VNDirect báo lãi quý II tăng trưởng nhẹ, doanh thu từ tư vấn và tự doanh khởi sắc
Lợi nhuận sau thuế trong quý II của VNDirect (VND) đạt 369 tỷ đồng, tăng 7%.
CTCP Chứng khoán VNDirect (mã: VND) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2025, ghi nhận tổng doanh thu hoạt động đạt 1.698 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Điểm nổi bật trong kỳ là mức tăng trưởng đột biến từ mảng tư vấn tài chính - lĩnh vực đóng góp 109 tỷ đồng doanh thu, so với mức hơn 4 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Mảng môi giới chứng khoán cũng cho thấy tín hiệu tích cực, mang về 219 tỷ đồng doanh thu, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2024. Trong bối cảnh nhiều công ty chứng khoán ghi nhận sự sụt giảm trong hoạt động môi giới, kết quả này được xem là điểm sáng của VNDirect.
Lợi nhuận từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) đạt 140 tỷ đồng, tăng hơn 20%. Hoạt động bảo lãnh và đại lý phát hành chứng khoán mang lại 36 tỷ đồng doanh thu, cao gấp 6 lần so với cùng kỳ. Doanh thu từ dịch vụ lưu ký chứng khoán đạt 45 tỷ đồng, tăng 25%.
Tuy nhiên, trong khi nhiều công ty chứng khoán báo lãi đột biến từ hoạt động cho vay ký quỹ thì VNDirect lại ghi nhận thu nhập từ mảng này chỉ đạt 298 tỷ đồng, gần như không thay đổi so với cùng kỳ. Nguyên nhân là công ty không mở rộng thêm quy mô cho vay margin, giữ ở mức 10.400 tỷ đồng vào cuối quý II – giảm nhẹ so với thời điểm cuối quý I.
Đối với hoạt động đầu tư tự doanh, doanh thu từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 834 tỷ đồng, trong khi ghi nhận lỗ từ các khoản này là 456 tỷ đồng, qua đó mang lại khoản lãi thuần 378 tỷ đồng – tương ứng mức tăng gần 39% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận sau thuế trong quý II của VND đạt 369 tỷ đồng, tăng 7%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động của VNDirect đạt 2.956 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế giảm 22%, còn 751 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc chi phí trích lập dự phòng cho tài sản tài chính tăng mạnh, đồng thời công ty phải xử lý tổn thất từ các khoản phải thu khó đòi và lỗ do suy giảm tài sản tài chính. Ngoài ra, chi phí lãi vay cũng tăng đáng kể, lên tới 229 tỷ đồng – gấp 2,8 lần so với cùng kỳ.
Tính đến ngày 30/6/2025, khoản dự phòng cho các khoản phải thu khó đòi của VNDirect đã tăng lên 342 tỷ đồng, tăng 77% so với cuối năm 2024. Các khoản phải thu này chủ yếu liên quan đến Tập đoàn Trung Nam và một số công ty có liên quan, với tổng giá trị hơn 1.800 tỷ đồng – tăng hơn 1.400 tỷ đồng chỉ sau 6 tháng.
Tổng tài sản tại thời điểm cuối quý II/2025 đạt hơn 47.900 tỷ đồng, tăng hơn 3.600 tỷ đồng so với đầu năm nhưng lại giảm hơn 2.000 tỷ đồng so với cuối quý I. Ngoài hoạt động cho vay margin, công ty còn đầu tư mạnh vào tài sản tài chính FVTPL với giá trị 20.711 tỷ đồng (giảm gần 5.500 tỷ đồng sau một quý) và tiền gửi có kỳ hạn, đạt hơn 8.900 tỷ đồng (tăng hơn 1.700 tỷ đồng so với quý trước).
Tài sản FVTPL của VNDirect chủ yếu là trái phiếu, với quy mô hơn 12.100 tỷ đồng – giảm hơn 2.600 tỷ đồng trong quý II. Bên cạnh đó, công ty cũng đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng vào chứng chỉ tiền gửi, thấp hơn 2.200 tỷ đồng so với quý trước.
Danh mục cổ phiếu và chứng chỉ quỹ ghi nhận giá trị gốc hơn 2.700 tỷ đồng, với khoản lỗ tạm thời hơn 40 tỷ đồng. Trong đó, hai cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn là VPB (516 tỷ đồng, tạm lỗ 45 tỷ đồng) và HSG (484 tỷ đồng, tạm lỗ 40 tỷ đồng). Cả hai mã này mới xuất hiện trong danh mục đầu tư có trọng số cao của công ty. So với quý I, VNDirect đã giảm tỷ trọng nắm giữ VPB, đồng thời thay thế hai mã ngân hàng STB và CTG bằng HSG.