VN-Index vượt vùng đỉnh giá năm 2018; Dòng vốn ngoại trở lại và chuyện kỳ vọng nâng hạng

Trước kỳ nghỉ lễ, VN-Index duy trì đà tăng cùng khối lượng giao dịch tiếp tục neo ở mức cao. Mục tiêu nâng hạng thị trường một lần nữa được nhắc lại với thông tin mới từ Hội nghị đối thoại với nhà đầu tư quốc tế vừa tổ chức.

VN-Index tăng cả tuần, khép lại tháng 8 ở mức 1.224 điểm

Liên tục trong cả 4 phiên giao dịch ở tuần cuối cùng của tháng 8, cả ba chỉ số chứng khoán đều “băng băng” đi lên. VN-Index và HNX-Index đều cùng có 4 phiên tăng liên tiếp. Trong khi đó, chuỗi tăng của chỉ số sàn UPCoM đã kéo dài tới phiên thứ 6.

Thực tế, ở phiên mở cửa đầu tuần, các chỉ số chứng khoán vẫn còn giằng co rung lắc khá mạnh do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư sau nhịp giảm điểm mạnh nửa đầu tháng 8. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy liên tục xuất hiện và gia tăng tốt trong các phiên sau đó đã giúp cho chứng khoán Việt Nam liên tục có những phiên phục hồi tích cực.

VN-Index tăng 40,68 điểm (+3,44%) lên 1.224,05 điểm; HNX-Index tăng 2,82% lên gần 250 điểm. UPCoM-Index cũng đã trở lại trên 93,3 điểm, xóa đi toàn bộ “mất mát” của phiên bán tháo 18/8.

Với sự hồi phục mạnh trên, chứng khoán Việt Nam nằm trong top 10 thị trường giao dịch tích cực nhất tuần qua. VN-Index cũng vừa đi qua vùng đỉnh giá năm 2018.

VN-Index vượt vùng đỉnh giá năm 2018 và lấy lại gần hết mức điểm giảm phiên bán tháo 18/8/2023- Nguồn: Trading View

VN-Index vượt vùng đỉnh giá năm 2018 và lấy lại gần hết mức điểm giảm phiên bán tháo 18/8/2023- Nguồn: Trading View

Các cổ phiếu đóng góp tích cực nhất vào xu hướng tăng của VN-Index lần lượt là VCB, HPG, GVR, BID và FPT. Cổ phiếu Vingroup tiếp tục điều chỉnh sau giai đoạn đảm nhận vị trí dẫn dắt khá dài trước đó. Còn trên HNX, cổ phiếu SHS, VCS, PVS, MBS và IDC là 5 cổ phiếu góp nhiều điểm tăng nhất. Trong khi đó, đà hồi phục mạnh mẽ của UPCoM-Index có sự góp sức lớn của cổ phiếu VSF của Vinafood 2 dưới hiệu ứng giá gạo.

Khối ngoại trở lại mua ròng

Không riêng điểm số, thanh khoản thị trường tiếp tục đạt được mức cao. Trên sàn HoSE, khối lượng giao dịch bình quân đạt 932,81 triệu đơn vị/phiên, tăng 0,82% so với tuần trước với giá trị giao dịch bình quân đạt 20.936,29 tỷ đồng/phiên, tăng 4,78% so với tuần trước. Khối lượng giao dịch bình quân trên sàn HNX cũng tăng nhẹ 2,11% lên bình quân 109,22 triệu đơn vị/phiên, tương đương 2.113,70 tỷ đồng/phiên, tăng 10,14% so với tuần trước.

Khối ngoại giao dịch tích cực, đặc biệt ở phiên trước kỳ nghỉ lễ với giá trị mua tăng vọt lên 2.444 tỷ đồng trong khi bán ra 1.942 tỷ đồng, tương đương mua ròng 502 tỷ đồng. Tính chung cả tuần, khối ngoại giải ngân gần 1.015 tỷ đồng.

