Vỡ bàng quang do sử dụng rượu bia quá mức
Vỡ bàng quang do sử dụng rượu bia quá mức Việc sử dụng rượu bia quá mức làm tăng nguy cơ bí tiểu cấp, tổn thương niêm mạc bàng quang, thậm chí vỡ bàng quang.
Khi đi vui vẻ, khi về cấp cứu
Thời gian qua, không ít trường hợp lạm dụng rượu bia quá mức gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí có thể nguy hiểm tới tính mạng nếu không được xử lý kịp thời.
Cụ thể, tháng 6/2019, khoa Cấp cứu Bệnh viện Quốc tế Becamex tiếp nhận một bệnh nhân quê An Giang, còn rất trẻ, hơi thở nồng mùi rượu, có vết thương gót chân, cả người trầy xước và than đau vùng bụng dưới.
Các bác sĩ nhanh chóng sơ cứu vết thương ngoài da cho bệnh nhân và thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh. Kết quả siêu âm và CT cho thấy bệnh nhân bị vỡ bàng quang, trong ổ bụng nhiều dịch kèm nước tiểu và máu cục.
Hay vào cuối năm 2021, trường hợp bệnh nhân T. (29 tuổi) uống rượu say và trở về nhà. 2h sáng, anh T. muốn đi tiểu nhưng đau buốt và không thể đi nổi, anh đành cố chịu đến sáng để đi bệnh viện.
Sau khi lên bệnh viện huyện, anh T. được chuyển thẳng lên Bệnh viện Bạch Mai. Anh được chẩn đoán xác định là vỡ bàng quang - viêm phúc mạc, phải phẫu thuật.
Mới đây nhất, tháng 5/2022, Bệnh viện Nhân Dân 115 TP HCM tiếp nhận cấp cứu một trường hợp tai nạn hy hữu: nhậu xong rồi nôn ói đến mức vỡ thực quản, nguy kịch.
Ca tai nạn này là người đàn ông 46 tuổi vào Khoa Cấp cứu BV Nhân Dân 115 trong tình trạng nôn ói nhiều, đau bụng, khó thở. Trước đó, sau buổi tiệc trưa tại nhà, ông nôn rất nhiều lần, rồi đau bụng trên rốn, lan ra khắp bụng và khó thở. Đến chiều tối, tình trạng diễn tiến nặng nên được người nhà đưa đi cấp cứu.
Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm tụy cấp, chưa loại trừ thủng dạ dày tá tràng. Bệnh nhân được đặt thông dạ dày và chụp CT-scan bụng có cản quang. Kết quả cho thấy có thâm nhiễm mỡ ở 1/4 bụng dưới phải, bị rách tâm vị thực quản, diện rách rộng, gồ cao, đáy sâu.
Rượu bia gây tổn thương bàng quang như thế nào?
Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Tân Cương - Trung tâm Tiết niệu Thận học, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, rượu bia được hấp thu ở đường tiêu hóa, trong đó 20% tại dạ dày và 80% tại ruột non và đi vào máu.
Khi vào cơ thể, khoảng 10% lượng cồn từ rượu bia được đào thải qua nước tiểu, mồ hôi và khí thở. Bàng quang nằm dưới phúc mạc, sau khớp mu, chứa nước tiểu do thận bài tiết ra, tống xuất nước tiểu ra ngoài qua một ống dẫn nước tiểu gọi là niệu đạo. Khi uống nhiều rượu bia sẽ ảnh hưởng đến bàng quang theo nhiều cách khác nhau.
Rượu bia là chất lợi tiểu mạnh làm cho thận tạo ra nhiều nước tiểu và bàng quang mau chóng căng đầy, tăng số lần đi tiểu. Rượu bia còn là chất ức chế thần kinh làm cho bàng quang tống xuất kém do phản xạ đi tiểu bị ức chế, do đó làm tăng nguy cơ bí tiểu cấp và dễ bị tổn thương khi có chấn thương. Ngoài ra rượu bia có tính axit nên dễ gây kích thích bàng quang và tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.
Bác sĩ Tân Cương khuyến cáo thêm, tại Việt Nam nhiều trường hợp vỡ bàng quang sau khi uống rượu bia do bàng quang chứa nhiều nước tiểu, nhưng thành bàng quang mỏng và khi bị chấn thương, dù là một chấn thương rất nhẹ ở vùng bụng do té ngã hoặc tai nạn giao thông, cũng có thể làm vỡ bàng quang.
Bàng quang thường bị vỡ mặt sau gần vùng đỉnh, gây tràn nước tiểu vào ổ bụng. Sau một chấn thương, người bệnh đau bụng nhiều, có cảm giác mót tiểu nhưng không thể đi tiểu được là những dấu hiệu cảnh báo vỡ bàng quang.
Uống nhiều rượu bia có thể làm tăng nguy cơ bí tiểu cấp, đặt biệt ở nam giới lớn tuổi có tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt. Cơ chế đo nồng độ cồn trong máu cao gây ức chế vỏ não và một số trung tâm thần kinh điều khiển việc đi tiểu tiện, gây rối loạn ý thức nên người uống rượu bia giảm cảm giác buồn đi tiểu, dung tích bàng quang tăng, nhưng cơ bàng quang tống xuất yếu dễ dẫn đến bí tiểu cấp.
Cũng theo bác sĩ Tân Cương, rượu bia có thể làm tăng nguy cơ bệnh thận gấp 2 lần, niêm mạc bàng quang dễ bị tổn thương, và do đó về lâu dài có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư biểu mô bàng quang.
Bác sĩ Tân Cương nhấn mạnh, không chỉ liên quan đến các vấn đề về bàng quang và thận, rượu còn có thể dẫn đến hoặc làm trầm trọng thêm các bệnh lý liên quan đến nhiều cơ quan khác như thần kinh, huyết áp, tim mạch, đặc biệt bệnh gan mật...
90% lượng cồn trong bia rượu đi thẳng tới gan. Tại đây, cồn sẽ được các tế bào gan xử lý và tiến hành quá trình khử độc trước khi đào thải ra ngoài. Tuy nhiên, khả năng khử độc của gan không phải là vô hạn, các tế bào gan khỏe mạnh chỉ có thể lọc được một lượng cồn hạn định trong mỗi giờ, nếu nồng độ cồn nạp vào cơ thể quá cao thì đòi hỏi gan phải mất nhiều thời gian hơn nữa để xử lý chúng.
Người sau khi uống rượu, bia thường có cảm giác đau nhức đầu, nôn, mệt mỏi, về lâu dài ảnh hưởng đến não.
"Rượu, bia đều chứa chất cồn và xếp vào nhóm chất gây ung thư, có tác động lên hầu hết các cơ quan trong cơ thể nên việc sử dụng rượu, bia có nguy cơ gây ra các tác động tiêu cực đối với sức khỏe, xã hội, kinh tế. Do đó, hạn chế rượu bia vẫn là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe", bác sĩ Nguyễn Tân Cương khuyến cáo.
Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/vo-bang-quang-do-su-dung-ruou-bia-qua-muc-d182127.html