Vô bổ điểm nghề?
Cuối tuần vừa qua, học sinh lớp 12 thuộc nhiều trường THPT trên địa bàn TP Hà Nội đã tham gia kỳ thi nghề phổ thông. Theo thông báo của giáo viên chủ nhiệm các lớp, đây là một kỳ thi rất quan trọng, bởi các em sẽ được cộng điểm khuyến khích trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020- 2021.
Có nhiều nghề được tổ chức dạy và học trong các trường THPT, nhưng theo xu hướng chung có 2 nghề được học sinh lựa chọn nhiều nhất là Tin học và nghề Điện dân dụng. Học chiếu lệ nên thi mang tính chất rất hình thức.
Theo ghi nhận thực tế, ở các địa điểm thi, máy móc phục vụ thi Tin học ở nhiều trường rất cũ; nhiều bạn đăng ký nghề Điện dân dụng, nhưng lại sợ phải lắp ráp những thiết bị điện vì sợ…điện giật. Nhưng rồi rốt cuộc, đa phần học sinh đều đạt điểm tốt, ít bạn đạt điểm kém.
Tâm lý chung của học sinh xét tốt nghiệp là đều muốn thi nghề để được cộng điểm, và mặc định là sẽ được cộng thêm 2 điểm (tối đa). Theo quy chế xét tốt nghiệp THPT hiện hành, các thí sinh được cấp Giấy chứng nhận nghề loại Giỏi: 2 điểm; loại Khá: 1,5 điểm; loại trung bình: 1, điểm.
Như vậy rõ ràng việc học và thi chứng chỉ nghề trong các trường THPT hiện nay thực ra chỉ mang tính hình thức, nghĩa là người học nhăm nhăm hướng tới mục tiêu được cộng điểm xét tốt nghiệp THPT. Xét về khía cạnh phân luồng học sinh thì chưa đạt hiệu quả, nếu như không muốn nói là thất bại.
Trong khi mục tiêu của giáo dục nghề phổ thông nhằm hình thành cho học sinh một số kỹ năng cơ bản về nghề nghiệp, kỹ năng sử dụng công cụ và thực hành kỹ thuật để làm ra sản phẩm theo yêu cầu của giáo dục nghề phổ thông.
Nhiều học sinh cho biết học xong nghề thì kiến thức cũng quên hết nên chẳng ứng dụng được gì vào cuộc sống. Nực cười thay là không ít bạn nữ chọn nghề Điện dân dụng, khi được hỏi các bạn trả lời là được thày/cô tư vấn hướng nghiệp như vậy để dễ đạt điểm tối đa.
Lâu nay, môn nghề trong trường phổ thông không lấy điểm để xếp loại học lực học sinh. Trước đó, theo quy định của Bộ GDĐT, từ năm 2018, việc cộng điểm nghề để xét tuyển sinh vào lớp 10 THPT đã không còn được áp dụng.
Khi không áp dụng cộng điểm nghề đã khiến cho không ít học sinh và phụ huynh tiếc nuối, nhưng có lẽ đây lại chính là động lực để việc học và thi đi vào thực chất hơn. Nhiều người cho rằng, lẽ ra với thi tốt nghiệp THPT cũng nên sớm bỏ cộng điểm nghề để học sinh không chờ đợi điểm khuyến khích. Phải chăng đây là một cách chống điểm liệt cho học sinh chăng?
Dạy nghề cho học sinh là cần thiết nhưng mục đích chỉ để cộng điểm như hiện nay thì quá khập khiễng và lạc hậu. Thầy cô hướng nghiệp cũng chỉ để giúp học sinh có điểm cộng. Còn học sinh chỉ chọn học môn gì nhanh, gọn và dễ được điểm cao thì coi như việc học nghề là vô bổ…
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/vo-bo-diem-nghe-546928.html