VN-Index giằng co, bộ đôi TCH - HHS là điểm nhấn hiếm hoi

Phiên 11/4, thị trường duy trì trạng thái giao dịch giằng co với mức thanh khoản thấp, cho thấy lực cung - cầu đã cân bằng nhưng tâm lý nhà đầu tư vẫn thận trọng.

Giao dịch sàn HoSE phiên 11/4.

Giao dịch sàn HoSE phiên 11/4.

VN-Index đóng cửa ở mốc 1.258,2 điểm, giảm nhẹ 0,36 điểm so với kết phiên hôm qua. Trong phiên, chỉ số cũng không có nhiều biến động, chỉ quanh mốc tham chiếu. HNX-Index và UPCoM cùng tăng điểm nhẹ.

Thanh khoản không có đột phá, vẫn duy trì mức thấp so với trung bình 3 tháng qua, đạt gần 17.000 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh. Trong đó, khối ngoại chiếm khoảng 4.000 tỷ đồng và bán ròng 180 tỷ đồng trên sàn HoSE. Tâm điểm bán ròng là VHM với giá trị gần 460 tỷ đồng. Những phiên gần đây, cổ phiếu của Vinhomes liên tục nằm trong danh sách bị khối ngoại “xả” ròng mạnh.

Danh sách bán ròng còn có KDC 87 tỷ đồng, VIC 74 tỷ đồng, VNM 53 tỷ đồng, NVL 52 tỷ đồng, PDR 34 tỷ đồng; chứng chỉ quỹ FUEVFVND, HSG, MSN trên 20 tỷ đồng....

Chiều ngược lại, cổ phiếu “lạ mặt” VPD của CTCP Phát triển Điện lực Việt Nam bất ngờ được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 153 tỷ đồng. Các mã được mua ròng đáng kể còn có TCH 94 tỷ đồng, SSI 86 tỷ đồng, MWG 74 tỷ đồng, SBT 62 tỷ đồng, KBC 55 tỷ đồng; KDH, NKG, FRT trên 30 tỷ đồng...

Với diễn biến giằng co, đa số các cổ phiếu biến động với tỷ lệ hẹp. Tại nhóm VN30, chiều tăng ghi nhận ở ACB, BID, CTG, FPT, GVR, HDB, HPG, MWG, SAB, SSI, SSB; trong đó BID đạt mức tăng tốt nhất 1,9%, còn lại đều dưới 1%. Tương tự, chiều giảm sâu nhất là BCM -1,6%, TCB -1,2%, VRE -1,4%...

Nhóm ngân hàng có VAB vẫn giữ sức hút dòng tiền, tăng 4,4% lên mức giá 9.600 đồng/cp. Sau khi VietABank công bố kế hoạch chuyển niêm yết trên sàn HoSE và trả cổ tức tỷ lệ 39%, cổ phiếu của ngân hàng này liền “phi mã” và chỉ tính riêng 3 phiên gần đây đã tăng khoảng 25%.

Ngoài VAB thì tăng đáng kể còn có 2,5%, BID +1,9%, SGB +1,4%. Chiều giảm dẫn đầu là LPB -2,4%, NVB -1,9%, TCB -1,2%.

Nhóm chứng khoán ghi nhận SHS +1,5%, SSI +0,5%, HCM +1,1%, VDS +1,4%, VCI tăng nhẹ; một số mã nhỏ tăng mạnh, gồm VFS +3,7%, HAC +3,9%, CTS +2,1%, BVS +2,7%. Ngược lại, VND -0,9%, VIX giảm nhẹ. Giảm mạnh nhất là VUA -2,5%.

Nhóm bất động sản ghi nhận VIC và VHM giảm nhẹ; BCM, DXG, VRE giảm hơn 1%. NLG, CEO, DXS, HDC, HDG, SZC giảm dưới 1%. SJS giảm mạnh 4,4%. QCG bị chốt lời sau chuỗi tăng mạnh trước đó, đóng cửa -3,9% xuống 13.500 đồng/cp.

Chiều tăng có DIG +2,2%; KDH, KBC, KHG, SCR, TIP tăng nhẹ. Đáng chú ý là TCH, tăng gần 6% lên mức giá 17.000 đồng/cp - mức giá cao nhất kể từ tháng 3/2022. Cổ phiếu của Tài chính Hoàng Huy bật tăng kể từ đầu tháng 3 vừa qua và đến nay đã tăng hơn 30%. Thanh khoản của mã hôm nay cũng tăng đột biến với hơn 22 triệu cổ phiếu khớp lệnh.

Một mã khác “họ Hoàng Huy” là HHS cũng tăng mạnh 5,7% lên mức giá 9.840 đồng/cp, cao nhất kể từ tháng 3/2022. Từ đầu năm đến nay, mã đã tăng hơn 40% giá trị.

Dòng tiền hôm nay còn ưu ái một số mã riêng lẻ khác như SKG +5,3%, ABS +5,1%, NKG +3,8%, FRT +3,7%, NO1 +3,6%, ITD +3,5%...

Chiều ngược lại, hai cổ phiếu POM và QBS sau khi chính thức “nhận án” hủy niêm yết (có hiệu lực từ 10/5/2024) đều đồng loạt giảm sàn. Trong đó, POM khớp hơn 2 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 2,7 triệu đơn vị; QBS khớp 2,08 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 0,5 triệu đơn vị.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/vn-index-giang-co-bo-doi-tch-hhs-la-diem-nhan-hiem-hoi-post33603.html