Vó bè
Bên kia sông, ngay sát mép nước nơi mố cầu xây gạch đã sụp nghiêng xuống dòng sông, đêm qua gió bấc về lúc nửa đêm, vợ chồng ông chài nghe như có tiếng ai rên ngoài sông nước.
Cả hai vợ chồng đều kém mắt. Nhà ông cất vó bè ngay bên mố cầu đã mấy chục năm nay, từ ngày còn giặc giã đến thời hợp tác xã đã ra đây. Đêm lúc gió bấc thình lình dồn về, ông bảo vợ: “Tôi nghe như có tiếng con gái gọi dưới sông, hay là con nó về?”. Bà lầm rầm: “Chả có ai gọi đêm hôm thế này đâu. Là do xương cốt của ông gặp gió lạnh đấy. Để tôi dậy lấy thêm cái mền bông”. Ông thở dài nhìn dòng sông qua phên nứa thủng lỗ chỗ nói: “Bà để tôi, ngã ra đấy thì khổ”. Bà bảo: “Ông tìm cái mền cũ ấy. Trời rét thế này, cá tôm nó chẳng đi ăn đâu, ông đừng kéo mất công”. Ông ậm ừ xục xịch khép cánh cửa tre tạm bợ, lục sục tìm cái mền bông cũ. Đưa cho bà tấm mền bông, ông chài giở mình mấy lượt bảo: “Bà cứ để tôi ra xem, rõ là có tiếng người”.
Vặn to cái đèn chai treo góc vách nhà, ông rờ rẫm đi ra ngoài. Tiếng gió đập phên nứa phành phạch và tiếng trèo trẽo của gọng vó căng lưới cản gió. Lắng nghe một lúc, nhìn bốn phía chả thấy gì ngoài màu tôi tối quen thuộc, ông chài tiến đến chiếc cọc chân thang treo đèn vào cái đinh thuyền rồi chậm rãi cởi chão hạ bè vó xuống sông. Ông lắng tai nghe ngóng một hồi, đang định xách đèn chui vào nhà thì nghe có tiếng người phía bên kia mố cầu: “Ông ơi, cứu cháu với!”. Ông định thần nơi phát ra tiếng kêu cứu, quả quyết xách đèn sang phía mố cầu bên kia. Tiếng kêu nhỏ lẫn trong gió phều phào: “Ông ơi, cứu cháu với!” lại thoảng lên. Ông chài đến sát tiếng kêu. Cặp mắt kèm nhèm của ông nhận ra ngay trong cái hốc sát mố cầu, một người bị mắc kẹt dưới ấy, giọng đàn bà con gái. Ông tiến lại bảo: “Khổ thân. Ai mà đêm hôm sa xuống đây thế?”. Người dưới hố giọng rất yếu vọng lên: “Cháu, cháu lạc đường... tưởng còn cầu định qua sông thì ngã xuống đây, ngã từ lúc chập tối”.
Căn nhà nhỏ bừng lên ngọn lửa. Bà đã dậy từ lúc nào, lục ra mớ quần áo cũ đưa cho cô gái. Cô gái được ngọn lửa sưởi ấm, thần sắc trở lại, bó gối nhìn hai ông bà già. Ông già ngồi hút thuốc lào nhả khói ra mờ mịt và im lặng. Rất lâu, ông bảo: “Cháu vào nằm với bà cho lại sức, ta ra kéo vó ở ngoài, trời này rạng đông cá nó cũng đi”. Bà trệu trạo: “Ừ, cháu vào đây với bà, có gì đến sáng hãy hay”. Cô gái lặng lẽ nhìn hai người rồi tiến về phía chiếc giường gỗ cũ kỹ nằm xuống. Ông khoác thêm cái áo bông to sù sụ, đội một cái mũ bông buộc kín dây xuống cằm, lũi cũi xách đèn chai với chiếc điếu cày ra ngoài.
