Vợ chồng Cơ Tu bắt núi rừng 'đẻ' cái ăn
Vợ chồng anh Phạm Đình Nhôm và chị Trần Thị Liên ở thôn Phú Túc, xã Hòa Phú (H. Hòa Vang, Đà Nẵng) đều là người Cơ Tu, vừa làm kinh tế giỏi, vừa nêu cao tâm nguyện giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Vợ chồng anh Phạm Đình Nhôm và chị Trần Thị Liên ở thôn Phú Túc, xã Hòa Phú (H. Hòa Vang, Đà Nẵng) đều là người Cơ Tu, vừa làm kinh tế giỏi, vừa nêu cao tâm nguyện giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Sinh ra trên vùng rừng núi, anh Nhôm và chị Liên cùng chung ý chí "phải bắt cái núi cái rừng nó đẻ ra cái ăn cái mặc". Qua tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nông nghiệp, anh chị xác định ở vùng núi này phải làm kinh tế theo mô hình vườn - chuồng - rừng. Đôi vợ chồng người Cơ Tu dốc sức phát dọn cỏ dại, trồng hơn 2 ha keo lá tràm, hồ tiêu và từng bước phát triển chăn nuôi bò. Đàn bò của anh chị con nào cũng to béo, hằng năm đều có bò thịt để bán. Trong khu vườn rộng gần 2.000m2, anh chị trồng nhiều loại rau cải, bầu bí, chuối lùn, tre lấy măng Điền Trúc và thường xuyên có thương lái đến mua. Những lúc nông nhàn, anh chị còn tranh thủ vào rừng cắt mây để bán. "Mình phải chọn bụi mây to rậm thì mới lấy được sợi mây dài và làm cật lực cả ngày mới bán được vài trăm ngàn đồng", anh Nhôm chia sẻ.
Chuyên cần, năng nổ lao động và chắt chiu tiện tặn trong chi tiêu, vợ chồng anh Nhôm đã làm được ngôi nhà khang trang, rộng rãi. Đáng trân trọng hơn, anh chị luôn tận tình trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ cây giống, hướng dẫn nhiều người vượt khó thoát nghèo. Từ đó, đã nhiều năm anh Nhôm, chị Liên được dân làng quý mến bầu làm trưởng thôn và tổ trưởng phụ nữ. Cả hai càng tích cực vận động mọi người ra sức lao động sản xuất, phấn đấu vươn lên, làm giàu chính đáng ngay trên đồi núi quê hương.
Đặc biệt, vợ chồng anh Nhôm hết sức chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Chị Liên thành thạo các điệu múa của người Cơ Tu như "tung tung da dá", "chen-chà-nua", "đô-da-con-cà-mân" và luôn nhiệt tình hướng dẫn cho lớp trẻ. Trong khi đó, anh Nhôm thường tập trung dân làng tại nhà Gươl vào các buổi tối để sinh hoạt hát múa tập thể. Tiếng chiêng tưng bừng, nhộn nhịp và những bài hát truyền thống của người Cơ Tu âm vang cả một góc rừng. Vợ chồng anh Nhôm thường xuyên nhắc nhở bà con chung tay góp sức gìn giữ bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc Cơ Tu. Những bài hát "Kết đoàn", "Đồi cao suối sâu"... lan tỏa khắp xóm thôn, thôi thúc mọi người "nắm chặt cái tay", "vui cái bụng", cùng nhau xây cái nhà ở, làm cái đường đi cho to hơn, đẹp hơn.
Theo chị Liên, các điệu múa thoạt nhìn cảm thấy khó học, nhưng khi đã hiểu lời, hiểu ý của nó thì mới thấy thật là nhộn nhịp, lôi cuốn và dễ nhớ. Chính vì vậy, chị luôn quan tâm giải thích cho con cháu hiểu được ý nghĩa của từng ca từ, từng động tác và đem hết tâm huyết để truyền dạy cho lớp trẻ.
Trong các buổi hát múa, hội hè, ngày lễ, người dân địa phương thường thấy vợ chồng anh Nhôm, chị Liên cùng mặc trang phục truyền thống. Anh chị còn tích cực tuyên truyền vận động dân làng mặc trang phục đồng bào Cơ Tu trong các dịp lễ hội. Trao đổi với chúng tôi, anh Nhôm say sưa nói về những nét đẹp trong cuộc sống gia đình, sinh hoạt làng bản và sự gắn kết của cộng đồng. Cụ thể như săn được một con thú rừng thì gọi cả làng đến chung vui, các thành viên trong gia đình không đánh mắng nhau, người vợ luôn tận tâm giúp chồng trong việc mặc quần áo... Như để minh chứng những điều anh Nhôm vừa nói, chị Liên tiếp lời: Cách ăn mặc của dân tộc Cơ Tu mà mình không hướng dẫn thì con cháu nhiều đứa cũng không biết, vì vậy, thế hệ người Cơ Tu lớn tuổi phải có trách nhiệm truyền dạy và khuyên bảo con cháu giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Với nhiều thành tích tiêu biểu, gia đình anh Nhôm vinh dự được Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng tặng Bằng khen. Vợ chồng anh Nhôm đã nhiều năm được chính quyền địa phương biểu dương là gương sáng về sản xuất - kinh doanh, xây dựng đời sống văn hóa, là cá nhân điển hình về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_221197_vo-chong-co-tu-bat-nui-rung-de-cai-an.aspx