Vợ cũ không cho gặp con, tôi cắt tiền cấp dưỡng liệu có phạm luật?
Người chồng không có quyền từ chối cấp dưỡng nếu vợ hạn chế quyền thăm nom và ngược lại người vợ cũng không có quyền hạn chế thăm nom dù chồng chậm trễ cấp dưỡng.
Câu hỏi:
Vợ chồng tôi ly hôn cách đây 2 năm, có 1 con trai 9 tuổi do cô ấy nuôi. Từ khi ly hôn đến nay cô ấy tìm mọi cách cấm cản không cho cha con tôi gặp nhau, dù con có tới nhà ông bà nội chơi thì cô ấy cũng cấm con không được đi đâu với bố.
Tôi nhiều lần điện thoại yêu cầu được gặp con nhưng cô ta nhất quyết không cho gặp. Thế nhưng cứ đến đầu tháng là cô ta điện thoại hoặc nhắn tin đòi chuyển tiền cấp dưỡng, tôi chuyển chậm là nhắn tin cho ba mẹ tôi bóng gió sẽ không cho gặp cháu nữa,…
Tôi có nói với cô ta rằng, tôi sẽ chỉ đưa tiền chu cấp hàng tháng cho con khi được gặp con. Cứ được gặp con là tôi đưa trực tiếp tiền cho cháu. Cô ta không chịu và dọa kiện nếu tôi không chuyển tiền chu cấp đúng ngày.
Liệu tôi cứ nhất quyết giữ vững lập trường rằng chỉ khi được gặp, đón con đi chơi ít nhất 1 tháng 1 lần thì mới gửi tiền cấp dưỡng có được không?
Trong trường hợp cô ta không cho tôi gặp con, tôi không chuyển tiền cấp dưỡng cho con thì tôi có vi phạm pháp luật không?
Mục đích cuối cùng của tôi chỉ là được gặp con để bồi đắp tình phụ tử và để cháu hiểu rằng tôi yêu thương con. Tôi phải làm sao để cô ta phải thực hiện phán quyết của tòa về quyền thăm nom? Nếu tôi làm đơn kiện thì gửi cho cơ quan nào?
Trả lời:
Trường hợp hai vợ chồng có con chung dưới 18 tuổi thì tại bản án hoặc quyết định ly hôn tòa án sẽ quy định rõ: Ai là người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng cho con; bên còn lại sẽ có nghĩa vụ cấp dưỡng cũng như có quyền tự do thăm nom, chăm sóc, giáo dục con chung mà không ai được cản trở.
Cả hai bên đều có trách nhiệm tuân thủ bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án. Quyền thăm nom và nghĩa vụ cấp dưỡng là hai nội dung độc lập. Trong trường hợp này, anh không có quyền từ chối cấp dưỡng nếu vợ hạn chế quyền thăm nom và ngược lại người vợ cũng không có quyền hạn chế quyền thăm nom của chồng cho dù chồng chậm trễ thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
Người vợ có hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc con của chồng có thể bị xử phạt hành chính từ 5 đến 10 triệu đồng theo Điều 56 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Điều 56. Hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.
Người chồng từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng cũng có khả năng bị xử phạt hành chính từ 5 đến 10 triệu đồng theo Điều 57 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Điều 57. Vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật;
b) Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.
Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo quy định đối với các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.
Theo đó, bạn cần tiếp tục thực hiện việc cấp dưỡng cho con theo quy định tại bản án hoặc quyết định ly hôn và cố gắng thỏa thuận với vợ về thời gian, địa điểm thực hiện việc thăm con. Trường hợp không thỏa thuận được thì bạn có quyền thực hiện một trong các hành động pháp lý sau để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình:
Nộp đơn tới UBND cấp quận/huyện nơi vợ cư trú để xem xét xử phạt hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền thăm con của vợ theo quy định tại Điều 57, Điều 68 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Nếu bạn có căn cứ chứng minh vợ bạn không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nữa (ví dụ: không đủ điều kiện kinh tế, không đủ thời gian …để trực tiếp chăm sóc con) thì bạn có quyền nộp đơn khởi kiện ra tòa án cấp quận/huyện nơi vợ cư trú để yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Việc luôn có hành vi cấm cản thăm nuôi con cũng có thể được tòa án xem xét như là một cơ sở để bạn khởi kiện thay đổi quyền nuôi con. Lưu ý rằng, đối với trường hợp con chung của bạn đã 9 tuổi thì tòa sẽ xem xét tới nguyện vọng của con mong muốn ở với bố hay với mẹ, cùng các điều kiện khác.
Luật sư Trần Hữu Thung – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội