-rung-lac-quanh-khu-vuc-780800-diem-79515.html