Vô cảm trong đại dịch

Giữa đại dịch COVID-19 với bao nhiêu khó khăn, cuộc sống đảo lộn, không ít người lâm vào cảnh khốn đốn. Trong tình cảnh ấy, nhiều tấm lòng hảo tâm, nhiều bàn tay thiện nguyện đã đưa ra để chia sẻ với cộng đồng.

Mỗi người một cách làm, có người góp tiền, góp của, có người góp sức, góp công, vận động, quyên góp để chia sẻ với cộng đồng hay bộ phận chống dịch nơi tuyến đầu những vật dụng, phương tiện cần thiết…

Trong lúc cả nước gồng mình “chống dịch như chống giặc”, thì xảy ra sự vô cảm của một bộ phận người lợi dụng dịch bệnh để trục lợi cá nhân, sẵn sàng chiếm đoạt tiền của Nhà nước dành cho công tác chống dịch.

Điển hình của sự vô cảm và trục lợi từ dịch bệnh có lẽ là trường hợp ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội. Ông Cảm cùng với thuộc cấp và đồng phạm đã thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm thiết bị phòng chống dịch COVID-19. Cơ quan điều tra xác định, hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống COVID-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng 2,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối và CDC Hà Nội đã mua với giá 7 tỉ đồng, gấp 3 lần giá nhập!

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” tại Trung tâm CDC Hà Nội và khởi tố bị can, lệnh khám xét, lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Nhật Cảm và các đồng phạm.

CDC Hà Nội là đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, chỉ đạo và thực hiện các hoạt động chuyên môn về công tác y tế dự phòng; có trách nhiệm và hoạt động với mục đích làm giảm tỉ lệ mắc, tử vong do các dịch bệnh truyền nhiễm và không truyền nhiễm với toàn bộ người dân, giảm thiểu tác hại kinh tế, sức khỏe, thời gian do dịch bệnh gây ra, thông qua các hoạt động dự phòng tích cực, trên địa bàn Hà Nội.

Rõ ràng đây là tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, những người như ông Cảm và một số thuộc cấp sẽ rất đáng được xã hội ghi nhận, tôn vinh, nếu như không vì lòng tham đưa tay nhúng chàm, đang tâm trục lợi từ tiền của Nhà nước trong thực hiện phòng chống dịch. Ông Nguyễn Nhật Cảm có học hàm, học vị đến phó giáo sư, tiến sĩ.

Đáng buồn và lo ngại hơn, trong giới những người vô cảm và trục lợi từ dịch bệnh còn nhiều và thiên hình vạn trạng. Ông Cảm không phải là một ngoại lệ. Theo thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an, thời gian qua, cơ quan công an đã phát hiện 15 vụ sản xuất thiết bị y tế là hàng giả, hàng kém chất lượng, 98 cơ sở kinh doanh tăng giá bán thiết bị y tế, 50 trường hợp đầu cơ, găm hàng và hơn 100 vụ tàng trữ, vận chuyển trái phép không hóa đơn, chứng từ các trang thiết bị phòng chống dịch bệnh. Đây mới chỉ là những con số được phát hiện, số còn lẩn khuất thì chưa biết.

Tại Phú Yên, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện và xử phạt hành vi sản xuất khẩu trang không có giấy phép đối với Công ty TNHH Dược Tâm Hưng (tại 105 Nguyễn Thái Học, phường 5, TP Tuy Hòa).

Lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi cá nhân là không thể chấp nhận, là vi phạm pháp luật, mà những tình huống lợi dụng trong dịch bệnh thì càng gây phẫn nộ trong nhân dân. Thân làm cán bộ trong bộ máy nhà nước, hưởng lương từ tiền thuế do dân đóng góp, trong lúc người dân cả nước cùng chính quyền gồng mình chống dịch thì lại có những cán bộ thoái hóa, biến chất như ông Cảm. Người dân vẫn trăn trở rằng, còn có bao nhiêu cơ quan được sử dụng tiền ngân sách nhà nước để mua sắm trang thiết bị phòng chống dịch bệnh với... giá trên trời? Bao nhiêu người đã và đang lợi dụng dịch bệnh, ngấm ngầm các hoạt động đầu cơ, găm hàng, sản xuất hàng kém chất lượng để trục lợi...?

Rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, xử lý nghiêm minh, rốt ráo. Những kẻ vô cảm, lợi dụng quyền hạn, lợi dụng bệnh dịch để vun vén, trục lợi cá nhân phải bị pháp luật trừng trị và xã hội lên án. Cả nước đang gồng mình chống dịch như chống giặc, đã và đang khẳng định sự ưu việt, nhân văn và đạt được những kết quả tích cực ban đầu, đừng để những “con sâu” làm rầu nồi canh.

TRẦN QUỚI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/239155/vo-cam-trong-dai-dich.html