Cô gái nhỏ như con mèo con rúc rúc vào nách bà một lúc là ngủ. Thỉnh thoảng cô giật mình ú ớ rồi lại thiếp đi ngay. Bà không sao ngủ được nữa. Ngoài kia, dòng sông Tấm quặn mình thở. Tiếng rít thuốc của ông chài và tiếng cá cựa loách choách trong giỏ vó dưới đáy sông.
Ông chài hạ cần vó xuống nhìn sang bên kia sông. Bên kia sông, mấy con cuốc ăn đêm chạy lạch xạch. Hôm nay cá đi thưa, dưới giỏ chắc chỉ mấy con cá nhép lười biếng ngủ quên dạt nước trôi vào.
Sau cái lần ông bảo bà đi, bà giận ông càng thương ông. Bà về làm bạn với ông cũng là vạn bất đắc dĩ, có một không hai trên cõi đời. Hồi ấy bà có mang con Tằm. Quê bà tít thượng nguồn con sông Tấm. Thuở ấy, bà đẹp lắm, đẹp nhất làng và tất nhiên bao nhiêu trai tráng trong vùng, cán bộ, viên chức xa gần ong bướm, lả lơi. Rồi thì kẻ sở khanh ấy xuất hiện, rồi hứa hẹn, rồi thề bồi để rồi cái gì đến đã đến. Gã họ sở biến mất để lại giọt máu nơi thảo dã. Cha bà, một lục lâm có tiếng ở vùng mà biết chỉ còn nước chết, chỉ còn nước thả bè chuối trôi sông. Người mẹ thương con sợ hãi hấp tấp đẩy ngay cô sơn nữ lên chiếc thuyền nan dúi vội ít tiền cứ thế bập bềnh xuôi sông Tấm tránh trận lôi đình của người cha gia trưởng. Hôm ấy, trời cũng rét và u ám. Ngày không mặt trời. Đêm không trăng sao, chỉ đìu hiu một màu nước xám. Khi đói lả và mệt mỏi sau mấy hôm lênh đênh trên sóng nước, bà đã để mặc kệ số phận của mình muốn trôi đi đâu thì đi thì gặp ông. Hôm ấy cũng nửa đêm, cũng như mọi bận ông đang bình thản kéo bè vó như bao đêm khác. Chỉ khác chiếc thuyền nan bỗng mắc vào rồi nằm gọn trong lưới. Ông ngạc nhiên vớ chiếc đèn chai bơi thuyền ra sông soi. Loay hoay mãi mới đưa được người phụ nữ lên bờ. Nấu cho bà ăn xong bát cháo thì trời sáng. Chưa kịp hỏi đầu đuôi câu chuyện, mấy anh cờ đỏ cùng một công an viên của hợp tác xã đã có mặt bên bè vó. Ông chủ động chào trước: “Mấy chú mua cá à. Đợi tôi một lát”. Người đàn ông lúng túng nhìn cô gái đang ở trên giường của mình với bát cháo cá chưa kịp phân bua gì thì một công an viên dường như muốn chứng tỏ nghiệp vụ đặc biệt của mình, vẫy mấy cờ đỏ ra hội ý rồi tiến đến trước mặt ông: “Anh quan hệ bất chính với ả này đã lâu. Bây giờ cơ sở cảnh giác báo lên. Mời anh đưa người lạ đến ủy ban thành khẩn khai báo”. Khai báo ư? Người đàn ông cố trấn tĩnh: “Các chú nói thế nào chứ? Cô ấy mới dạt vào đây. Người đang còn sốt lắm, đi sao được”. “Không cần biết. Muốn sống, muốn tốt thì lên ủy ban, không lằng nhằng”.
Rồi chuyện cũng được giải quyết đâu vào đấy. Người đàn bà ở với ông, nên vợ nên chồng. Không có ông, hẳn bà khó mà qua được, nào vượt cạn, nào vượt đói, nào điều tiếng, thị phi. Thế mà khi con Tằm mới lững chững, ông lại giục bà đi. Dạo ấy, bà giận ông suốt mấy tuần liền. Nhưng sau đấy, bà mới thấy là ông nói đúng...
