VN-Index hồi phục nhẹ, một cổ phiếu mía đường lập đỉnh mới

Thị trường hồi phục nhưng thanh khoản chạm mức thấp nhất trong năm 2024, với sự e dè của dòng tiền nội. Một số cổ phiếu biến động mạnh với câu chuyện riêng của doanh nghiệp.

Các cổ phiếu chủ yếu biến động trong biên độ hẹp.

Các cổ phiếu chủ yếu biến động trong biên độ hẹp.

Kết phiên 12/9, VN-Index tăng hơn 3 điểm lên mốc 1.256,35 điểm. HNX-Index và UPCoM cũng đều tăng điểm nhẹ. Thanh khoản lùi về mức thấp nhất trong năm, với tổng giá trị khớp lệnh chỉ đạt hơn 10.800 tỷ đồng. Khối ngoại vẫn duy trì mức giao dịch trung bình hơn 3.000 tỷ đồng, cho thấy dòng tiền nội đang thận trọng hơn.

Sau phiên đảo chiều mua ròng nhẹ hôm qua, nhà đầu tư nước ngoài lại bán ròng 187 tỷ đồng trên HoSE, tập trung bán VPB (75 tỷ đồng), VCI (58 tỷ đồng), HDB (47 tỷ đồng), HPG (41 tỷ đồng), MWG (41 tỷ đồng), MSN 32 tỷ đồng; FRT, PLX, BID, VIC, NVL, VCB hơn 20 tỷ đồng…

Ngược chiều, FPT được mua ròng mạnh nhất 117 tỷ đồng. Phiên hôm qua, cổ phiếu ngành công nghệ này cũng dẫn đầu danh sách mua ròng với giá trị 140 tỷ đồng. Các mã được mua ròng đáng kể khác là VHM 39 tỷ đồng; CTG, STB trên 30 tỷ đồng; NLG, DGC gần 20 tỷ đồng…

VN30 tăng gần 4 điểm lên mốc 1.297,61 điểm. Các bluechip ngân hàng trở thành động lực để thị trường hồi phục, với VCB +1,2%, VIB +1,7%, TPB +1,7%, VPB +1,4%, ACB +1,2%; BID, CTG, MBB, SHB, TCB cũng đều tăng nhẹ.

Cá biệt có SSB giảm mạnh phiên thứ ba liên tiếp, mất gần 6% giá trị và lùi về giá 15.050 đồng/cp – giảm 25% so với hồi cuối tháng 8/2024 và thấp nhất kể từ tháng 5/2021.

Các bluechip ở chiều giảm còn có BVH, HDB, HPG, MWG, PLX, SSI, VIC, VRE, với mức giảm nhẹ.

Với các mã lớn tích cực như kể trên, nhóm ngân hàng chính là nhóm có đóng góp lớn nhất cho chiều tăng của chỉ số. Ngược lại, nhóm bất động sản vẫn duy trì tiêu cực. NVL tiếp tục giảm 3,8%, lùi về giá 11.400 đồng/cp, khớp lệnh 17,5 triệu đơn vị.

Phiên hôm qua, cổ phiếu của Novaland giảm sàn và khớp lệnh tới hơn 68 triệu cổ phiếu, sau khi mã này bị HoSE đưa vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (cắt margin), nguyên nhân do công ty chậm công bố thông tin báo cáo tài chính bán niên năm 2024 đã soát xét quá 5 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn công bố thông tin.

Hai mã bất động sản giảm sàn hôm nay là SGR của Địa ốc Sài Gòn (Saigonres) và NRC của Tập đoàn Danh Khôi. SGR gặp áp lực chốt lời khi vừa vươn lên vùng đỉnh mới gần 47.000 đồng/cp vào phiên hôm qua. Còn NRC thủng đáy lịch sử, lùi về vùng giá 3.000 đồng/cp. Chỉ sau hơn một tuần, cổ phiếu của Danh Khôi đã giảm gần 20% giá trị, sau khi công ty công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 với kết quả kinh doanh kém khả quan.

Cụ thể, công ty ghi nhận lỗ ròng hơn 10 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024, trong khi ở báo cáo tự lập lãi hơn 7 tỷ đồng. Kiểm toán còn nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của NRC.

Các cổ phiếu bất động sản giảm đáng kể khác là DXG -2%, CEO -1,3%, TCH -1,1%, DRH -4,8%. VIC, VRE, DIG, HDG, KDH, NTL, HDC… giảm nhẹ. Chiều tăng có các mã nhỏ như IDC, NHA, CDC, IJC, TIG, CCL, LHG, TIP… với mức tăng không đáng kể. VHM tăng nhẹ, PDR, KBC, VPI, KOS, NLG, BCM… đứng tham chiếu.

Tại nhóm chứng khoán, các mã chủ yếu giảm nhẹ hoặc đứng tham chiếu. Giảm sâu có APG -5,7%, CSI -3,5%. Chiều tăng có ABW, APS, BMS, BVS, DSE, DSC, HBS, IVS, VFS, VIG, WSS; tuy nhiên không có mã nào tăng vượt trội.

Các nhóm ngành khác cũng đều diễn biến phân hóa trong biên độ hẹp. Đáng chú ý là cổ phiếu SLS của Mía đường Sơn La, tăng 1,7% lên vùng đỉnh mới 208.500 đồng/cp. Từ đầu năm 2024 đến nay, cổ phiếu này đã tăng 45%.

Mía đường Sơn La vừa thông báo ngày 25/9 tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức niên độ 2023-2024 bằng tiền, với tỷ lệ 200%/cp (tức 1 cổ phiếu được nhận 20.000 đồng). Ngày thanh toán là 16/10/2024. Hai niên độ trước, SLS đều trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 100% trở lên.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/vn-index-hoi-phuc-nhe-mot-co-phieu-mia-duong-lap-dinh-moi-33347.html