VNeID - khắc tinh của tội phạm

Một trong những điểm mới được bổ sung trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng là việc xác định rõ: Bảo đảm an ninh con người, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước. Như vậy, việc đảm bảo cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân là mục tiêu cuối cùng và tối thượng của Đảng. Thực hiện quan điểm nêu trên, Bộ Công an vừa đưa vào ứng dụng phần mềm phục vụ đăng ký, quản lý định danh và xác thực điện tử, còn gọi là phần mềm 'Ứng dụng định danh điện tử' - VNeID.

Ngay sau khi áp dụng vào thực tiễn, phần mềm này đã nhận được sự đồng tình cao của cộng đồng, vì những tiện ích mang lại cho người dân rất lớn, nhất là trong việc tố giác tội phạm để bảo vệ an ninh trật tự xã hội.

Tiện ích đối với người dân

Ngày 8-11-2021, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 34/2021/QĐ-TTg quy định về định danh và xác thực điện tử trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân (CCCD) và cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh. Theo quyết định này, công dân từ đủ 14 tuổi trở lên đăng ký tài khoản định danh điện tử thông qua ứng dụng định danh điện tử. Ứng dụng VNeID của Bộ Công an với nhiều tiện ích bảo đảm chính xác, tiện lợi và thông tin của công dân được bảo mật... Theo đó, người dân sau khi kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 1/mức 2 thành công thì có thể đăng nhập và sử dụng các chức năng, tiện ích trên ứng dụng VNeID với 3 tính năng nổi bật: Tố giác tội phạm, thay thế giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế hay sổ hộ khẩu khi thực hiện các giao dịch hành chính, dân sự.

Tổ công nghệ thông tin TP. Đồng Xoài hướng dẫn thành viên tổ công nghệ số cộng đồng cách sử dụng, tạo tài khoản VNeID; truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia - Ảnh: N.T

Đối với chức năng là ví giấy tờ, thông báo lưu trú, tố giác tội phạm… sẽ giúp công dân có thể thay thế CCCD gắn chíp và các loại giấy tờ đã đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng VNeID như: giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế… Như vậy, khi người dân giao dịch hành chính sẽ giảm tối đa giấy tờ phải mang theo, đồng thời thực hiện các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, chuyển tiền… Về giải quyết dịch vụ công trực tuyến, gồm: Thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng… sẽ tự điền thông tin vào các biểu mẫu đăng ký mà không phải khai báo, điền thông tin nhiều lần giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai, giảm nhiều khâu thủ tục cần giải quyết.

Về phòng, chống tội phạm, công dân có thể tố giác đối với cơ quan có thẩm quyền về các hành vi, gồm: Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng; Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông; Tội cố ý gây nhiễu có hại; Tội cưỡng bức lao động; Tội bắt cóc con tin; Tội đăng ký hộ tịch trái pháp luật;… Điều đáng ghi nhận là với phần mềm này, từ trang chủ, nếu người tố giác biết rõ địa điểm xảy ra, hệ thống sẽ tự động gửi hồ sơ tố giác, tin báo tới cơ quan công an phụ trách địa bàn đó để tiếp nhận và xử lý hồ sơ. Trường hợp người tố giác không biết rõ địa điểm xảy ra vụ việc thì chọn ô “Không rõ địa điểm xảy ra vụ việc”. Sau đó, hệ thống sẽ mặc định là hồ sơ tố giác, tin báo sẽ gửi tới cơ quan công an nơi công dân đang thường trú.

Ngăn ngừa tội phạm từ sớm, từ xa

Với phần mềm VNeID, nếu người tố giác muốn chuyển thông tin của mình đến cơ quan công an khác tiếp nhận để phù hợp tình huống thực tế thì ấn nút “Đổi cơ quan công an tiếp nhận”. Hệ thống sẽ hiển thị thêm trường để người tố giác chọn cơ quan công an sẽ tiếp nhận hồ sơ. Đặc biệt, nếu người tố giác muốn giữ bí mật thông tin của mình thì chọn ô “Ẩn danh”. Hệ thống sẽ đánh dấu người dùng muốn ẩn thông tin của mình và hiển thị thông báo. Trong nội dung phần mềm này, Bộ Công an cũng cam kết rõ: Toàn bộ thông tin của người tố giác được bảo mật, không chia sẻ cho bất kỳ cá nhân, đơn vị, tổ chức nào trong quá trình tố giác tội phạm. Tuy nhiên, người tố giác cũng phải cam kết “Tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật về lời khai ở trên” trước khi xác nhận lại các thông tin trong hồ sơ tin báo, tố giác là đúng sự thật.

Như vậy, VNeID có tính năng tố giác tội phạm rất tiện ích và mang tính bảo mật thông tin cao. “Tố giác tội phạm” được xem xét như một nghĩa vụ bắt buộc của công dân phát sinh ngay sau khi một người biết, phát hiện hành vi phạm tội của người khác. Nó thể hiện trách nhiệm của công dân trong việc phòng ngừa, đấu tranh, phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, vì e ngại bị phiền toái hoặc sợ bị “rước họa vào thân” do đối tượng phạm tội “trả thù”, nên trong thực tế không ít người đã cố tình làm ngơ và vô tình trở thành người phạm tội “không tố giác tội phạm”. Tuy nhiên, với việc Bộ Công an cam kết bảo đảm bí mật thông tin về người tố giác tội phạm không chỉ là nguồn động viên, khích lệ mà còn tạo điều kiện cho quần chúng không còn e ngại, lo sợ để sẵn sàng và tích cực tố giác tội phạm.

Nhờ đó không những nâng cao trách nhiệm công dân trong việc phòng, chống tội phạm mà còn thúc đẩy phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển sâu rộng. Vì thế, trong dư luận có nhiều ý kiến nhưng vấn đề đặt ra ở đây là để mọi người dân ứng dụng phần mềm này một cách hiệu quả thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải quyết liệt trong việc đôn đốc, chỉ đạo 100% cán bộ, công chức, viên chức, người dân nhanh chóng hoàn thành việc cấp CCCD gắn chíp và đăng ký tài khoản định danh trên ứng dụng VNeID.

Như Viên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/28/139027/vneid-khac-tinh-cua-toi-pham