Thí điểm dự án hơn 2,6 tỉ đồng hỗ trợ trẻ khuyết tật

Hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM vừa triển khai thí điểm dự án hơn 2,6 tỉ đồng nhằm hỗ trợ cho trẻ khuyết tật trên địa bàn TP.HCM.

Ngày 25-2, Hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM tổ chức Hội nghị triển khai Dự án thí điểm thúc đẩy quyền của trẻ em khuyết tật tại TP.HCM. Dự án do một tổ chức thuộc Hội Hữu nghị Đan Mạch - Việt (DVA) tài trợ và được UBND TP.HCM phê duyệt ngày 23-1.

Theo đó, dự án có kinh phí hơn 2,6 tỉ đồng, sẽ thí điểm trong vòng 12 tháng, trên địa bàn phường 14, phường 15, phường Hưng Phú (quận 8); phường 1, phường 14, phường 19 (quận Bình Thạnh).

 Quang cảnh buổi hội nghị.

Quang cảnh buổi hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, bà Lương Thị Thuận, Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM cho biết dự án này được triển khai nhằm hỗ trợ nhóm trẻ khuyết tật trên địa bàn thành phố.

 Bà Lương Thị Thuận, Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM phát biểu tại hội nghị.

Bà Lương Thị Thuận, Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM phát biểu tại hội nghị.

“Thực tế hiện nay, nhiều trẻ khuyết tật đang gặp phải khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày và thường xuyên bị kỳ thị khiến các em không được đối xử công bằng như những trẻ em khác. Dự án của chúng tôi không chỉ nhằm mục đích cải thiện đời sống cho trẻ khuyết tật mà còn hướng đến việc xóa bỏ định kiến, tạo ra một môi trường hòa nhập và bình đẳng hơn.

Mặc dù mới chỉ là giai đoạn thử nghiệm, nhưng đây như một ngọn lửa nhỏ, mang hy vọng lan tỏa, tạo ra những thay đổi tích cực trong cộng đồng” - bà Thuận nói.

Theo bà Thuận, dự án sẽ tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ cần thiết cho các em, đồng thời tuyên truyền và nâng cao nhận thức trong cộng đồng về quyền lợi và nhu cầu đặc biệt của trẻ khuyết tật.

Nói thêm về các hoạt động hỗ trợ cho người khuyết tật, ông Nguyễn Văn Cử, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển năng lực người khuyết tật (DRD) cho biết trung tâm sẵn sàng đồng hành cùng hội trong việc hỗ trợ tư vấn kỹ thuật liên quan đến hướng nghiệp cho trẻ em khuyết tật.

 Ông Nguyễn Văn Cử, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển năng lực người khuyết tật (DRD).

Ông Nguyễn Văn Cử, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển năng lực người khuyết tật (DRD).

“Chúng tôi đã xây dựng một cuốn sổ tay chứa thông tin về các ngành nghề phù hợp với từng dạng tật, kèm theo các nguồn lực hỗ trợ giúp trẻ học tập và phát triển đầy đủ. Chúng tôi sẽ chuyển giao cuốn sổ tay này để hội có thể sử dụng trong công tác tư vấn cho trẻ khuyết tật.

Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ hội xây dựng các tài liệu truyền thông về quyền lợi của trẻ khuyết tật. Mục tiêu của chúng tôi là làm sao để các giải pháp này có thể tiếp cận rộng rãi. Chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ hội để thực hiện việc này” - ông Cử chia sẻ.

 Ông Nguyễn Văn Cử cho hay sẽ giao cuốn sổ tay nghề nghiệp và nguồn lực hỗ trợ người khuyết tật để Hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM thuận tiện hơn trong quá trình thí điểm dự án, nhất là trong công tác tư vấn cho trẻ em khuyết tật.

Ông Nguyễn Văn Cử cho hay sẽ giao cuốn sổ tay nghề nghiệp và nguồn lực hỗ trợ người khuyết tật để Hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM thuận tiện hơn trong quá trình thí điểm dự án, nhất là trong công tác tư vấn cho trẻ em khuyết tật.

Được biết, mục tiêu của dự án là nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo cơ hội phát triển cho trẻ em khuyết tật. Cụ thể, sẽ có 30 trẻ em khuyết tật được nhận học bổng hỗ trợ học tập; 25 trẻ được chăm sóc sức khỏe khẩn cấp.

Bên cạnh đó, 65 trẻ sẽ được mua bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn; 20 trẻ sẽ được cung cấp thiết bị chuyên dụng phục vụ nhu cầu học tập và sinh hoạt; 15 trẻ khuyết tật cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ pháp lý cần thiết.

Dự án còn tổ chức nhiều buổi sinh hoạt vui chơi, giải trí và diễn đàn dành riêng cho trẻ em khuyết tật, giúp các em giao lưu, học hỏi. Đồng thời, dự án còn tổ chức các lớp tập huấn và hội thảo nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ khuyết tật và bảo vệ quyền lợi trẻ em cũng sẽ được tổ chức, góp phần nâng cao nhận thức và sự quan tâm đối với nhóm trẻ em này.

HẢI NHI - ANH THƯ

Nguồn PLO: https://plo.vn/thi-diem-du-an-hon-26-ti-dong-ho-tro-tre-khuyet-tat-post836026.html