Vở kịch 'Làng song sinh' - nấc thang mới của Nhà hát Kịch Hà Nội
Hơn 2 tiếng đồng hồ thưởng thức vở kịch 'Làng song sinh' của Nhà hát Kịch Hà Nội là chừng ấy thời gian khán giả đi qua bất ngờ này đến bất ngờ khác...
Trong suốt khoảng thời gian các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Hà Nội biểu diễn vở “Làng song sinh”, không một tiếng động, lời xì xầm nói chuyện của khán giả. Ai nấy đều tập trung để thưởng thức trọn vẹn từng giây, từng phút “đứa con tinh thần” mới của Nhà hát. Những tràng pháo tay cổ vũ rào rào sau mỗi phân cảnh như tiếp thêm nguồn động lực to lớn cho các nghệ sĩ.
“Làng song sinh” là một trong những vở kịch mới nhất của Nhà hát Kịch Hà Nội, được lựa chọn thực hiện từ rất nhiều kịch bản chất lượng. Vở kịch được viết bởi nhà văn Xuân Đức và được chính NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội đạo diễn, mang dự thi Sân khấu kịch nói toàn quốc năm 2021.
Vở kịch kể về nhân vật Quả (Thiện Tùng) ở làng Thủy Đọng - ngôi làng có lời nguyền sinh đôi. Vì muốn xóa bỏ lời nguyền đó, ba người đàn ông của làng đã kết nghĩa anh em rồi cùng lên chùa cầu tự. Khi có con, ba người tuyên bố với làng xóm rằng lời nguyền sinh đôi đã được hóa giải. Ba người anh em này chỉ sinh con một.
3 đứa con của 3 người anh em kết nghĩa trên chính là Tấn, Tạ và Quả. Thực chất, Tấn và Tạ là anh em sinh đôi. Cả ba lớn lên trong chiến tranh, cùng vào chiến trường và chiến đấu trên một mặt trận. Hòa bình, họ trở về làng và từ đó những bí mật kinh thiên động địa được che giấu bao năm dần hé mở.
Từ nhỏ đến lớn, Quả là chàng trai khù khờ nhưng vô cùng tốt bụng. Lúc nào Quả cũng nhớ lời bố dặn: Cha chết còn chú, chú chết còn anh, nhất nhất phải nghe theo lời anh, có sai cũng không cãi lại,...
Cũng chính vì sự khù khờ của mình mà Quả bị Tấn (Tiến Minh) lừa cưới Thỏn - cô gái trong làng, người đang mang bầu con của ông ta. Sau khi đứng lên tổ chức lễ cưới cho Quả và Thỏn, Tấn lấy danh nghĩa cấp trên “đẩy” Quả ra chiến trường.
Sau khi biết chuyện bản thân bị lừa, Quả hận vợ và Tấn một cách điên cuồng, rồi tìm mọi cách trả thù. Tất cả sự nhịn nhục của Quả thực chất là để đẩy vợ và gã Tấn vào bi kịch. Quả cặp kè, có con với em gái của vợ, rồi bắt vợ phải giả mang thai để nhận con của em gái về nuôi.
Có lẽ, với Thỏn, không có sự trừng phạt nào đau đớn hơn như vậy nhưng cô buộc lòng phải nghe theo chồng, như một cách chuộc lỗi lầm mình từng gây ra, cũng như để làm đẹp mặt cho chồng đang ở cương vị chủ tịch huyện. Lúc nào Thỏn và Quả cũng tỏ vẻ là một gia đình hạnh phúc, mẫu mực nhưng thực chất lại đang hành hạ nhau. Còn Tấn, Quả lợi dụng lòng tham của gã để gài bẫy, khiến gã thân bại danh liệt.
Thế nhưng, càng lớn tuổi, bụng Quả càng to lên. Bác sĩ kết luận trong bụng có một bào thai bằng số tuổi của anh. Lúc này, sự thật được phơi bày, bố của Quả nói dối việc phá bỏ lời nguyền sinh đôi. Bào thai thực chất là linh hồn anh trai song sinh của Quả.
