Vở ballet kinh điển 'Người thợ cạo thành Seville' trở lại
Vở ballet kinh điển 'Người thợ cạo thành Seville' trở lại với khán giả Thủ đô vào tối 16.10, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, trong diện mạo hoàn toàn mới qua phần trình diễn vũ đoàn Artemis Danza.
Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Italy - Việt Nam, do Đại sứ quán Italy thực hiện.
Dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của biên đạo múa người Italy Monica Casadei, vũ đoàn Artemis Danza sẽ trình diễn vở ballet Người thợ cạo thành Seville, tác phẩm đứng đầu danh sách các bản ca kịch yêu thích của giới mộ điệu suốt hơn 200 năm kể từ ngày ra mắt, theo phong cách hậu hiện đại mới lạ và sáng tạo.
Được công diễn lần đầu năm 1815, Người thợ cạo thành Seville được cho là nỗi đau của Gioachino Rossini vì chỉ nhận được toàn chế giễu và phản ứng tiêu cực từ khán giả. Nhưng mọi chuyện thay đổi hoàn toàn ngay trong lần công diễn thứ hai. Tác phẩm trở thành một trong những vở ballet kinh điển hiếm hoi chỉ mang thuần mục đích giải trí.
Không bệnh tật hay chết chóc, không đau đớn hay lừa dối, vở diễn mang đến bầu không khí nhẹ nhàng và thư giãn tuyệt đối, để khán giả có thể hòa mình và phiêu cùng vở diễn, vui cười và hát vang.
Trên nền nhạc nhanh, dồn dập và vui nhộn, cuộc phiêu lưu của người thợ cắt tóc Figaro tinh nghịch dần được hé lộ.
Đó là hành trình Figaro vận dụng toàn bộ trí óc và mưu kế của mình để hỗ trợ Bá tước Almaviva đưa nàng Rosina xinh đẹp thoát khỏi người giám hộ xấu xa, để cô đến với tình yêu đích thực của đời mình.
Lần này, vũ đoàn Artemis Danza lựa chọn kể lại câu chuyện xưa theo phong cách hoàn toàn khác biệt, một phong cách được biên kịch Monica định nghĩa là vở ballet hành động mang hơi thở tương lai.
Vở diễn có sự kết hợp âm thanh, ánh sáng, trang phục đến chuyển động và biểu cảm của các vũ công nhằm đưa khán giả chìm vào sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, nơi có bầu không khí sôi động nồng nhiệt, có câu chuyện xưa vui nhộn nhưng đầy trớ trêu.
Đêm diễn không chỉ nhằm thúc đẩy giao lưu văn hóa - nghệ thuật giữa hai nước Italy - Việt Nam, mà còn là nỗ lực thu hẹp khoảng cách giữa nghệ thuật hàn lâm và công chúng, qua đó lan tỏa vẻ đẹp nghệ thuật và văn hóa Italy đến với khán giả Việt Nam.