Khối ngoại mua ròng mạnh nhất cổ phiếu KDC với giá trị đạt xấp xỉ 300 tỷ đồng. Các nhà đầu tư nước ngoài tuần này cũng yêu thích một số cổ phiếu doanh nghiệp sản xuất khác như Hóa chất Đức Giang DGC (203 tỷ đồng), Gemadept- GMD (194,51 tỷ đồng). Cổ phiếu Chứng khoán VIX- VIX được khối ngoại mua ròng gần 5,4 triệu đơn vị trong phiên 31/8. Đây cũng là cổ phiếu được bổ sung vào danh mục của quỹ ETF ngoại FTSE Vietnam Index với lượng dự kiến mua ròng trên 12 triệu đơn vị. Theo lịch trình, hai nhóm chỉ số của FTSE và MVIS sẽ cần hoàn thành cơ cấu danh mục vào ngày 15/09, còn các chỉ số của MSCI đã hoàn thành cơ cấu vào ngày 31/08. Không loại trừ khả năng FTSE đang mua sớm cổ phiếu VIX để hoàn tất kỳ tái cơ cấu danh mục kỳ quý III. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu Chứng khoán SSI lại bị bán ròng mạnh nhất, gần 302 tỷ đồng. Một cổ phiếu tài chính khác là VPBank cũng là tâm điểm bán ròng của khối ngoại tuần qua (177 tỷ đồng).

Hé lộ giải pháp kỹ thuật tạm gỡ "nút thắt" ký quỹ trước giao dịch

Tại Hội nghị đối thoại với cộng đồng nhà đầu tư quốc tế chủ đề “Khai mở tiềm năng thị trường chứng khoán Việt Nam, bà Vũ Thị Chân Phương - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết cơ quan quản lý đang nghiên cứu các giải pháp trước mắt mang tính kỹ thuật để giảm thiểu các lo ngại của nhà đầu tư nước ngoài trong vấn đề ký quỹ trước giao dịch (prefunding).

Mục tiêu Việt Nam hướng đến nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2025 đã được đưa vào Đề án “Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”; đồng thời, cũng đã được đưa vào trong dự thảo “Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030”.

Tuy nhiên, vẫn còn 2 nhóm vấn đề trọng yếu cần tập trung cải thiện và có những biện pháp tháo gỡ nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán trong thời gian tới. Bao gồm yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding) và giới hạn sở hữu nước ngoài. Cả hai vấn đề này đều cần có sự phối hợp thiết thực của các cơ quan, bộ ngành có liên quan để tháo gỡ, như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch Đầu tư.

Theo các nhà đầu tư, để có thể được nâng hạng, Việt Nam cần triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) đã được quy định trong Nghị định 155/2020/NĐ-CP, trong đó ngân hàng lưu ký phải được là thành viên thanh toán bù trừ và công bố đầy đủ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hạn chế tiếp cận và chỉ hạn chế sở hữu nước ngoài đối với những ngành thực sự cần thiết.

Đối với vấn đề prefunding, khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép, thì giải pháp triển khai hệ thống CCP trong đó ngân hàng lưu ký phải là thành viên bù trừ (bên cạnh các thành viên bù trừ là các công ty chứng khoán) là phương án tối ưu để xử lý vấn đề yêu cầu ký quỹ trước giao dịch.

Theo lãnh đạo UBCKNN, giải pháp kỹ thuật nhằm giải quyết tình thế trước mắt còn về lâu dài, CCP phải được triển khai, trong đó các ngân hàng lưu ký cũng là thành viên bù trừ bên cạnh các công ty chứng khoán, Điều này cần sự cho phép từ phía Ngân hàng Nhà nước.

UBCKNN mạnh tay xử phạt giao dịch mua/bán chui cổ phiếu

Ngày 29/8/2023, UBCKNN ban hành quyết định xử phạt CTCP Huy Hoàng Holding 125 triệu đồng do không báo cáo về việc dự kiến giao dịch khi mua 350.000 cổ phiếu BIG của CTCP Big Invest Group. Công ty cổ phần Huy Hoàng Holding là tổ chức liên quan đến ông Võ Phi Nhật Huy – Chủ tịch Hội đồng Quản trị của CTCP Big Invest Group. UBCKNN không ban hành thêm hình phạt bổ sung với trường hợp này.

Cũng trong tuần qua, UBCKNN xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Huỳnh Minh Lâm – kế toán trưởng của Novaland cũng do mua/bán chui cổ phiếu. ông Lâm đã bán 603.790 cổ phiếu NVL vào ngày 28/7/2023 mà không công bố. Mức phạt tiền là 100 triệu đồng.

