VN-Index 'nhảy múa', tăng trở lại gần 20 điểm với thanh khoản thấp

VN-Index tăng bật trở lại ngay sau phiên giảm mạnh hôm qua (16/9), trở về vùng 1.260 điểm nhờ vào động thái tích cực từ khối ngoại. Song, thanh khoản vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.

 VN-Index "nhảy múa", tăng trở lại gần 20 điểm với thanh khoản thấp. Ảnh minh họa

VN-Index "nhảy múa", tăng trở lại gần 20 điểm với thanh khoản thấp. Ảnh minh họa

Sau 1 tháng kể từ phiên bùng nổ 16/8, VN-Indexbất ngờ tăng bật trở lại gần 20 điểm (tương đương 1,6%) ngay trong ngày Tết Trung thu (17/9), giúp VN-Index trở về mốc tiệm cận vùng 1.260 điểm tại 1.258, 95 điểm.

Diễn biến này xuất hiện ngay sau phiên giảm mạnh trước đó (16/9) với hơn 12 điểm.

Mở đầu phiên sáng, áp lực bán vẫn chiếm chủ đạo, song, tín hiệu tích cực bắt đầu sau giờ nghỉ trưa, thanh khoản gia tăng, giúp chỉ số đảo chiều tăng mạnh, độ rộng thị trường nghiêng về phe mua.

Song, so với diễn biến phiên "bùng nổ" 16/8 với thanh khoản đạt hơn 23.000 tỷ đồng, dòng tiền tại sàn hôm nay vẫn chưa có sự cải thiện rõ rệt, đạt 13.527,5 tỷ đồng với 632 triệu cổ phiếu được "sang tay".

Sắc xanh lan rộng thị trường với 312 mã tăng (2 mã "tăng trần"), 88 mã giảm (3 mã "nằm sàn"), 70 mã đi ngang. Hầu hết các nhóm ngành đều tăng tích cực, gồm: ngân hàng (+1,57%), chứng khoán (+2,46%), nguyên vật liệu (+1,14%),…

"Sắc xanh" lan tỏa khắp thị trường

"Sắc xanh" lan tỏa khắp thị trường

Trong đó, nhóm bất động sảngây bất ngờ khi vươn lên sau nhiều phiên liên tiếp thủng đáy thời gian qua, đến trở thành nhóm ngành dẫn dắt thị trường tăng điểm hôm nay.

Toàn ngành bất động sản tăng 2,4% cùng nhiều cổ phiếu tăng mạnh: VHM (Vinhomes, HOSE) tăng 5,39%, PDR (Bất động sản Phát Đạt, HOSE) tăng 5,07%, DXG (Đất Xanh, HOSE) tăng 4,03%,…

Chỉ riêng NVL (Novaland, HOSE) đi ngang sau khi phá đáy 18 tháng do bị bán mạnh vào phiên sáng. Diễn biến này trong bối cảnh NVL nhận quyết định vào diện cảnh báo do doanh nghiệp chưa nộp báo cáo tài chính kiểm toán 6 tháng đầu năm 2024, trước đó, NVL cũng đã bị cắt margin với lý do này.

Nhóm cổ phiếu ảnh hưởng mạnh tới chỉ số

Nhóm bất động sản và ngân hàng lần lượt dẫn dắt thị trường tăng mạnh (Nguồn: SSI iBoard)

Nhóm bất động sản và ngân hàng lần lượt dẫn dắt thị trường tăng mạnh (Nguồn: SSI iBoard)

Kế tiếp là nhóm ngân hàng với VCB (Vietcombank, HOSE) tăng 1,8%, BID (BIDV, HOSE) tăng 1,99%, TCB (Techcombank, HOSE) tăng 2,48% cũng đóng góp lớn vào đà tăng chung.

Khối ngoạicũng mua ròng tích cực trở lại với tổng giá trị đạt 525 tỷ đồng trong cả phiên, duy trì 3 phiên liên tiếp mua ròng, nhóm cổ phiếu được mua nhiều nhất gồm: VHM (Vinhomes, HOSE) đạt 193 tỷ đồng, FPT (FPT, HOSE) đạt 189 tỷ đồng, SSI (Chứng khoán SSI, HOSE) đạt 46 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, MWG (Thế giới Di động, HOSE) bị bán ròng 144 tỷ đồng.

Xét về hành vi, động thái này của khối ngoại được cho là do giảm lực bán, lực mua được duy trì "đều tay".

Trong tuần này, nhà đầu tư sẽ đón nhận một số sự kiện đáng chú ý, bao gồm đáo hạn phái sinh, cơ cấu quỹ ETF và cuộc họp FOMC của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Phiên phục hồi hay vẫn trong xu hướng điều chỉnh?

Đánh giá về phiên hôm nay, bà Minh Châu, chuyên viên tư vấn, Chứng khoán Mirae Asset cho biết, trong ngắn hạn, thị trường cho thấy trạng thái tích cực hơn, đặc biệt khi dòng tiền khối ngoại liên tục chảy vào và nhóm cổ phiếu lớn dẫn dắt duy trì được đà tăng trưởng. Song, nhà đầu tư (NĐT) vẫn cần lưu ý rằng, trong vài phiên tới đây sẽ còn rất nhiều sự kiện vĩ mô thế giới như Cuộc họp của Fed và Cuộc họp của BOJ vẫn có thể gây áp lực lên thị trường Việt Nam. Việc "rung lắc" trong vùng 1.240 - 1.250 điểm là có thể xảy ra.

Còn trong trung và dài hạn, bà nhận định, chỉ số vẫn đang giữ xu hướng chính là đi ngang trong biên độ rộng 1.200 - 1.290 điểm. Sự phân hóa tăng giảm giữa các cổ phiếu vẫn sẽ diễn ra. Dòng tiền tiếp tục tập trung vào những doanh nghiệp có nội lực mạnh mẽ, có kỳ vọng trong tương lai, đáp ứng câu chuyện phục hồi/tăng trưởng về kết quả kinh doanh.

NĐT được khuyến nghị, ưu tiên phần lớn tỷ trọng tập trung những cổ phiếu có nền tảng tài chính tốt và có kỳ vọng tăng trưởng, đang ở vùng định giá rẻ, tỷ trọng nhỏ đối với hành động lướt sóng cổ phiếu

Nhóm ngành có thể quan tâm: Bán lẻ với kỳ vọng phục hồi/tăng trưởng về kết quả kinh doanh; Ngân hàng với kỳ vọng chạy đua tăng trưởng tín dụng cuối năm và một số ngân hàng đã chủ động trích lập dự phòng rủi ro; Năng lượng (Thủy điện) khi hiện tượng Lanina đang quay trở lại mạnh mẽ vào nửa cuối năm 2024.

Minh Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/vn-index-nhay-mua-tang-tro-lai-gan-20-diem-voi-thanh-khoan-thap-20240917184753753.htm