Bi kịch từ những lời nói, hành động giả dối được thể hiện rõ nét trong tác phẩm. Tất cả nhân vật dối trá trong vở kịch đều phải chịu những hậu quả thích đáng như Quả, Tấn, Tạ, Thỏn, cụ Mễ,... Đặc biệt, đạo diễn đã xây dựng tình tiết hư cấu về bào thai trong bụng Quả để đẩy câu chuyện lên cao trào. Khoảnh khắc Quả bị quấy nhiễu bởi bào thai (Doãn Quốc Đam) khiến anh giằn vặt, đau khổ nhưng cuối cùng vẫn ra quyết định yêu cầu bác sĩ cắt bỏ bào thai này khỏi cơ thể mình được khán giả vỗ tay tán thưởng.
Đây thực sự một phân đoạn đắt giá của vở kịch. Trong một con người điều thiện và điều ác luôn song hành. Nếu như thiện lương không đủ lớn thì sẽ bị điều ác ngực trị và sai khiến, cuối cùng cũng trở thành một kẻ mang trong mình tội ác. Không phải là một ai khác, chỉ có thể là chính mình mới có thể tiêu diệt, gột rửa được ung nhọt tội ác ấy. Vở kịch cũng truyền tải thông điệp lời nói dối từ thế hệ này sang thế hệ khác sẽ kéo theo rất nhiều bi kịch. Nếu bố mẹ gieo nhân nào thì chính họ và con cái sẽ gặt quả đó.
Vở kịch còn ghi điểm ở những câu thoại giá trị, chứa đựng những bài học, suy nghĩ về cuộc sống. “Dù tốt hay xấu, dù thiện hay ác, dù đê tiện hèn hạ hay cao thượng thiện lương thì những thằng người cứ phải lộ diện ra giữa trời đất. Có như thế người đời mới dễ phân xử”. Hay “Những điều xấu xa, tội lỗi cứ mãi ở trong bóng tối thì đến bao giờ - đến bao giờ chúng ta mới giải được lời nguyền của cái làng Thủy đọng này” - lời nhân vật Quả ở gần cuối vở diễn mang tính khái quát cho chủ đề xuyên suốt của “Làng song sinh”.
NSND Trung Hiếu chia sẻ vở diễn gửi gắm thông điệp về nhân tính của mỗi người. "Trong chúng ta, thiện - ác, tốt - xấu, đê tiện - cao thượng... luôn tồn tại song song, tuy nhiên, mỗi người sẽ có những cách chọn lựa khác nhau. Khán giả sẽ có những suy nghĩ về cuộc sống, cách ứng xử, bài học khác nhau thông qua những nhân vật, câu chuyện", NSND Trung Hiếu chia sẻ.
Không chỉ được đánh giá cao ở giá trị nội dung, thông điệp đắt giá, vở kịch còn chạm đến trái tim khán giả ở diễn xuất xuất sắc của dàn diễn viên, đặc biệt là nghệ sĩ Thiện Tùng với vai Quả.
NSƯT Lê Chức đã rất ấn tượng với cách dàn dựng kịch tính, gây nhiều bất ngờ của đạo diễn - NSND Trung Hiếu. Ông nói: "Đạo diễn thành công trong việc sắp xếp các chi tiết, đưa người xem đi từ sự tươi vui đến trầm buồn và cuối cùng là vỡ òa trước sự thật. Ai có thể nghĩ trong bụng người đàn ông có một bào thai, lời nói dối từ thế hệ này sang thế hệ khác". Ông đánh giá cao diễn xuất của nghệ sĩ Tiến Minh vai Tấn, Thiện Tùng vai Quả.
Là người đảm nhận vai Quả, nghệ sĩ Thiện Tùng cho biết đây là vai diễn sân khấu khó nhất của anh từ trước đến nay. Từng rất thành công với nhiều dạng vai trước đó nhưng khi được giao vai diễn đa nhân cách này, nam nghệ sĩ vẫn cảm thấy áp lực, rằng liệu mình khắc họa nhân vật như vậy có khiến khán giả cảm thấy “đã” không, đã đủ sáng tạo để toát lên điều mà tác giả muốn gửi gắm, đúng ý đồ của đạo diễn chưa?,...
