Vợ chồng trẻ khởi nghiệp từ vườn chanh dây giống
Bén duyên với chanh dây hơn 10 năm, vợ chồng anh Bùi Thanh Ngọc và chị Lê Thanh Thủy Tiên (làng Hăng Ring, thị trấn Chư Sê) đã lai tạo thành công các giống cây chanh dây NTT One và NTT Gold, được nhiều nông dân gần xa tin tưởng, mua trồng.
Kể về cơ duyên với chanh dây, anh Ngọc cho biết: “Năm 2015, trong lúc đưa vợ đi giao hàng, tôi bắt gặp 1 vườn chanh dây rất xanh tốt. Lúc đó, tôi tự hỏi, tại sao người ta có thể trồng được vườn chanh dây đẹp như thế? Trong khi trước đó nhiều năm, bố mẹ tôi trồng loại cây này thì luôn bị bệnh và chết hàng loạt. Từ đó, tôi có ý tưởng gắn bó và tìm cách chinh phục được cây chanh dây”.

Xuất phát từ con số 0 nhưng anh Ngọc chị Tiên luôn nỗ lực học hỏi qua sách vở, báo đài, mạng xã hội và các hội thảo trong, ngoài tỉnh. Ảnh: H.H
Hiện thực hóa ý tưởng với 100 cây giống chanh dây đầu tiên, vợ chồng anh Ngọc chỉ có ý định trồng lấy quả bán để cải thiện kinh tế gia đình. Thế nhưng, nhờ việc chọn giống kỹ, chăm bón tốt nên vườn chanh dây của gia đình anh cho ra quả đều, đẹp và chất lượng. Nhiều người thấy thế đã đến hỏi mua cây giống về trồng.
Nắm bắt nhu cầu này, anh Ngọc đã bỏ công tìm hiểu, mày mò lai tạo cây giống chanh dây. Từ vài khách hàng ban đầu, tiếng lành đồn xa, anh Ngọc đã có được những đơn đặt mua đến hàng ngàn cây giống.

Toàn bộ giá thể để sản xuất cây giống đều được anh Ngọc nhập khẩu. Ảnh: H.H
Để cho ra giống cây đảm bảo chất lượng, vợ chồng anh quyết định di chuyển địa điểm dựng nhà lồng từ tổ dân phố 1 vào làng Hăng Ring, thị trấn Chư Sê. Từ khu nhà lồng rộng 1 sào, vợ chồng anh Ngọc tiếp tục mở rộng thêm 1 nhà lồng khác rộng 5 sào để ươm cây giống đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật. Việc cấy ghép cành cũng được anh thực hiện khép kín để kiểm soát độ ẩm, nhiệt độ, đảm bảo cho giống cây phát triển tốt.
Đến tháng 3-2023, vợ chồng anh Ngọc thành lập Công ty TNHH SX và TM Ngọc Thủy Tiên để phát triển sản xuất cây giống chanh dây và áp dụng quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn. Tuy nhiên, 1 tháng sau đó, thị trường giá chanh dây “tụt dốc không phanh", từ 17.000 đồng/kg xuống còn 3.000 đồng/kg (chanh múc), khiến cho nông dân trồng chanh dây và cả người bán cây giống lao đao.

Vợ chồng anh Ngọc chị Tiên (thứ 2, thứ 3 từ trái sang) tham gia các cuộc thi, phiên chợ để học hỏi về phát triển cây giống chanh dây Ảnh: NVCC
“Lúc ấy, hơn 50.000 cây giống đã đến kỳ xuất bán nhưng không có người mua, đành phải hủy bỏ. Dù tiếc của nhưng tôi vẫn quyết định kiên trì với nghề ươm cây giống và học hỏi để thay đổi cách làm. Tôi cũng dành nhiều thời gian tham gia các khóa học về kinh doanh và kỹ thuật cây trồng để nâng cao kiến thức”-anh Ngọc tâm sự.
Tiếp lời chồng mình, chị Tiên kể: “Những năm 2021-2022, Gia Lai được mệnh danh là "thủ phủ chanh dây". Bởi loại cây này cho giá trị kinh tế cao, dễ chăm sóc, vòng thu hoạch ngắn nên người dân đã chuyển đổi nhiều diện tích sang trồng chanh dây. Lúc đó, vợ chồng tôi mạnh dạn đầu tư, hoạt động hết công suất sản xuất cây giống của 2 nhà lồng. Rồi khi thị trường chanh dây điêu đứng, chúng tôi không dám nghĩ đến số tiền thiệt hại vì nó quá lớn. Vợ chồng chỉ biết động viên nhau thu hẹp quy mô vườn ươm để duy trì nghề với hy vọng thị trường sẽ phục hồi”.

