VN-Index giảm hơn 12 điểm phiên đầu tuần

Đóng cửa phiên 21/7, VN-Index giảm 12,23 điểm xuống 1.485 điểm. Thanh khoản trên HoSE vẫn sôi động với giá trị khớp lệnh đạt 32.788 tỷ đồng.

Sau những phút khởi sắc đầu phiên, VN-Index một lần nữa vượt mốc 1.500 điểm. Dù vậy, nỗ lực chinh phục đỉnh của chỉ số chính bất thành trước áp lực chốt lời dâng cao trong phiên chiều.

Đóng cửa phiên 21/7, VN-Index giảm 12,23 điểm xuống 1.485 điểm. Thanh khoản trên HoSE vẫn sôi động với giá trị khớp lệnh đạt 32.788 tỷ đồng.

Diễn biến giao dịch chiều nay không có nhiều khởi sắc, thậm chí thị trường còn yếu hơn buổi sáng. Khoảng 10 phút cuối đợt khớp lệnh liên tục xuất hiện áp lực bán tăng vọt và đợt đóng cửa loạt cổ phiếu lớn bị đè xuống sâu khiến VN-Index giảm đột ngột.

VIC là cổ phiếu bị đè giá rõ nét nhất. Lúc 2h25 cổ phiếu này còn ở mức tham chiếu 119.000 đồng thì chỉ 5 phút sau đó đã rơi thẳng xuống giá sàn, giảm 6,97%. VHM trong cùng thời điểm cũng biến động mạnh khoảng -1,92%. TCB từ khoảng 2h17 đến lúc đóng cửa cũng biến động -1,12%. Khi VN-Index đột ngột mất điểm nhanh, tâm lý nhà đầu tư cũng dao động theo, rất nhiều cổ phiếu cùng hạ giá trong ít phút cuối phiên này.

May mắn là trong top 10 vốn hóa vẫn còn CTG tăng 0,33%, HPG tăng 1,16%, VPB tăng 4,45% và FPT tăng 0,64%. Các trụ này thực ra cũng tụt nhẹ trong những phút nói trên, nhưng mức độ không nhiều. Ảnh hưởng lớn nhất tới chỉ số vẫn là VIC, VHM và TCB, khiến VN-Index mất 11,5 điểm.

Ảnh hưởng của việc ép trụ có tác động khá lớn tới tâm lý chung. Bằng chứng rõ nhất là sự thay đổi trong độ rộng thị trường. Lúc 2h15 sàn HoSE vẫn có 139 mã tăng/170 mã giảm nhưng đóng cửa chỉ còn 118 mã tăng/203 mã giảm. Ngoài ra tới 42,2% số cổ phiếu có giao dịch của sàn này tụt giảm so với giá cao nhất phiên từ 2% trở lên, cao hơn nhiều so với phiên sáng (xấp xỉ 33%).

Không rõ việc ép trụ là một hoạt động chốt lời bình thường hay có nguyên nhân nào khác. Thực tế VIC đã tăng 33% chỉ trong hơn 10 phiên gần đây và nếu so với vùng giá có khối lượng giao dịch dày đặc nhất từ tháng 3 đến tháng 5/2025, kể cả so với mức cao nhất vùng này thì cũng đã đạt lợi nhuận hơn 72%.

Điều quan trọng hơn là hoạt động ép trụ khiến VN-Index mất điểm nhiều đã tác động đến tâm lý chung. Nhà đầu tư tăng mạnh lượng bán ra ở nhiều cổ phiếu dẫn đến giá đảo chiều trên diện rộng.

HoSE có khoảng 20 cổ phiếu giảm quá 2% với thanh khoản trên trăm tỷ đồng. Cả blue-chips lẫn midcap như TCB, MSN, VHM, VIC lẫn VCI, DIG, DXG, VND, CII, NVL… đều có mặt trong nhóm này. Tính riêng nhóm cổ phiếu giảm từ 1% trở lên đã chiếm 42,4% tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE. Điều này phản rõ nét sức ép bán ra ở các mức giá sâu.

Phía tăng giá cũng không phải quá ít, nhưng giao dịch rất co cụm. Toàn sàn HoSE có 69 cổ phiếu còn tăng từ 1% trở lên trong tổng số 118 mã xanh, nhưng trên 90% thanh khoản tập trung vào 15 cổ phiếu hàng đầu. VPB, HPG, SHB, VIX, GEX, EVF, DPM, VSC, VIB, DCM thuộc nhóm này và đều khớp từ 200 tỷ đồng trở lên.

PV

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/vn-index-giam-hon-12-diem-phien-dau-tuan-d60034.html