'Vỡ' kế hoạch 130.000 căn nhà ở xã hội trong năm nay?
Chỉnh phủ giao các địa phương phải thực hiện bằng được 130.000 căn nhà ở xã hội trong năm nay. Nhưng, cả giai đoạn 2021 đến nay mới chỉ có 75 dự án hoàn thành, quy mô 39.884 căn.
Trước nhu cầu cấp bách về nhà ở dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, Chính phủ đã ban hành Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030". Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, các địa phương hoàn thành hơn 1 triệu căn nhà ở xã hội (NOXH). Trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn.
Năm nay, nghị quyết của Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng Phạm Minh Chính trong nhiều cuộc họp về NOXH đã yêu cầu đẩy mạnh phát triển NOXH, nhà ở công nhân, thực hiện bằng được 130.000 căn.
Tuy nhiên, báo cáo công tác 6 tháng đầu năm của Bộ Xây dựng lại cho thấy nhiệm vụ này có nguy cơ "đổ vỡ", khó hoàn thành như số lượng mà Chính phủ đã giao.
Theo số liệu tổng hợp từ các địa phương, từ năm 2021 đến nay, cả nước có 503 dự án NOXH được triển khai với quy mô 418.200 căn. Trong đó, hoàn thành 75 dự án, quy mô 39.884 căn; khởi công xây dựng 128 dự án, quy mô 115.379 căn; chấp thuận chủ trương cho 300 dự án, quy mô 262.937 căn.
Bộ Xây dựng cho biết, Bộ đã giao chỉ tiêu NOXH hoàn thành trong năm nay cho từng địa phương và đề nghị các địa phương lập kế hoạch triển khai, đảm bảo chỉ tiêu NOXH mà Chính phủ giao.
Dẫu vậy, chỉ tính nửa đầu năm nay, cả nước mới chỉ có 8 dự án NOXH hoàn thành nên có thể thấy việc hoàn thành chỉ tiêu mà Chính phủ giao trong năm 2024 là bất khả thi.
Đánh giá về kết quả triển khai thực hiện dự án NOXH trong thời gian qua, Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, từ năm 2021 đến nay, cả nước đã hoàn thành 75 dự án NOXH, tăng 3 dự án, 1.756 căn so với thời điểm báo cáo ngày 15/3/2024 nhưng mới chỉ đạt 9,3% kế hoạch 2021-2025.
Giao dịch phân khúc NOXH đã được cải thiện nhưng không đáng kể, tỷ lệ hấp thụ thấp đạt khoảng 40% với hơn 800 giao dịch thành công. Giao dịch chủ yếu vẫn đến từ các tỉnh thành phát triển gắn liền với phát triển công nghiệp.
VARS cho rằng, nhu cầu NOXH vốn đã "nóng" lại càng trở lên cấp thiết khi thời gian qua xảy ra hàng loạt vụ hỏa hoạn thương tâm tại các khu chung cư mini, khu nhà trọ, gây thiệt hại nặng nề cả về vật chất lẫn sức khỏe và tính mạng của người dân. Trong bối cảnh giá nhà ở thương mại liên tục thiết lập mặt bằng giá mới ở ngưỡng cao, việc đấy mạnh phát triển NOXH được coi là "chìa khóa" quan trọng nhất giúp khơi thông nguồn cung nhà ở giá bình dân.
Dữ liệu VARS cũng chỉ ra, hiện nay, vẫn tồn tại tình trạng một số dự án NOXH xây xong nhưng vướng mắc không bán được, khiến nhiều nhu cầu không được "khớp lệnh". Điều này không chỉ gây lãng phí nguồn lực đất đai, mà còn khiến cả chủ đầu tư và người dân đều thiệt hại. Chính phủ, các cơ quan ban ngành cần có biện pháp hỗ trợ tích cực hơn, trực tiếp tới từng dự án cụ thể để có thể giải quyết một cách triệt để vấn đề này.
Trong khi đó, chuyên gia Nguyễn Hoàng nhận định, việc phát triển NOXH gặp khó khăn cả về thể chế, chính sách và quá trình tổ chức thực hiện.
Có nhiều điểm nghẽn về phát triển NOXH như: trình tự, thủ tục đầu tư, bố trí quỹ đất độc lập, bố trí và sử dụng quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại còn khó khăn, bất cập; huy động nguồn lực ngoài nhà nước khó khăn; điều kiện, thủ tục xét duyệt đối tượng được mua, thuê mua NOXH còn phức tạp, kéo dài. Đặc biệt, việc giải ngân các gói hỗ trợ tín dụng 120.000 tỷ đồng chưa thực sự hiệu quả...
"Chương trình NOXH vẫn là mục tiêu trên giấy tờ và phát biểu của nhiều địa phương mà chưa thấy được kế hoạch cụ thể. Mục tiêu được đưa ra sau đợt đại dịch COVID-19 đến nay mặc dù đã có một số kết quả nhưng không đáng kể. Tôi vẫn băn khoăn và không rõ đề án 1 triệu căn NOXH cần làm gì để thành hiện thực", ông Hoàng nêu quan điểm và cho rằng, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng xem như là "thất bại" và nên có chế mới với gói này để nhiều đối tượng, chủ đầu tư được tiếp cận, không riêng gì NOXH.
Liên quan tới gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng cho biết, đến nay, mới có 32/63 tỉnh, thành gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia chương trình với 73 dự án. Trong đó, Hà Nội 6 dự án, TP.HCM 6 dự án; Bắc Ninh 6 dự án, Bình Định 5 dự án... Các ngân hàng thương mại đã giải ngân được 1.234 tỷ đồng.