Bà trở mình. Cô gái vẫn bằn bặt, thiêm thiếp chìm vào bao ngẫm ngợi. Một cái gì lan man, hiện rõ rồi vương vấn... Sau khi sinh con Tằm, người đàn bà bỗng hồi sinh. Bà đẹp lạ lùng sáng cả khúc sông. Bao nhiêu người lân la, kiếm cớ xuống với cái mố cầu đổ. Mấy đồng chí ủy ban thuyết phục ông để bà đến giúp văn phòng tiếp khách. Ông đồng ý. Rồi bà vào đội văn nghệ đi tập, đi diễn suốt ngày, ông lụi cụi nuôi con Tằm, chăm bẵm đón đưa đi nhà trẻ. Nó quấn ông lắm, nó là một cái gì không thể tách rời ông...
Ông hạ cần vó xuống. Lại tiếng thở dài của dòng sông Tấm và tiếng gió quẩn u u nơi cái mố cầu... Con Tằm. Nó lẫm chẫm trong bàn tay ông. Nó chèo lên vai ông đu nơi cánh tay cọ vào đám râu lợn cợn của ông rồi chỉ vào lòng sông, ngây thơ bảo: “Bố thả hết cá ra đi. Con thích xem cá bơi cơ!”. Ông chiều con bé. Ông treo lưới lên và bơi ra. Ông nâng giỏ đáy lục sục những cá rồi giơ lên cười lóa nhóa: “Bơi này, cá bơi này”. Con Tằm vỗ tay hoan hô ngậu xị. Ông chài dốc trọn vẹn giỏ cá xuống lòng sông. Lũ cá được phóng thích khỏi cái giỏ chật chội tối tăm, đua nhau vun vút trên mặt nước...
Bà lại trở mình nhìn ra phía vách ngoài. Sông Tấm lặng im, lóc bóc. Ngày ấy, đội văn nghệ của bà đi nhiều, đi quanh năm suốt tháng vì yêu cầu thi đua mà cũng vì bà một phần. Bà đẹp thế, lúng liếng thế nên có việc gì cấp trên rất hay ới xuống xã, thế là lại đi, lại xô vào ánh đèn sân khấu. Tay trưởng đoàn văn nghệ huyện đã nhiều lần quỳ lạy dưới chân bà, rồi hắn thề. Bà khinh khi mà sao sa vào vòng tay của y lúc nào không biết. Còn thẽ thọt với hắn: “Nhà em hiền lắm, còn bảo em tìm nơi, tìm chốn mà đi”. “Trời ơi, bỏ nó ngay đi! Anh sẽ cùng em trọn đời”. “Con còn bé?”. “Kệ nó. Con nó nó nuôi”. “Nhưng...”. “Không nhưng gì hết. Không lấy được em, anh nhảy xuống sông anh chết”. “Phỉ phui cái mồm”. Nói đến đấy thì người kia ớ ra...
Bà xin phép ông dọn đến ở với tay trưởng đoàn trên thị trấn. Ông khẽ khàng đồng ý xin được chăm sóc con Tằm. Lạ thế, đến bây giờ bà vẫn chẳng hiểu ông nghĩ gì khi ấy. Tại sao đồng ý, tại sao không? Ông vẫn thế, chiều chuộng bà, chiều chuộng con và mọi người, lầm lụi như con sông Tấm chảy bao năm trước mặt...
Bà thở dài. Không biết đã bao nhiêu năm rồi nhỉ, dạo bà đưa con Tằm lên thị trấn học cấp hai. Hôm ấy ông gắt với bà, khẽ thôi nhưng là gắt. Ông bảo: “Không khéo rồi hỏng mất con bé. Bà nên suy nghĩ cho kỹ. Tôi sợ lắm”. Bà gắt lại: “Con tôi, tôi muốn đem đi đâu thì đem. Ông lo thân ông. Già rồi. Lẩm cẩm”. Người đàn ông im lặng nhìn theo những đám mây xa cuối dòng sông. Con Tằm không chịu đi. Ông phải dỗ mãi nó mới thuận. Bến sông xưa lại quạnh quẽ như thuở người đàn bà chưa dạt vào.