Tuy nhiên, với tư duy, sáng tạo và khả năng diễn xuất xuất thần, cùng sự đóng góp ý kiến của đạo diễn - NSND Trung Hiếu, sự phối hợp ăn ý của các đồng nghiệp của Nhà hát, Thiện Tùng đã vượt qua được thách thức, thực sự mang đến một vai diễn nặng ký và vô cùng mãn nhãn cho khán giả.
Từng ánh mắt, cử chỉ, lời thoại của nhân vật Quả đều in sâu trong lòng khán giả. Nếu như ban đầu, khán giả yêu quý với sự ngô nghê, đáng yêu, một tâm hồn trong sáng của Quả thì sau đó, họ lại ghê sợ trước một con người đầy thủ đoạn và sẵn sàng làm mọi điều tàn nhẫn để đạt được mục đích của mình. Dù rằng, những gì Quả làm là để trả thù những con người gây tổn thương cho anh nhưng sau tất cả, Quả lại chính là người đau đớn nhất. Có lẽ, trong cuộc đời này, không có gì tàn độc hơn khi dùng sự tàn độc để trả thù sự tàn độc. Mọi sự giả dối đều sẽ bị trả giá.
“Ngay từ khi được đạo diễn- NSND Trung Hiếu giao vai Quả một vai đa nhân cách, đa màu sắc, tôi đã rất thích thú và nghiền ngẫm nhân vật cũng như kịch bản rất kỹ. Từ một anh chàng khù khờ, nhút nhát, Quả biến thành một kẻ nham hiểm, thủ đoạn không kém gì những kẻ đã làm tổn thương mình. Tôi thích nhất phân đoạn Quả trong bệnh viện và giằng xé với hình nhân độc ác trong con người mình. Mỗi người đều có hai bản ngã tốt và xấu. Dù ở đâu, nếu chúng ta luôn hướng đến những điều tốt đẹp thì chính là chúng ta đang gieo mầm thiện cho con cái mai sau. Chúng ta gạt bỏ đi cái xấu xa hôm nay chính là chúng ta đang xây dựng những điều tươi sáng trong tương lai...”, Thiện Tùng chia sẻ.
Là một vở kịch nhiều tầng nghĩa nhưng không vì thế mà “Làng song sinh” thiếu đi sự hài hước. Đạo diễn đã đan xen tình tiết gây cười nhằm giảm căng thẳng như hành động, phát ngôn ngô nghê của Quả khi còn là thanh niên "ngố tàu", những màn trả treo của Tạ với Tấn...
NSƯT Quang Thắng dù không đảm nhận vai chính nhưng nhân vật cụ Mễ của anh có vai trò kết nối các nhân vật. Anh đã tung hứng, quăng bắt và nâng đỡ các diễn viên đàn em trong mỗi phút xuất hiện trên sân khấu. Không mang màu sắc hài vốn có nhưng Quang Thắng vẫn ghi dấu ấn đậm nét với khán giả khi đảm nhận vai bi này.
Nghệ sĩ Tiến Minh cũng có một vai diễn thành công khi khắc họa rõ nét nhân vật Tấn mưu mô, hám sắc, sau cùng phải nhận kết đắng "về vườn" trong sự xấu hổ ê chề.
“Làng song sinh” còn có sự góp mặt của những gương mặt quen thuộc của Nhà hát Kịch Hà Nội như Thùy Dương, Thùy Anh, Mạnh Hưng, Quốc Đam, Việt Dũng, Duy Hưng,...Những ẩn dụ trong vở diễn còn được sự cộng hưởng từ thiết kế sân khấu của NSƯT Doãn Bằng, họa sĩ Đăng Khoa, âm nhạc Tiến Minh và biên đạo múa Thanh Nam. Màu sắc tươi vui hay ảm đạm, ma mị của vở kịch đã mang lại những hiệu quả về mặt cảm thụ cho khán giả.