VN-Index lại thất bại trước mốc 1.500 điểm, khối ngoại vẫn gom mạnh VPB

Phiên thứ hai liên tiếp, VN-Index chinh phục mốc 1.500 điểm nhưng không giữ được đến hết phiên. Nhóm cổ phiếu bất động sản điều chỉnh mạnh.

Giao dịch nhóm cổ phiếu lớn phiên 21/7.

Giao dịch nhóm cổ phiếu lớn phiên 21/7.

Mở cửa phiên 21/7, dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán với sự hưng phấn giúp VN-Index nhanh chóng vượt qua mốc 1.500 điểm. Tuy nhiên sự hưng phấn ấy không duy trì được lâu, bên bán dần lấn áp.

Chỉ số sàn HoSE đóng cửa ở mốc 1.485,05 điểm, giảm hơn 12 điểm so với đóng cửa phiên cuối tuần trước. HNX-Index cũng giảm gần 2 điểm còn UPCoM giảm 0,47 điểm. Thanh khoản duy trì mức cao với gần 37.000 tỷ đồng giao dịch trên kênh khớp lệnh.

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng nhẹ hơn 80 tỷ đồng trên sàn HoSE (trong tổng số gần 6.500 tỷ đồng giao dịch). Tuần trước, khối ngoại mua ròng 1.350 tỷ đồng trên cả hai sàn nhưng giảm mạnh so với 2 tuần trước nữa.

Các mã bị bán ròng mạnh trong phiên hôm nay là VCB 147 tỷ đồng, FPT 143 tỷ đồng, VIX 86 tỷ đồng, VCI 66 tỷ đồng, GMD 56 tỷ đồng; HPG, HDG, BID, STB, KDH hơn 40 tỷ đồng...

Ngược chiều, VPB được mua ròng mạnh nhất 221 tỷ đồng. Danh sách mua ròng còn có VIC 77 tỷ đồng; SSI, NVL, SHB, DPM, GEX hơn 60 tỷ đồng; FRT, VRE hơn 50 tỷ đồng...

Trong tuần trước, VPB cũng là mã được khối ngoại mua ròng mạnh nhất, với tổng giá trị hơn 650 tỷ đồng. Cộng thêm sự quan tâm của dòng tiền ngoại, cổ phiếu này đã tăng tốc, bứt phá khỏi vùng giá quanh 18.000 đồng/cp đã duy trì một thời gian dài.

Phiên hôm nay, cổ phiếu của VPBank tiếp tục tăng mạnh 4,5% lên giá 22.300 đồng/cp - cao nhất kể từ tháng 4/2022. Đây cũng là mã tăng tốt nhất nhóm VN30.

Các mã bluechip ở chiều tăng khác là SHB +2,8%, LPB +2,5%, HPG +1,2%, VJC +1,9%, VIB +1,5%; ACB, CTG, FPT, GVR, HDB, SSB tăng nhẹ.

Chiều ngược lại, VIC và VHM là hai mã kéo giảm thị trường mạnh nhất. VIC giảm gần 6%, lùi về giá 112.000 đồng/cp. VHM giảm hơn 4%, lùi về giá 92.000 đồng/cp.

Không chỉ bộ đôi nhóm Vingroup, nhiều cổ phiếu bất động sản cũng chịu áp lực điều chỉnh mạnh, như CEO -3,1%, DXG -2,8%, DIG -2,2%, PDR -2,7%, NVL -2,4%, KDH -2,6%, DXS -4,3%, KHG -4,4%, SCR -4,2%, TCH -1,8%... LDG giảm sàn sau giai đoạn tăng nóng, lùi về giá 6.560 đồng/cp. API, VRC cũng giảm sàn.

Ngược chiều trong nhóm bất động sản có SJS, ITC tăng trần; HPX +2,5%, EVG +3%, LHG +3,9%, SIP +1,8%; HDC, QCG tăng nhẹ.

Nhóm chứng khoán đa phần ở chiều giảm. APS giảm sàn, VND -2,2%, SSI -1,4%, SHS -2,4%, HCM -1,8%, VCI -2,5%, VDS -4,4%, TVB -4,7%, VIG -5,6%, FTS -2,7%, BSI -3,3%... Chiều tăng có HAC tăng trần, CTS +4,2%, EVS +2,9%...

VIX bất chấp sự điều chỉnh của thị trường, tiếp tục tăng 2,4%, xác lập mức đỉnh mới tại giá 19.300 đồng/cp. Chỉ trong vòng một tháng vừa qua, cổ phiếu này đã tăng gần 60% giá trị.

Tại nhóm ngân hàng, ngoài VPB, SHB, LPB như kể trên thì PGB cũng ghi nhận tăng mạnh 6,7% lên giá 15.900 đồng/cp - cao nhất kể từ tháng 10/2024. Phiên thứ Sáu tuần trước, mã này cũng tăng mạnh hơn 9%, sau khi công bố báo cáo tài chính quý 2/2025 với kết quả tích cực (lợi nhuận trước thuế đạt hơn 188 tỷ đồng, tăng 98% so với cùng kỳ năm trước).

Một nửa số mã ngân hàng kết phiên ở chiều giảm, trong đó giảm đáng kể là BVB -3,5%, KLB -3,9%, NVB -2,6%, TCB -2,2%, VBB -1,8%.

Tại các nhóm ngành khác, đa số các cổ phiếu cũng chủ yếu giảm giá. Một số mã đi ngược thị trường là HVN tăng trần, DPM +3,7%, GEX +4,7%, MSR +4,3%, VGS +4%, DPR +3,4%...

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/vn-index-lai-that-bai-truoc-moc-1500-diem-khoi-ngoai-van-gom-manh-vpb-44013.html