Vợ kình ngư không chân sinh con, được tặng quần áo mẹ và bé chất đầy nhà
Về quê sinh con, vợ kình ngư không chân Nguyễn Hồng Lợi được nhiều người quý mến, tặng rất nhiều quần áo dành cho mẹ và bé.
Khách mời trong tập 197 của chương trình Tâm sự mẹ bỉm sữa là nhà thiết kế áo dài Tường Nghĩa. Chị là vợ của kình ngư không chân Nguyễn Hồng Lợi, là mẹ của bé gái 20 tháng tuổi.
5 tháng sau khi kết hôn, vợ chồng chị Nghĩa sẵn sàng làm bố mẹ. Thế nhưng, đến lúc có thai, chị Nghĩa lại không nhận ra sự thay đổi của cơ thể.
Chị vô tư uống nước dừa, leo cầu thang, tất bật dọn cửa hàng từ Thủ Đức về quận 1, TP.HCM.
Linh cảm mách bảo, chị Nghĩa quyết định thử thai và phát hiện que thử lên 2 vạch. Vợ chồng chị vui mừng xen lẫn lo lắng.
Qua hôm sau, chị Nghĩa vội đến bệnh viện kiểm tra thì được chẩn đoán thai nhi có dấu hiệu bóc tách. Bước ra khỏi phòng khám, chị bất giác rơi nước mắt, hối hận khi mình quá chủ quan.
Chị Nghĩa kể: “Lúc đó, chồng an ủi, nói không sao đâu. Tôi mới ngừng khóc và làm theo hướng dẫn của bác sĩ. Tôi nằm một chỗ, đặt thuốc suốt 6 tuần kế tiếp. Khi tái khám, lần đầu nghe được nhịp đập của tim thai, tôi hạnh phúc, cảm xúc khó tả”.
Mang thai đúng thời điểm đỉnh dịch Covid-19, công việc kinh doanh của cửa hàng phải tạm ngừng khiến chị Nghĩa bất an. Hiểu được tâm tư của vợ, anh Lợi nhẹ nhàng an ủi, đưa chị đi dạo…
Bước vào giai đoạn nghén, chị Nghĩa thèm ăn đủ thứ nhưng không nơi nào bán hàng. Ngoài thèm ăn, chị còn nghén mùi một số loại thực phẩm, mỹ phẩm…
Anh Lợi xịt nước hoa, chị Nghĩa xua tay, bảo chồng đứng ra xa. Đặc biệt, chị rất sợ nhiễm Covid-19. Thế nên, chị đeo khẩu trang 24/24h, liên tục xịt khuẩn khắp phòng.
Lúc thai được 7 tháng, vợ chồng chị Nghĩa nằm trong diện được về quê tránh dịch. Chị mừng đến mức ngồi xe 12 tiếng đồng hồ, từ TP.HCM về Kon Tum mà không thấy mệt mỏi, đau lưng.
Sau 1 tháng cách ly, chị Nghĩa được chồng đưa đi ăn uống thả ga, chụp hình bầu. Đúng lúc chị hoàn thành các việc trước sinh, Kon Tum bắt đầu bùng dịch. Anh Lợi không may tiếp xúc với người bệnh Covid-19, phải đi cách ly.
“Thời điểm đó, tôi còn khoảng 2 tuần nữa là đến ngày dự sinh. Anh Lợi rất buồn và lo lắng, còn tôi tủi thân, nhiều đêm nhớ chồng mà bật khóc”, chị Nghĩa nhớ lại.
Được tặng tã, quần áo đầy nhà
Anh Lợi hoàn tất cách ly được về nhà thì qua ngày hôm sau, chị Nghĩa chuyển dạ. Lúc này, anh Lợi phải cách ly tại nhà, không thể đưa vợ đi sinh.
Chị Nghĩa được chị gái đưa đến một bệnh viện ở tỉnh Kon Tum cấp cứu.
Không thể sinh thường, chị Nghĩa phải chịu thêm đau đớn của việc sinh mổ. Sợ con mang dị tật bẩm sinh giống chồng, chị cố gượng dậy nhìn con gái vừa chào đời.
Ở nhà, anh Lợi liên tục cầu nguyện cho vợ con. Đến khi thấy con gái lành lặn qua màn hình điện thoại, anh rơi nước mắt hạnh phúc.
“Hai ngày sau, bác sĩ phát hiện bé bị vàng da, chuyển bé xuống khoa Nhi điều trị, còn tôi nằm ở khoa Sản.
Lúc đầu, mẹ con tôi được chị gái chăm nhưng khi bé bệnh, tôi lại được tính là người nhà đi kèm, trực tiếp chăm sóc bé.
Vết thương chưa lành, tôi vẫn tự mình lên xuống cầu thang một ngày 4 lần để lo cho con”, chị Nghĩa xúc động.
Vợ kình ngư không chân nén nước mắt, kể tiếp: “Đến ngày thứ 7 ở bệnh viện, tôi kiệt sức, xin xuất viện về nhà.
Trong gia đình, các chị đều sinh thường, chỉ có tôi sinh mổ. Cho nên, mọi người không biết cách chăm sóc, không biết cho tôi ăn uống thế nào.
Vì tôi ăn uống không kiêng cữ nên vết mổ nhiễm trùng, sưng tấy. Tôi phải cắn răng chịu đựng để chị gái và chồng thay nhau nặn mủ”.
Cho đến bây giờ, chị Nghĩa vẫn không quên cảm giác đau đớn kinh khủng mà bản thân đã trải qua. Bù lại, chị tự hào khi có người chồng chu đáo, yêu thương vợ con.
Dù chỉ còn một tay nhưng anh Lợi chăm con, chăm vợ rất khéo. Buổi tối, chị Nghĩa thoải mái ngủ xuyên đêm, con gái đã có chồng pha sữa, thay tã. Một tay anh giặt đồ, xoa rượu nghệ cho vợ.
Quãng thời gian về quê sinh con, vợ chồng chị Nghĩa được người thân, bạn bè yêu thương, bảo bọc.
Chị Nghĩa nói: “Tôi thấy mình rất may mắn, được mọi người quý mến, chăm lo. Nhiều người gửi tặng tã, quần áo cho mẹ con tôi.
Quần áo em bé được tặng nhiều đến mức có thể mở được cửa hàng. Con gái tôi có đủ quần áo mặc đến lúc hơn 2 tuổi.
Mọi người còn tặng rất nhiều quần áo cho tôi, chắc phải đến 10 mẹ bỉm mặc mới hết”.
Lúc chị Nghĩa dành toàn thời gian chăm con, anh Lợi có thêm công việc mới ngoài thi đấu bơi lội.
Tranh thủ những lúc tạm nghỉ, anh đón xe khách từ TP.HCM về Kon Tum. Anh đi nhiều đến nỗi nhà xe cũng quen mặt, biết kình ngư về thăm vợ con.
Con gái được 15 tháng tuổi, chị Nghĩa về TP.HCM đoàn tụ cùng chồng. Hiện tại, cả hai cùng nỗ lực làm việc, tích góp từng đồng nuôi nấng con gái.