VN-Index tăng hơn 16 điểm, hiện tượng lạ ở cổ phiếu Hải Phát
Chuỗi tăng của VN-Index kéo dài đến phiên thứ 5. Thị trường tiếp tục giao dịch sôi động, khối ngoại mua ròng tổng cộng 1.700 tỷ đồng, kéo dài chuỗi ngày mua ròng áp đảo trong tháng 11 này.
Sắc xanh tiếp tục áp đảo
Chứng khoán Việt Nam tiếp tục có thêm một phiên tăng điểm mạnh mẽ. VN-Index đóng cửa tăng 16,26 điểm lên 1.048 điểm. Đây cũng đã là phiên thứ 5 liên tiếp của chỉ số sàn HoSE. HNX-Index tăng 0,56 điểm (+0,27%), lên 208,79 điểm. UPCoM-Index tăng 0,49 điểm (+0,70%), lên 70,87 điểm.
Các mã tăng điểm áp đảo trên cả ba sàn. Toàn sàn có 509 mã tăng, 90 mã trần, trong khi chỉ có 206 mã giảm và 38 mã giảm sàn. Cổ phiếu bất động sàn - dòng đã rơi sâu tiêu cực giai đoạn trước hồi phục khá tích cực trong phiên hôm nay. Nhiều cổ phiếu nhóm này tăng kịch biên độ và đóng góp tích cực vào phiên hồi phục của chỉ số chung.
Trên sàn HoSE, VHM là đầu tàu góp tới 1,54 điểm tăng cho VN-Index. NVL tăng kịch biên độ và cũng nằm trong top 10 cổ phiếu tác động tích cực đến chỉ số. Tương tự, trên sàn HNX, cổ phiếu bất động sản như CEO, L14, IDJ, API tăng kịch trần và đều nằm trong nhóm góp nhiều điểm tăng nhất cho chỉ số chung.
Ngoài ra, cổ phiếu lớn của ngành ngân hàng, thép cũng đóng góp tích cực vào đang tăng trong phiên hôm nay như HPG, VCB, VPB, VIB, TCB, MWG... trên sàn HoSE hay PVI, NVB, BAB trên sàn HNX. Nhóm cổ phiếu bán lẻ hồi phục mạnh trên diện rộng. FRT, DGW, PET tăng kịch biên độ, trong khi ông lớn MWG cũng tăng 3%.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu dầu khí lại điều chỉnh đáng kể. GAS giảm 1,8% và là cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến VN-Index. Giao dịch ở nhóm cổ phiếu dầu khí khá phân hóa. Nhiều cổ phiếu vẫn tăng 3-4%. Giá dầu thế giới có sự hồi phục đáng kể trong phiên hôm nay sau nhiều phiên lao dốc. Thông tin dự trữ dầu thô của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến và cuộc họp OPEC+ sắp tới vào ngày 4/12 dự kiến giữ nguyên thậm chí cân nhắc cắt giảm được giới đầu tư quan tâm và tác động khá tích cực đến hàng hóa này.
Trên sàn HNX, cổ phiếu của Thaiholdings quay đầu giảm tới 7,42% sau 2 phiên hồi phục trước đó và là nguyên nhân chính kéo lùi đà tăng của HNX-Index.
Khối ngoại tiếp tục mua ròng cả ngàn tỷ, hiện tượng lạ ở Hải Phát
Thị trường tiếp tục giao dịch sôi động. Thanh khoản đã tăng lên đáng kể trong các phiên gần đây. Lực cầu đến từ khối ngoại và dòng tiền đổ vào các cổ phiếu vốn hóa lớn đã tạo tiền đề tích cực lan tỏa sắc xanh đến khắp thị trường.
Trên sàn HoSE, giá trị giao dịch đạt 17.764 tỷ đồng, trong đó, riêng nhóm VN30 chiếm tới 35% giao dịch. Các nhà đầu tư nước ngoài chi 2.928 tỷ đồng mua cổ phiếu, trong khi bán ra 1.290 tỷ đồng. Giá trị mua ròng lên tới 1.640 tỷ đồng.
Tính chung cả ba sàn, thanh khoản thị trường đạt 19.330 tỷ đồng với 1,28 tỷ cổ phiếu chuyển nhượng. Khối ngoại mua ròng tổng cộng 1.700 tỷ đồng, kéo dài chuỗi ngày mua ròng áp đảo trong tháng 11 này.
Cổ phiếu HPX của Hải Phát bất ngờ trở thành cổ phiếu hút dòng tiền mạnh nhất sàn. Tổng cộng đã có 165 triệu cổ phiếu khớp lệnh tương đương giá trị 1.397 tỷ đồng. Giao dịch phiên hôm nay đã khiến hơn 52% cổ phiếu HPX lưu hành đổi chủ. Trước phiên giao dịch đột biến này, HPX đã có chuỗi giảm sàn liên tục từ 11/11 với dư bán giá sàn lớn. Đã có thông báo bán giải chấp cổ phiếu Chủ tịch HĐQT Đỗ Quý Hải từ Mirae Asset ( 3,8 triệu cổ phiếu) và Chứng Khoán KBSV (hơn 1,1 triệu cổ phiếu). Tuy nhiên, trước đó, hai anh em ông Đỗ Quý Hải lại có thông báo đăng ký mua vào tổng cộng 10 triệu cổ phiếu.
Thống kê số lệnh đặt mua cho thấy số lệnh đặt bán chưa đến 690 lệnh nhưng số lệnh mua lên tới 46.721 lệnh. Trong cơ cấu cổ đông hiện tại, ông Đỗ Quý Hải là cổ đông lớn nhất sở hữu 40% vốn Hải Phát. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng, lượng cổ phiếu bán ra trong phiên giao dịch khủng hôm nay có cổ phiếu của Chủ tịch công ty dù chưa thực hiện đăng ký giao dịch. Ngoài ra, khối ngoại cũng là bên bán mạnh cổ phiếu này thu về hơn 300 tỷ đồng. Ngoài giao dịch nhiều nhất phiên, HPX cũng là cổ phiếu bị khối ngoại “xả” nhiều nhất.