Mỹ bất ngờ giảm mạnh lãi suất: USD, đồng tiền Việt, chứng khoán...bị tác động ra sao?
Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến sự dịch chuyển rời đi của dòng vốn ngoại, tuy nhiên xu thế này có thể thay đổi sau khi Fed hạ lãi suất.
Ngày 18-9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ sau 4 năm. Theo đó, lãi suất tham chiếu của Mỹ giảm 50 điểm cơ bản (0,5%), về 4,75-5%. Fed giảm lãi suất 50 điểm cơ bản (0,5%), đây là quyết định hạ lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2020.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích khối khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta, đã phân tích với PLO về tác động từ quyết định hạ lãi suất của Fed đến kinh tế và chứng khoán Việt Nam.
- Phóng viên: Theo ông, những yếu tố nào đã khiến cho Fed đưa ra quyết định chính sách lịch sử như vậy?
Ông Nguyễn Thế Minh: Tại Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ sau một thời gian về gần ngưỡng cận biên 4% trong thời gian gần đây có xu hướng gia tăng. Điều này cho thấy dấu hiệu cảnh báo là Fed cần phải có một hành động sớm và mạnh tay hơn, cân đối giữa tăng trưởng kinh tế và giúp cho lạm phát không bị quá nóng. Lạm phát tại Mỹ trong thời gian gần đây cũng giảm dần về ngưỡng mục tiêu 2%.
Hai yếu tố này tạo ra bối cảnh phù hợp để cho việc Fed nới lỏng chính sách tiền tệ trở lại sau thời gian thắt chặt mạnh tay và liên tục trong năm 2022 và 2023. Ngoài ra cũng có thể bản thân Fed tính toán được rằng việc hạ lãi suất không đủ đẩy tăng lạm phát như thị trường đang lo ngại. Mục tiêu lớn nhất của Fed chính là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm áp lực về tỷ lệ thất nghiệp.
Trong thời gian qua, Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã hạ lãi suất. Vì vậy việc Fed điều chỉnh lãi suất cơ bản đồng USD cũng là để đồng điệu về chính sách tiền tệ với nhiều ngân hàng trung ương lớn hàng đầu thế giới.
Fed không muốn đi sau các ngân hàng trung ương khác khi mà các ngân hàng trung ương khác đều đã có từ 2 đến 3 lần hạ lãi suất.
- Phóng viên: Quyết định hạ lãi suất cơ bản đồng USD lần này của Fed sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chứng khoán châu Á và Việt Nam, kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu?
+Ông Nguyễn Thế Minh: Việc giảm lãi suất lần này của Fed nhìn chung tương đối đúng theo kỳ vọng của thị trường. Trong thời gian qua, kỳ vọng Fed hạ lãi suất đã khiến cho đồng USD sụt giảm.
Theo kỳ vọng chung, trong năm nay Fed sẽ còn hai lần hạ lãi suất trong tháng 11 và tháng 12-2024, mỗi lần hạ lãi suất trung bình khoảng 0,25%. Như vậy khả năng cao đà giảm của đồng USD sẽ vẫn tiếp diễn trong thời gian tới.
Đồng USD hạ nhiệt sẽ tác động tích cực lên tình hình tỷ giá hiện nay tại Việt Nam. Yếu tố này có thể giúp cho thu hút dòng vốn ngoại quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII). Về mặt tích cực, nhóm tài sản tài chính có thể đón nhận ảnh hưởng tích cực chính.
Thứ hai, khi mà áp lực tỷ giá hạ nhiệt, đây chính là điều kiện thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) duy trì nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời gian tới và đặc biệt là giảm lãi suất trên thị trường mở.
Thực tế này tạo điều kiện thuận lợi để giúp phục hồi kinh tế cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới và tác động đến đà tăng trưởng của các nhóm ngành cổ phiếu niêm yết cũng như thị trường chứng khoán.
Trong nền kinh tế nói chung, nhóm các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ hưởng lợi, họ sẽ cảm thấy dễ thở hơn khi mà trong 6 tháng đầu năm áp lực tỷ giá cao trong khi họ có nhiều nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất. Với bối cảnh tỷ giá hạ nhiệt, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ tăng cường mua thêm hàng hóa để thực hiện sản xuất.
Nhóm doanh nghiệp xuất khẩu sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực hơn một chút. Tuy nhiên nếu nhìn từ câu chuyện dài hơi hơn, đó là khi mà Fed kích thích nền kinh tế, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh trở lại như vậy các doanh nghiệp xuất khẩu vừa có thêm đơn hàng mà giá bán hàng hóa lại tăng cao hơn.
Trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp xuất khẩu đương đầu với vấn đề là đơn hàng tăng nhưng giá bán hàng hóa lại không cao, Như vậy từ cuối quý III sang cả quý IV, giá bán hàng hóa xuất khẩu có thể sẽ phục hồi. Từ đó giúp cho doanh nghiệp xuất khẩu bù trừ ảnh hưởng từ tỷ giá.
Cuối cùng, chi phí vốn của các doanh nghiệp lĩnh vực tài chính sẽ cải thiện. Khi mà áp lực tỷ giá và lãi suất hạ nhiệt, thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa tiền USD và tiền đồng, áp lực chi phí vốn của doanh nghiệp cũng hạ nhiệt tương đối đáng kể.
- Phóng viên: Nhưng gần đây, Trung Đông chứng kiến loạt diễn biến tiềm ẩn rủi ro gây ra khủng hoảng toàn diện khu vực, điều này ảnh hưởng ra sao đến chính sách của Fed cũng như tình hình lạm phát nói chung?
+Ông Nguyễn Thế Minh: Căng thẳng địa chính trị là yếu tố vô cùng khó dự báo, điều này cũng lý giải cho việc tại sao từ năm 2022 tức là khi căng thẳng Trung Đông leo thang đến nay, Fed không đưa ra kịch bản chắc chắn nào về điều hành chính sách tiền tệ.
Căng thẳng địa chính trị cho đến nay vẫn là biến số khó lường, trong thời gian tới biến số này vẫn ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương thế giới. Tình hình có thể neo như vậy đến năm 2025 hoặc thậm chí là năm 2026 khi mà căng thẳng này thực sự chưa hạ nhiệt.
Tuy nhiên nhìn trong khoảng thời gian dài hơn, căng thẳng Trung Đông trong giai đoạn đầu đến hiện tại tương đối thuyên giảm và sức ảnh hưởng xét trên quy mô toàn cầu đã giảm đi. Nếu như trước đây, lạm phát chịu sức ép từ căng thẳng Trung Đông rất lớn gây đứt gãy chuỗi cung ứng nhưng đến giờ vấn đề đó không còn nhiều nữa, lạm phát cũng không ảnh hưởng nhiều. Chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới vì vậy cũng không chịu tác động nhiều.
Tuy nhiên cũng không thể chủ quan với rủi ro tiềm ẩn từ biến số Trung Đông vốn vô cùng khó đoán này.
Cám ơn những chia sẻ của ông!