VN-Index lại mất mốc 1.100 điểm, HAG ngược dòng tăng sát trần
Sau khi lấy lại mốc 1.100 điểm trong phiên cuối tuần trước, VN-Index lại đối mặt với lực bán áp đảo và không đủ sức để giữ ngưỡng hỗ trợ quan trọng.
Kết phiên 23/10, VN-Index giảm 14,5 điểm so với kết phiên cuối tuần trước, lùi về mốc 1.093,53 điểm. HNX-Index giảm 2,2 điểm còn UPCoM giảm 0,35 điểm. Thanh khoản giảm so với mức trung bình gần đây, với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 13.000 tỷ đồng.
Khối ngoại giao dịch khoảng 3.500 tỷ đồng và tiếp tục duy trì vị thế mua ròng. Trong tuần trước, khối này đã trở lại mua ròng 5,02 triệu đơn vị trên sàn HoSE, tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 779,62 tỷ đồng; trong khi tuần trước đó bán ròng 65,8 triệu đơn vị, giá trị bán ròng hơn 1.900 tỷ đồng.
VHM tiếp tục hút mạnh dòng tiền ngoại với giá trị mua ròng hơn 1.000 tỷ đồng. Phiên cuối tuần trước (20/10), cổ phiếu của Vinhomes cũng được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng đột biến hơn 800 tỷ đồng, sau 13 phiên liên tiếp chỉ bán ra.
Ngoài VHM, chỉ có KBC và FPT được mua ròng đáng kể với hơn 20 tỷ đồng. Chiều ngược lại, MWG bị bán ròng mạnh nhất 160 tỷ đồng, kế đến là VNM 71 tỷ đồng, MSN 69 tỷ đồng, SSI 59 tỷ đồng, VND 52 tỷ đồng, VPB 50 tỷ đồng, VIX 41 tỷ đồng, EIB, HDB, VNE, HPG trên 30 tỷ đồng...
Nhờ lực kéo từ khối ngoại nên kết phiên 23/10, VHM giữ được mức giá tham chiếu 44.500 đồng/cp, tích cực so với VN-Index và đa số các mã bluechip. Ngoài VHM, VIC cũng tăng giá nhẹ, SSB tăng 1,4%.
Trong rổ VN30, giảm giá mạnh nhất là MSN -4,4%, MWG -3,8%, GVR -3,7%, GAS và SAB -3%; SSI, VNM, VPB, VRE giảm hơn 2%...
Thị trường hôm nay giảm điểm trên diện rộng, hầu hết các nhóm ngành đều kết phiên trong sắc đỏ. Nhóm thủy sản giảm mạnh nhất với VHM -3,5%, ANV -4,1%, FMC -2,9%, IDI -1,6%... CMX ngược chiều tăng 1,8%, ACL đứng tham chiếu.
Các nhóm hóa chất, bán lẻ, chứng khoán cũng giảm 2-3% vốn hóa. Tại nhóm hóa chất, DGC giảm mạnh 3,7%, DPM giảm 2,9%, DCM giảm 2,1%. DGC (Hóa chất Đức Giang) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2023 với kết quả chưa có sự khởi sắc. Cụ thể, doanh thu thuần của công ty đạt 2.464 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 761 tỷ đồng, thấp nhất kể từ quý 4/2021.
Nhóm chứng khoán cũng phần lớn chìm trong sắc đỏ. SSI -2,2%, VND -2,8%, VIX -4%, VCI -3,5%, VDS -3%, SHS -2,4%, MBS -2,4%, BSI -2,2%... Chiều tăng có ABW, BMS, CTS, EVS, HCM, SBS, TCI, WSS. Trong đó EVS đạt mức tăng tốt nhất với 2,4%.
Nhóm bán lẻ bị kéo xuống bởi MWG -3,8%. FRT và DGW cũng giảm lần lượt 2% và 3,1%. Ba doanh nghiệp này đều chưa công bố báo cáo tài chính quý 3.
Nhóm xây dựng và bất động sản đỡ tiêu cực hơn các nhóm trên khi ngoài VHM và VIC, một số mã cũng tăng giá nhẹ, như CEO +1%, DXG +0,9%, NLG +0,4%, HDC +0,8%, SJS +2,6%, DTD +0,4%, C4G +1,8%, QCG +3,2%... Ngược lại, giảm giá đáng kể có NVL -3,3%, VRE -2,3%, CII -4%, PC1 -3,6%, CTD -2,9%, CMS -8,4%, NTL -2,2%, ITA -2,5%...
Tại nhóm ngân hàng, ngoài SSB thì còn có ABB, BVB, EIB, KLB, LPB cũng tăng giá. Tăng mạnh nhất vẫn là SSB. Chiều ngược lại, giảm mạnh nhất là VPB và NVB -2,6%, VBB -2%, MSB -1,5%, SHB và HDB -1,4%...
Nhóm ngược chiều thị trường duy nhất hôm nay là nông nghiệp, nhờ sự bứt phá của HAG khi tăng sát trần 6,87%, lên giá 8.710 đồng/cp; thanh khoản cũng cao đột biến với 32,7 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Hoàng Anh Gia Lai mới công bố tình hình sản xuất kinh doanh với lợi nhuận quý 3/2023 đạt 324 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng đạt 710 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong quý 3 vừa qua, HAG ghi nhận khoản doanh thu từ thanh lý tài sản với giá trị 180 tỷ đồng. Chia sẻ với báo chí, ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HĐQT HAG cho biết đây chính là khoản thu từ bán khách sạn Hoàng Anh Gia Lai.