Ngày 30/8/2023, thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Khoáng sản Công nghiệp Yên Bái (mã YBM) với tổng mức tiền phạt là 120 triệu đồng.

Cụ thể, công ty bị phạt 60 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật các tài liệu gồm tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021; nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên số 23.10/2021/QĐ-ĐHĐCĐ ngày 23/10/2021; báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2022. Công ty cũng bị phạt 60 triệu đồng do công bố không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật. Tại Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2021, công ty chưa trình bày đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật các giao dịch với bên liên quan là Công ty cổ phần (CTCP) Nhựa Châu Âu, CTCP Pollyfill, CTCP Đầu tư và Phát triển Nhựa gỗ Châu Âu, Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Sản xuất và Thương mại Chân Thiện Mỹ.

Các công ty trên có cùng thành viên quản lý chủ chốt với công ty. Cụ thể: ông Hoàng Quốc Huy - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty, đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Nhựa Châu Âu, Chủ tịch HĐQT CTCP Polyfill, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Chân Thiện Mỹ; ông Nguyễn Đức Vũ - Thành viên HĐQT Công ty, đồng thời là Thành viên HĐQT CTCP Nhựa Châu Âu, Thành viên HĐQT CTCP Polyfill, Thành viên HĐQT CTCP Đầu tư và phát triển Nhựa gỗ Châu Âu; ông Huỳnh Song Trà - Thành viên HĐQT Công ty, đồng thời là Thành viên HĐQT CTCP Nhựa Châu Âu, Thành viên HĐQT CTCP Polyfill, Thành viên HĐQT CTCP Đầu tư và phát triển Nhựa gỗ Châu Âu, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Chân Thiện Mỹ.

Công ty của con gái Chủ tịch Địa ốc Hoàng Quân (HQC) chỉ mua được 5% tổng đăng ký

Công ty cổ phần Đầu tư Nam Quân, tổ chức liên quan của bà Trương Nguyễn Song Vân, Phó tổng giám đốc tại Địa ốc Hoàng Quân và cũng là con gái ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT tại Địa ốc Hoàng Quân đã mua vào 1 triệu cổ phiếu.

Con số trên chỉ tương đương 5% tổng lượng đăng ký 20 triệu cổ phiếu. Lý do được đưa ra do chỉ mua được 5% tổng lượng đăng ký do chưa sắp xếp được đủ nguồn tài chính.

Trước đó, từ ngày 24/5 đến 25/5, CTCP Việt Kiến Trúc, tổ chức liên quan ông Lý Quang Minh, Thành viên HĐQT độc lập Địa ốc Hoàng Quân đã bán toàn bộ 1.458.000 cổ phiếu HQC để giảm sở hữu từ 0,31% về còn 0% vốn điều lệ.

Từ ngày 25/5 đến ngày 1/6, bà Nguyễn Thị Diệu Phương, Phó chủ tịch HĐQT và là vợ ông Trương Anh Tuấn đã bán ra 18.189.834 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 18.189.840 cổ phiếu (3,82% vốn điều lệ) về còn 6 cổ phiếu (0% vốn điều lệ).

Gần đây, từ ngày 9/8 đến 11/8, ông Trương Anh Tuấn vừa bán ra toàn bộ 16.350.240 cổ phiếu HQC để giảm sở hữu từ 3,43% vốn điều lệ, về 0% vốn điều lệ. Cùng thời gian, Công ty TNHH Tập đoàn Hoàng Quân, tổ chức liên quan của ông Trương Anh Tuấn đã bán ra toàn bộ 3.078.328 cổ phiếu HQC để giảm sở hữu từ 0,65%, xuống còn 0% vốn điều lệ.

Như vậy, Chủ tịch HĐQT Trương Anh Tuấn cùng vợ và Công ty liên quan Tập đoàn Hoàng Quân đã bán ra gần như toàn bộ 37.618.402 cổ phiếu HQC, tương ứng khôgn còn sở hữu vốn từ mức 7,9% vốn điều lệ trước đó.

Thanh Thủy

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/vn-index-vuot-vung-dinh-gia-nam-2018-dong-von-ngoai-tro-lai-va-chuyen-ky-vong-nang-hang-d197768.html