Tất cả các đơn hàng đều được đóng khay, vĩ trong thùng để đảm bảo chất lượng cây về đến với nông dân. Ảnh: H.H
Sau "cú sốc" đó, anh chị bắt đầu lại bằng việc xây dựng thương hiệu cây giống cho chính mình. “Ngày trước, 2 vợ chồng cứ ươm, bán cây giống như các nhà vườn khác mà chưa hiểu việc bán hàng phải như thế nào. Đôi khi còn vô tình nhận hàng gia công số lượng lớn cho thương hiệu của người khác. Tháng 6-2023, tôi cùng chồng tự mày mò học hỏi về xây dựng thương hiệu, kể cả kỹ năng bán hàng trên mạng xã hội. Dần dần, mọi thứ cũng đi vào ổn định và gia đình đã có rất nhiều đơn hàng đi ngoài tỉnh”-chị Tiên cho hay.
Đồng hành cùng vợ chồng anh Ngọc từ những ngày đầu khởi nghiệp, chị Trương Thị Ninh (279 Hùng Vương, thị trấn Chư Sê) chia sẻ: “Tôi làm công cho vợ chồng anh Ngọc từ khi còn ươm cây giống bằng bầu đất đỏ đến nay đã chuyển sang ươm bằng giá thể nhập từ châu Âu. Trải qua nhiều đợt thăng trầm về giá cả, tôi thấy 2 vợ chồng rất chịu khó và đam mê với cây chanh dây. Mỗi năm, họ đều cải tiến thêm một cái mới để cho cây giống đạt chất lượng hơn”.
Theo anh Ngọc: Để có được 1 cây giống xuất bán, các công nhân phải thực hiện nhiều công đoạn như: ủ hạt, gieo hạt ra khay, đưa cây đủ điều kiện vào bầu đất lớn; chăm bón đến lúc cây đủ độ tuổi thì tiến hành ghép và đưa vào phòng ủ cây; khi cây đã liền vết ghép lại đưa ra ngoài chăm sóc cho đến khi cây giống có chiều cao, sức khỏe đạt chuẩn để xuất bán. Tất cả khâu sản xuất đều phải đảm bảo nghiêm ngặt các yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật.
Hiện nay, Công ty TNHH SX và TM Ngọc Thủy Tiên đang cung cấp ra thị trường trung bình 3.000-4.000 thùng cây giống chanh dây/năm với 4 loại giống gồm: NTT One, NTT Gold, Summit và Đài Nông 1 cho 5 tỉnh Tây Nguyên; đạt doanh thu 5-6 tỷ đồng/năm. Trong đó, NTT One và NTT Gold là 2 loại giống do vợ chồng anh Ngọc tự lai tạo. Công ty cũng tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 công nhân (4 công nhân là người dân tộc thiểu số) với thu nhập trung bình 250.000 đồng/ngày.
“Mặc dù có nhiều đơn đặt hàng từ miền Tây hay các tỉnh phía Bắc nhưng tôi không dám bán vì chưa hiểu rõ thổ nhưỡng, thời tiết và không biết giống chanh dây của mình có thể phát triển tốt ở các khu vực đó không. Những trường hợp này, tôi đã tư vấn cặn kẽ các thông tin liên quan và nếu họ vẫn có nhu cầu trồng thì sẽ gửi tặng giống để trồng thử. Khi đạt hiệu quả ổn định, họ có thể quay lại mua với số lượng lớn hơn. Quan trọng nhất, tôi vẫn muốn khách hàng nhận được giá trị thực của cây chanh dây”-anh Ngọc kiên định.