Vỡ hụi ở Đồng Nai: Sao người dân vẫn sập bẫy này?
Dù thủ đoạn hay hình thức gom tiền trong các vụ vỡ hụi không mới và cũng không có gì tinh vi, nhưng rất nhiều người vẫn 'sập bẫy' chỉ vì ham lãi suất cao…
Liên quan đến vụ vỡ hụi ở xã Lộ 25 (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai), ngày 28/5 lãnh đạo UBND xã Lộ 25 cho biết đã có báo cáo nhanh với cơ quan chức năng. Theo đó, tính đến hết ngày 27/5 có 228 người khai báo đã đưa cho chủ hụi tổng số tiền hơn 45 tỷ đồng. Trong đó, Công an huyện Thống Nhất tiếp nhận 189 đơn với số tiền hơn 40,5 tỷ đồng, Công an xã Lộ 25 tiếp nhận 39 đơn với tổng số tiền hơn 4,5 tỷ đồng.
Qua xác minh, công an xác định chủ hụi là bà N.T.T.H. (34 tuổi, ngụ ấp 3, xã Lộ 25) cùng chồng là ông T.Q.H. (36 tuổi, ngụ TP Long Khánh) đứng ra huy động người dân chơi hụi với hình thức theo ngày, tuần và tháng. Ngoài đứng ra huy động người dân chơi hụi, hai vợ chồng bà H. còn mượn tiền của một số người quen để làm ăn.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự, chơi hụi hay còn gọi là họ, biêu, phường là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên. Đây là một trong những hình thức nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân đã xuất hiện từ thời xa xưa do phát sinh từ chính nhu cầu của cuộc sống. Hình thức đó lưu truyền cho tới ngày nay, đã ghi nhận và điều chỉnh tại quy định trong các văn bản pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên, ngày nay việc chơi hụi đang dần bị biến tướng do một số đối tượng đã lợi dụng để thực hiện các hành vi trái pháp luật như dùng tiền chơi hụi nhằm mục đích cho vay nặng lãi hoặc huy động vốn trái phép. Thủ đoạn lừa đảo đã cũ, phương thức lừa cũng không có gì mới, các đối tượng thường lợi dụng mối quan hệ quen biết, tạo vẻ ngoài giàu có, có của ăn của để và hứa trả lãi suất cao, nên đã dễ dàng làm “mờ mắt” nhiều người.
Thấy việc kiếm lời quá dễ dàng, nhiều người mất cảnh giác, sẵn sàng cho vay tiền, thậm chí gom của người thân cho vay để hưởng chênh lệch. Thông thường, do quen biết nên hai bên cho vay bằng “niềm tin”, “uy tín”, không có tài sản thế chấp, không công chứng. Việc vay nợ không được xác lập trên cơ sở pháp lý. Chỉ đến khi đối tượng lừa đảo đã cao chạy xa bay, người ta mới “vỡ giấc mộng” làm giàu, lâm vào cảnh trắng tay hoặc nợ nần chồng chất".
Luật sư Hùng cho hay, cụ thể, vào ngày 26/5 vừa qua tại Đồng Nai công an đang vào cuộc điều tra sự việc vỡ hụi với tổng số tiền hơn 40,5 tỷ đồng. Trong đó người cho vay nhiều nhất là 4 tỷ đồng, người ít nhất là 10 triệu đồng. Do sự việc liên quan đến nhiều cá nhân và bản chất vụ việc khá phức tạp nên các cơ quan có thẩm quyền cần điều tra, xác minh và làm rõ vụ việc nhằm giải quyết triệt để, xử phạt những người vi phạm và lấy lại công bằng cho người dân.
"Với thông tin sơ bộ, đây có thể là sự kiện được đánh giá khá nghiêm trọng do quy mô và thiệt hại cực kì lớn. Chủ hụi đã thông báo trên trang cá nhân về việc vỡ hụi, không còn khả năng hoàn tiền cho những người góp hụi. Số tiền này đi đâu, có được dùng vào đúng mục đích, bản chất của chơi hụi hay không, cơ quan chức năng sẽ làm rõ trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, trong trường hợp này có thể xảy ra là chủ hụi đã lợi dụng việc tổ chức hụi để huy động vốn trái pháp luật, người vi phạm có thể bị phạt tiền lên đến 20 triệu đồng theo NĐ 144/2021/NĐ-CP, ngoài ra buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi nêu trên.
Bên cạnh đó, chủ hụi có thể bị truy cứu trách nhiệm về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 174 BLHS. Theo đó, chủ hụi có thể đã cố tình dùng thủ đoạn gian dối để lừa dối người chơi góp tiền để chiếm đoạt tài sản. Hành vi này nếu cấu thành tội phạm có thể bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến mức phạt cao nhất là tù chung thân", luật sư Hùng phân tích.
Theo luật sư Hùng, pháp luật không cấm người dân tham gia chơi hụi. Tuy nhiên, rất nhiều câu chuyện liên quan đến hụi không dừng lại ở việc tranh chấp dân sự mà trở thành vụ án hình sự khi hậu quả của các vụ hụi bể để lại rất nặng nề. Đa phần tiền người tham gia chơi hụi chủ yếu là tiền dành dụm, tiết kiệm trong thời gian dài, vì thế khi vỡ hụi có nhiều người lao đao, gia đình tan vỡ. Để tránh việc vỡ hụi đáng tiếc xảy ra, người dân trước khi tham gia vào chơi hụi cần tìm hiểu rõ các quy định của pháp luật liên quan, cụ thể là Nghị định số 19/2019/NĐ-CP của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường.
Cần tìm hiểu rõ về các hình thức chơi họ, hụi, biêu, phường, mọi hoạt động cần được thông báo rõ ràng về hình thức, số lượng người chơi, biên bản thỏa thuận và không thực hiện các hành vi pháp luật không cho phép, tránh để xảy ra hậu quả đáng tiếc, thiệt hại cho bản thân.
Xem thêm video: Cả chục người vây bắt chủ hụi vỡ nợ 200 tỉ đồng ở Bình Thuận