VN-Index tiếp tục chịu áp lực giảm điểm
Trong phiên giao dịch hôm nay 15/3, VN-Index sẽ có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.035 – 1.040 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.025 – 1.030 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường là đi ngang với biên độ hẹp 1.030 – 1.050 điểm
VN-Index mở đầu phiên 14/3/2023 giảm điểm, sau đó áp lực bán tiếp tục gia tăng mạnh, mở rộng sang nhiều mã, nhóm mã và kéo dài cho đến cuối phiên. Kết phiên giao dịch ngày 14/3, VN-Index giảm 12,67 điểm (-1,20%) về mức 1.040,13 điểm, khối lượng giao dịch gia tăng so với phiên trước thể hiện áp lực bán mạnh hơn. VN30 giảm 12,72 điểm (-1,21%) về mức 1.037,35 điểm, HNX-INDEX giảm mạnh hơn -3,30 điểm (-1,60%) về 202,55 điểm, UpCom giảm 0,61 điểm (-0,80%) về 75,77 điểm. Thanh khoản trên 02 sàn HOSE, HNX đạt 11.576,22 tỉ đồng, trên mức trung bình, tương ứng với 675 triệu cổ phiếu được giao dịch.
Khối lượng giao dịch gia tăng so với phiên trước, nhưng giá trị giao dịch giảm, thể hiện áp lực bán nhiều, mở rộng ở nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ và trung bình. Độ rộng thị trường trở nên tiêu cực hơn với VN-Index có 365 mã giảm điểm (5 mã giảm sàn), 56 mã tăng điểm (3 mã tăng trần). Với độ rộng thị trường tiêu cực, hầu hết các nhóm ngành đều giảm điểm mạnh. Trong đó, nhóm dầu khí, thép chịu áp lực bán mạnh. Nhóm cổ phiếu xây dựng, đầu tư công ngoại trừ LCG tăng 2,06% hầu hết đều chịu áp lực bán mạnh. Tương tự, ở nhóm cổ phiếu bất động sản ngoài VHM, PDR giữ được mức giá tham chiếu thì đều chịu áp lực bán mạnh như: DIG (-5,17%), DXG (-4,91%), HDC (-4,02%), SCR (-3,66%)... Nhóm cổ phiếu ngân hàng, tài chính chứng khoán cũng chịu áp lực điều chỉnh với khối lượng gia tăng như: EIB (-3,73%), BID (-2,59%),... HCM (-4,58%), MBS (-4,41%), BSI (-3,94%),...
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI), VN-Index kết phiên với cây nến giảm điểm với khối lượng giao dịch gia tăng so với bình quân 10 phiên gần nhất, cho thấy áp lực chốt lời gia tăng khi chỉ số chạm vùng kháng cự trong khung đi ngang. Điểm tích cực hiếm hoi trong phiên 14/3 là vẫn duy trì được lực cầu tại vùng tích lũy đi ngang tuần vừa qua ở quanh ngưỡng 1.030 điểm. Hiện tại, xu hướng ngắn hạn của thị trường là đi ngang với biên độ hẹp 1.030 – 1.050 điểm hay mở rộng hơn là khung 1.015 – 1.075 điểm và trung hạn là xu hướng sideway down kéo dài từ tháng 4 năm ngoái.
TVSI cho rằng, với việc thanh khoản đang dần gia tăng đột biến trở lại, thị trường sẽ sớm có chuyển biến về xu hướng ngắn hạn. Chỉ số cần vượt vùng 1.065 – 1.070 điểm để xác nhận trạng thái tích cực hơn bởi khi đó chỉ số sẽ thoát khỏi kênh giảm điểm trong tháng 2 vừa qua. Ngược lại, nếu tiếp tục hiện tượng dùng trụ đỡ đi kèm sự suy yếu với số mã giảm giá chiếm ưu thế như các phiên gần đây chỉ số dự kiến sẽ có nhịp kiểm tra lại vùng đáy đã được thiết lập trong tuần trước tại quanh ngưỡng 1.013 điểm.
“Với xu hướng ngắn hạn của chỉ số vẫn đang là đi ngang với tín hiệu chưa rõ ràng, nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng cổ phiếu ngắn hạn ở mức vừa phải và nên tránh mua mới ngay khi chỉ số vẫn đang ở sát vùng vùng kháng cự trên như hiện tại. Các điểm mua mới nên chia thành nhiều phần và chỉ nên diễn ra trong các phiên thị trường biến động mạnh và vẫn nên được chú trọng tại vùng hỗ trợ dưới của kênh đi ngang khu vực 1.020 điểm”, chuyên gia của TVSI nêu quan điểm.
Thị trường tiếp tục có quán tính giảm điểm trước khi tìm được vùng cân bằng mới
Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), thị trường ghi nhận một phiên giảm điểm khá với giá đóng cửa ở mức thấp hơn trung bình trong ngày, trong bối cảnh thanh khoản giảm nhẹ nhưng vẫn cao hơn trung bình 20 phiên. Điều này cho thấy bên bán đang tạm thời chiếm ưu thế, và xu hướng siêu ngắn hạn có dấu hiệu xấu đi. Do đó, khả năng thị trường sẽ tiếp tục có quán tính giảm điểm trước khi tìm được vùng cân bằng mới.
“Trong phiên giao dịch hôm nay 15/3, VN-Index sẽ có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.035 – 1.040 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.025 – 1.030 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày. Trong đó, vùng hỗ trợ là vùng có thể xuất hiện lực cầu giúp chỉ số phục hồi trở lại, và vùng kháng cự là vùng có thể xuất hiện lực bán khiến chỉ số giảm trở lại”, chuyên gia của ASEANSC dự báo.
Cùng quan điểm, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá, điểm tích cực của phiên 14/3 là chỉ số vẫn nằm trên đường trung bình động 100 ngày (MA100), tương ứng với vùng hỗ trợ 1.030-1.035 điểm. Đường MA100 sẽ tiếp tục đóng vai trò nâng đỡ cho chỉ số trong các phiên giao dịch sắp tới. Đường %K của chỉ báo Stochastic Oscillator đã cắt xuống dưới đường %D trong phiên giao dịch 14/3. Trong bối cảnh thị trường đang dao động trong kênh giá song song, tín hiệu từ chỉ báo động lượng này cho thấy chỉ số có thể vẫn chịu áp lực giảm điểm trong phiên giao dịch hôm nay 15/3. Vùng hỗ trợ của chỉ số nằm tại 1.030-1.035 điểm và 1.000-1.010 điểm. Vùng kháng cự của chỉ số nằm tại 1.065-1.075 và 1.095-1.110 điểm.
“Hoạt động mua ròng của khối ngoại sẽ hỗ trợ thị trường trong giai đoạn này, tuy nhiên thị trường sẽ thiếu vắng các yếu tố tạo động lực đi lên trước thời điểm cuộc họp của FOMC. Do vậy, khả năng thị trường sẽ có diễn biến điều chỉnh tích lũy trước thời điểm Fed có quyết định chính thức về lãi suất. Nhà đầu tư tiếp tục duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức hợp lý, tránh sử dụng margin và đẩy tỷ trong danh mục lên cao trong giai đoạn này. Các hoạt động trading có thể ưu tiên cổ phiếu có sẵn, tập trung các cổ phiếu có lực mua từ nhà đầu tư nước ngoài”, chuyên gia của BVSC khuyến nghị./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/vn-index-tiep-tuc-chiu-ap-luc-giam-diem-post1007456.vov