VN-Index sẽ ra sao trong tháng 3?
Khởi động phiên đầu tháng 3, VN-Index tăng gần 16 điểm lên ngưỡng 1.040 điểm, mang tới tâm lý phấn chấn cho các nhà đầu tư về một tháng 3 'rực rỡ'. Tuy nhiên, trước những luồng thông tin trái chiều, rất khó để dự báo chính xác thị trường sẽ biến động ra sao trong tháng này, ngay cả với những chuyên gia hàng đầu.
Trước đó, sau 5 phiên liên tiếp giảm điểm mạnh, phiên giao dịch cuối tháng 2 (28/2) đã ghi nhận diễn biến giao dịch phục hồi tích cực trở lại, đóng cửa tăng 3,43 điểm (+0,34%) lên mức 1.024,68 điểm.
Xác suất giảm không cao
Tuy nhiên thanh khoản lại "phá đáy" với giá trị khớp lệnh trên HoSE chỉ đạt 5.272 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng gần 28 tháng.
Tính chung trong tháng 2, giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân trên HoSE chỉ đạt 8.700 tỷ đồng/phiên, giảm 9% so với tháng trước. Kể từ tháng 11/2020, chưa bao giờ thanh khoản thị trường lại “heo hút” như hiện nay.
Không chỉ vậy, VN-Index còn suýt chút nữa đã đánh mất toàn bộ thành quả tăng giá từ đầu năm 2023, song cũng làm cho nhiều nhà đầu tư điêu đứng “khóc ròng” vì diễn biến thất thường của thị trường chung.
Thậm chí, ông Petri Deryng, nhà sáng lập và quản lý PYN Eltie Fund vừa cho biết, những rung lắc liên tục ghi nhận trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã khiến mức hiệu suất đầu tư tăng hơn 10% trong tháng 1/2023 của PYN Elite Fund đã bị triệt tiêu hoàn toàn trong tháng 2, đưa giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ trở lại mức cuối năm 2022.
Bước vào tháng 3, mặc dù ghi nhận phiên giao dịch đầy hứng khởi nối tiếp từ đà tăng phiên cuối tháng 2, song nhà đầu tư vẫn đặt câu hỏi: Thị trường còn diễn biến tiêu cực hơn nữa hay không khi mà giới phân tích chung nhận định, VN-Index vẫn trong đà giảm với rủi ro kéo dài.
Tuy nhiên, nhìn lại dữ liệu lịch sử phần nào có thể giúp nhà đầu tư bớt lo lắng, bởi tháng 3 hàng năm thường là khoảng thời gian mang tới tâm lý phấn chấn cho nhà đầu tư.
Thống kê trong 22 năm lịch sử, VN-Index có đến 16 lần tăng điểm vào tháng 3. Với tỷ lệ hơn 72%, tháng 3 là tháng TTCK có xác suất tăng điểm cao nhất trong năm dù biên độ thường không lớn. Trong khoảng hơn 1 thập kỷ trở lại đây, các lần VN-Index tăng điểm trong tháng 3 đều không quá 5%.
Mặt khác, dù xác suất giảm không cao nhưng phần lớn những lần VN-Index mất điểm trong tháng 3 đều rất đáng kể. Đặc biệt vào tháng 3/2020, chỉ số giảm đến gần 25% trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Việt Nam. Nhưng về cơ bản, Covid-19 là một sự kiện “thiên nga đen” và không mang tính chu kỳ hàng năm.
Khó dự báo trong ngắn hạn
Nhìn chung, tháng 3 hàng năm là khoảng thời gian đầy ắp thông tin trên TTCK khi mùa Đại hội cổ đông đến gần. Theo đó, các kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư, phương án chia cổ tức, tăng vốn,... cũng sẽ dần được hé lộ trong tài liệu họp.
Tuy nhiên, trong năm nay, e rằng những luồng thông tin này có thể trở thành cơn gió ngược đối với thị trường, bởi thực tế bức tranh kế hoạch lợi nhuận 2023 chỉ mới dần hé lộ, khi số lượng các doanh nghiệp công bố kế hoạch là chưa nhiều. Đáng nói, phần lớn đều đặt chỉ tiêu tăng trưởng khá thận trọng, trong đó không ít doanh nghiệp thậm chí dự kiến đi lùi so với kết quả năm 2022.
Ngoài ra, cuộc họp quan trọng của Fed diễn ra vào 21-22/3 sẽ quyết định tăng/giảm/giữ nguyên lãi suất và điều tiết cung tiền thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO). Hơn nữa, cuộc họp tới đây cũng sẽ có tóm tắt dự báo kinh tế Mỹ sau cuộc họp, giúp gợi mở quan điểm của Fed về chính sách tiền tệ trong thời gian tới.
Động thái của Fed sẽ có tác động nhất định đến dòng vốn trên thị trường tài chính toàn cầu. Một chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, hoặc ít nhất là không quá thắt chặt có thể giúp kích thích dòng tiền đổ vào các thị trường mới nổi trong đó TTCK Việt Nam cũng không ngoại lệ. Đây là một thông tin quan trọng đặc biệt trong giai đoạn dòng vốn ngoại đang có dấu hiệu “quay xe” khi bán ròng hàng chục phiên liên tiếp gần đây, sau giai đoạn mua ròng ồ ạt. Thậm chí, dòng tiền còn chính thức rút khỏi các ETF sau 5 tháng vào ròng.
"Điều quan trọng nhất là động thái của Fed, bởi Ngân hàng Nhà nước sẽ có những phản ứng khi Fed tăng hay giảm lãi suất để đảm bảo giá trị tiền đồng và tỷ lệ lạm phát. Nếu Fed tăng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải tăng lãi suất hoặc bán dự trữ ngoại hối, từ đó sẽ tác động đến lợi suất trái phiếu, giá cổ phiếu", ông Barry David Weisblatt, Giám đốc Chiến lược đầu tư, Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) chỉ ra.
Như vậy, trước những luồng thông tin trái chiều, rất khó để dự báo chính xác thị trường sẽ biến động ra sao trong tháng 3, ngay cả với những chuyên gia hàng đầu.
Ông Petri Deryng, nhà sáng lập và quản lý quỹ Pyn Elite Fund cho rằng, kỳ vọng lạm phát và quyết định lãi suất ở Mỹ dẫn dắt tâm lý nhà đầu tư chung trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, nhiều vấn đề khác lại đóng vai trò quan trọng hơn. “TTCK Việt Nam không thể dự đoán trước trong ngắn hạn và nhà đầu tư lúc này cần kiên nhẫn”, người đứng đầu quỹ Pyn Elite cho hay.
Trong khi đó, xét theo phân tích kỹ thuật, các chuyên gia của Chứng khoán Tân Việt (TVSI) nhận định, VN-Index kết tháng 2 với cây nến giảm mạnh bao phủ gần hết cây nến tăng giá tháng trước đó, đi kèm thanh khoản giao dịch ở vùng thấp nhất hiện tại cho thấy, khả năng cao VN-Index sẽ phải kiểm tra lại vùng đáy trước đó một lần nữa.
“TTCK tháng 3 vẫn sẽ gặp rất nhiều khó khăn và chỉ số sẽ khó chạm lại được vùng đỉnh 1.085 – 1.125 điểm trước đó. Xu hướng ngắn hạn của chỉ số vẫn là giảm điểm. Nhà đầu tư hiện tại không nên mua mới và nên canh hạ tỷ trọng cổ phiếu ngắn hạn khi có nhịp hồi phục”, TVSI dự báo.
Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//giao-dich/vn-index-se-ra-sao-trong-thang-3-1091084.html