Vợ điều trị ung thư giai đoạn cuối, mấy người làm được như người chồng này
Là một bác sỹ, ngày nào cũng tiếp xúc với người bệnh, đã quen chứng kiến quy luật sinh - lão - bệnh - tử, cho nên đến bây giờ có rất ít chuyện khiến tôi cảm động.
Thế nhưng trường hợp này thì khác...
Hôm đó, tôi tiếp nhận một bệnh nhân bị mắc bệnh ung thư vú, khoảng hơn 50 tuổi. Bệnh đã ở giai đoạn cuối, di căn tới phổi, nên việc phẫu thuật cũng không còn mấy ý nghĩa. Theo đánh giá của tôi, người bệnh này không cần phải tốn tiền tới bệnh viện làm gì. Trái lại, chị nên ăn những món ăn mà mình thích, đi du lịch những nơi mình muốn thì hợp lý hơn. Khi nói ra những điều này với người chồng, tôi nhận thấy anh thật sự rất đau lòng và suy sụp, ánh mắt thất thần của anh lúc ấy đã khiến tôi cảm thấy áy náy vô cùng.
Khi tôi đang nghĩ cách trao đổi với người bệnh thế nào cho họ ít đau buồn nhất thì người chồng bước vào. Với dáng điệu cung kính, anh cầu xin tôi đừng nói tình trạng bệnh tật cho người vợ biết. Bởi vì hiện chị vẫn nghĩ rằng đó chỉ là một khối u nhỏ, chỉ cần phẫu thuật cắt bỏ là được. Việc này cũng không có gì kỳ lạ, rất nhiều người nhà bệnh nhân đều có yêu cầu như vậy. Họ sợ bệnh nhân sẽ không chịu nổi cú sốc, từ đó mất đi niềm tin vào cuộc sống. Mà cũng đúng thật, tôi đã được chứng kiến nhiều bệnh nhân ung thư đi đến cái chết không phải vì tế bào ung thư phát triển quá nhanh mà vì tâm lý suy sụp sau khi biết sự thật. Tất nhiên là tôi chấp nhận yêu cầu của anh đồng thời cũng cho anh biết rằng phẫu thuật không còn ý nghĩa gì nữa. Anh có thể tiết kiệm khoản chi phí đó để thực hiện những yêu cầu cuối cùng của người vợ.
Tôi cũng gợi ý rằng, tôi có một người bạn làm bên công ty du lịch, nếu anh muốn thì tôi có thể giới thiệu để họ thiết kế tour du lịch với giá ưu đãi nhất cho hai vợ chồng. Thế nhưng mọi việc lại nằm ngoài dự đoán của tôi. Anh nhất định yêu cầu phẫu thuật cắt bỏ khối u đó cho vợ mình. Việc phẫu thuật tuy không đem lại kết quả gì cho vợ anh nhưng nó có thể khiến vợ anh yên tâm rằng mình chỉ bị bệnh nhẹ. Nhìn vào ánh mắt yêu thương và kiên quyết của anh, cuối cùng tôi cũng đành đồng ý sắp xếp lịch mổ cho vợ anh.
Buổi chiều cùng ngày, khi tôi đang ở trong phòng làm việc thì một người phụ nữ đẩy cửa bước vào, chính là vợ anh. Ấn tượng khi mới nhìn qua tôi thấy chị là một người phụ nữ giản dị, mộc mạc, gầy yếu và khá già so với tuổi, có thể nói là không có bất kỳ sức hút nào đối với đàn ông, nhưng tôi biết tình yêu của người chồng dành cho chị là sâu đậm vô cùng. Chị đi thẳng vào vấn đề, lời nói khúc chiết, rõ ràng, nhờ đó tôi biết chị là một người phụ nữ đầy lý tính.
Thì ra chị đã biết rõ bệnh tình của mình từ lâu vì trước đây chị cũng đã từng là bác sỹ trong thôn, đã từng đọc những tài liệu liên quan đến căn bệnh của mình. Chị muốn tôi không nói sự thật cho chồng mình biết bởi cuộc đời này anh chính là người mà chị yêu thương nhất, chị không muốn anh phải lo lắng. Và cũng giống như anh, chị muốn làm phẫu thuật nhưng việc phẫu thuật chỉ đơn giản là để an ủi chồng, để chồng chị thực sự nghĩ rằng đó chỉ là một căn bệnh hết sức bình thường. Sau khi nghe chị nói, tôi ngây người. Không ngờ hai vợ chồng chị lại đưa ra yêu cầu trùng khớp trong một khoảng thời gian ngắn như vậy.
Trong một khoảnh khắc nào đó, tôi còn nghi ngờ rằng chị cố ý đến gặp tôi để thám thính bệnh tình của mình nhưng rất nhanh sau đó tôi nhận ra là mình đã sai. Tôi chỉ còn cách an ủi chị rằng, bệnh của chị không nghiêm trọng như chị nghĩ. Chị cười nói: “Cảm ơn bác sĩ, tôi biết bệnh của mình, chỉ cần bác sỹ giúp tôi giữ bí mật với chồng tôi là được”.
Ngay khi tôi chưa biết phải xử lý thế nào thì người chồng bước vào. Thoáng chút sững sờ trước sự xuất hiện của chồng, chị vợ nhanh miệng: “Anh đến thật đúng lúc quá. Em vừa hỏi bác sỹ rồi, bác sỹ nói em chỉ bị u lành thôi, phẫu thuật cắt bỏ là được, nó giống khối u của chị họ em 10 năm trước, giờ chị ấy vẫn khỏe mạnh đấy thôi”. Chị nói với vẻ mặt rất vui vẻ, người chồng cũng cười và đáp lại: “Đúng vậy, làm phẫu thuật xong là ổn cả thôi mà. Chúng ta đi thôi, đừng làm ảnh hưởng tới công việc của bác sỹ nữa”. Trước khi nắm tay chồng bước ra ngoài, người vợ còn quay lại nói “Cảm ơn” với tôi.
Khoảnh khắc đó, nhìn hai khuôn mặt đầy nếp nhăn nhưng vẫn rạng người như thanh niên thủa mới yêu của họ, đột nhiên tôi thấy trong lòng cảm động vô cùng. Đã quen với quy luật sinh lão bệnh tử, tôi cứ nghĩ mình đã chai lỳ cảm xúc nhưng hóa ra không phải vậy. Sau khi phẫu thuật, người vợ được xuất viện. Người chồng cũng có đến phòng khám tìm tôi để hỏi về việc ưu đãi chi phí đi du lịch Hồng Kông. Anh muốn chị được sống những ngày tháng cuối đời thật vui vẻ. Tất nhiên là tôi đồng ý một cách không do dự. Sau chuyến du lịch đó, các bạn tôi ai cũng bảo họ là một đôi vợ chồng vui vẻ và hạnh phúc nhất. Họ cũng gửi tặng tôi một chiếc đĩa ghi lại những hình ảnh vui vẻ của họ trong chuyến du lịch, cảm ơn tôi vì tôi đã giúp đỡ họ rất nhiều.