VND bật trần khi VNDirect muốn phát hành 585 triệu cổ phiếu tăng vốn khủng
Ngay sau khi VNDirect công bố tờ trình phát hành tổng cộng gần 585 triệu cổ phiếu tăng vốn lên trên 18.000 tỷ đồng, cổ phiếu VND đã bật trần.
CTCP Chứng khoán VNDirect (HoSE: VND) vừa bổ sung tờ trình vào ĐHĐCĐ thường niên sắp tới với 4 phương án chào bán và phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ khủng.
Theo đó, phương án 1 là VND sẽ chào bán hơn 243,5 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho 1-5 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Số cổ phiếu này bị hạn chế trong 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Giá chào bán được xác định trên cơ sở căn cứ theo giá trị sổ sách và giá thị trường tại thời điểm thực hiện việc chào bán. ĐHĐCĐ giao và ủy quyền HĐQT căn cứ theo điều kiện thực tế tại thời điểm tổ chức thực hiện chào bán xác định giá chào bán cụ thể.
Số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán, VND sẽ dùng 20% để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ chứng khoán; 50% bổ sung nguồn vốn cho hoạt động đầu tư vào các giấy tờ có giá trên thị trường; 20% bổ sung nguồn vốn cho hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán; và 10% bổ sung nguồn vốn cho hoạt động phát hành và phân phối chứng quyền có bảo đảm.
Với phương án 2, VND chào bán hơn 24,3 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10,000 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị gần 244 tỷ đồng. Nguồn vốn thu được từ phát hành ESOP dự kiến sẽ được sử dụng để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh của Công ty.
Phương án 3, VND phát hành gần 12,1 triệu cổ phiếu thưởng cho người lao động. Nguồn vốn thực hiện được lấy từ nguồn vốn chủ sở hữu theo BCTC kỳ gần nhất được kiểm toán.
Với phương án 2 và 3, ĐHĐCĐ ủy quyền HĐQT quyết định cụ thể về việc hạn chế chuyển nhượng trên nguyên tắc chỉ được chuyển nhượng tối đa là 50% kể từ sau khi kết thúc thời hạn 1 năm kể từ thời điểm kết thúc đợt phát hành.
Cuối cùng là phương án 4, VND dự kiến chào bán hơn 234,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá bán 10,000 đồng/cổ phiếu tỷ lệ 5:1.
Mục đích chào bán nhằm tăng quy mô vốn hoạt động để mở rộng năng lực cho vay ký quỹ của khách hàng, năng lực kinh doanh nguồn trên thị trường vốn, năng lực bảo lãnh phát hành trái phiếu, năng lực phát hành và phân phối chứng quyền có bảo đảm, bổ sung vốn cho các hoạt động kinh doanh hợp pháp khác.
Theo VND, cả 4 phương án phát hành trên sẽ được thực hiện dự kiến trong năm 2023 hoặc năm 2024, sau khi có chấp thuận của UBCKNN.
Ngoài ra, tại tờ trình phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, VND dự kiến chia cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu với tỷ lệ 5%, tương ứng phát hành gần 61 triệu cổ phiếu.
Như vậy, VND sẽ xin ý kiến cổ đông phát hành tổng cộng gần 585 triệu cổ phiếu mới, qua đó nâng vốn điều lệ thêm 5.850 tỷ, từ hơn 12.178 tỷ đồng lên trên 18.000 tỷ đồng.
Ngay khi tờ trình này được hé lộ, cổ phiếu VND bật trần lên 19.300 đồng/cổ phiếu trong phiên ngày 6/6, ghi nhận mức cao nhất kể từ giữa tháng 9/2022 đến nay, và tăng tới gần 31% trong vòng 1 tháng qua. Khối lượng giao dịch bình quân từ đầu năm 2023 tới nay đạt hơn 22 triệu cổ phiếu mỗi phiên.
Trước đó, VND công bố tờ trình kế hoạch năm 2023 với mục tiêu nguồn thu từ dịch vụ chứng khoán giảm mạnh 35% về còn 860 tỷ đồng; Dịch vụ đầu tư tài chính lại nhích nhẹ 1% lên 1.620 tỷ đồng; Dịch vụ ngân hàng đầu tư tăng 4% lên 200 tỷ đồng; Riêng dịch vụ đầu tư nguồn vốn đột biến gấp 2,8 lần với 480 tỷ đồng.
Sau khi trừ các loại chi phí, VND dự kiến lãi sau thuế 1.600 tỷ đồng, tăng khá 17% so với năm 2022.
Trong năm nay, căn cứ vào tình hình thị trường, VND cho biết sẽ trình HĐQT về phương án phát hành trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền ra thị trường quốc tế vào báo cáo Đại hội đồng cổ đông về phương án và hồ sơ phát hành.