Con Tằm đi. Một tuần ông không buồn động đến bè vó. Lũ cá suốt đêm ngày tũng toẵng trêu ngươi. Ông đem rượu ra mố cầu đổ ngồi một mình. Phía xa là chùa Giành, tiếng khánh tiếng mõ lanh canh, lốc cốc quất vào lòng sông Tấm.
Khi ông chài đã dần quên đi mọi việc thì mẹ con Tằm trở về. Đêm ấy, gió bấc mịt mùng như đêm nay. Ông không ngủ được, vặn ngọn đèn chai ngồi bó gối một mình. Bỗng có tiếng lạch xạch. Linh cảm mách bảo ông mẹ con Tằm về. Ông bình thản bảo: “Bà về đấy phải không? Bà chờ tôi một chút”. Rồi ông lập bập đứng dậy đi về phía cửa. Bà nhìn ông bật khóc. “Ông, tha lỗi cho tôi...”. Người đàn ông bỗng lúng túng ngay trên căn nhà mình ậm ừ: “Được rồi. Để tôi lấy cho bà chút nước ấm. Bà về một mình thôi à? Thế con Tằm đâu?...”.
Thế con Tằm đâu? Một câu hỏi bà chưa trả lời được ông đã năm năm, mười lăm năm và đến bây giờ. Từ ấy, ông ít nói lắm, cứ như là mấy lần ông định khơi ra cái chuyện này lại thôi. Có lần bà định bảo: “Nó hư lắm ông ạ. Tưởng chịu học, ai ngờ đua đòi, đàn đúm”. Thì bà lại mường tượng lời ông: “Đâu, dạo con bé ở đây với tôi ngoan lắm”. Lúc ấy bà sẽ gắt: “Ông thì biết gì, lúc nào cũng bênh con”. Ông nhịn bà đã thành quen. Lại một lần ông định hỏi: “Thế nó học có được hết phổ thông không, có thi vào đâu không?”. Nhưng ông đã đoán ra câu trả lời của bà: “Học gì cái của nợ ấy. Đú đởn hoang thai tôi mới ra nông nỗi này, con với cái nặng nợ”. Ông lại im. Ông nghĩ chắc là nó học hết phổ thông rồi, con bé vốn thông minh là thế. Còn hoang thai ư? Tại sao cơ chứ? Mà thôi, bà ấy nói thế biết thế chứ đã chắc gì. Ông tin thể nào cũng có ngày nó tìm về. Chắc chắn là như thế.
Vừng đông đã hừng lên mặt sông. Rất lạ lùng hôm nay lại ló ra một tí mặt giời. Người đàn ông kẽo kẹt kéo cao bè vó rồi dùng thuyền bơi ra phía giỏ cá đáy lưới. Trời ơi! Nặng trịch một giỏ những là chép là trê tũng toẵng dưới khoang thuyền. Ông bơi vào, bà đã chờ ông bên chân mố cầu đổ. Ông trao rổ cá cho bà hỏi: “Nó vẫn ngủ à?”. Bà gật gật: “Cứ để cho nó ngủ ông ạ, chắc là cô nàng đói ngủ. Tôi hâm lại nồi cháo, ông rửa ráy rồi vào ăn đi”.
Bà cắp rổ cá đi lẫn vào sương sớm về phía làng. Còn mình ông trong căn nhà nhỏ. Cô gái vẫn thiêm thiếp ngủ, vẻ mặt in rõ sự phong sương. Nước dãi nhểu ra trôi dạt lớp phấn lem luốc trên khuôn mặt rắn đanh. Ông nhìn cô gái rồi nhìn ra chiếc vó bè trong dòng sông Tấm qua phên liếp thủng lỗ chỗ.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/vo-be-656334