Vỡ mộng đổi đời khi di dân về đất Mỏ: Nỗi buồn nhà hoang nơi đảo Ngọc
Thấy đi làm kinh tế mới sẽ được cấp nhà, cấp đất, lại được hỗ trợ tiền, nhiều người quyết định đến Vân Đồn. Nhưng cuộc sống không như họ nghĩ.
Di, giãn dân tới vùng biên giới, hải đảo là nhiệm vụ trọng yếu trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh ở mọi địa bàn.
Nhưng suốt hàng chục năm qua, nhiều dự án ở Quảng Ninh vẫn chưa đem lại hiệu quả, nguyên nhân do cuộc sống người dân chưa được đảm bảo.
Kỳ 1: Nỗi buồn nhà hoang nơi đảo Ngọc
Cạnh những nhà nghỉ, quán ăn và bãi biển hoang sơ trên đảo Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) có những dãy nhà hoang đổ nát, cỏ mọc um tùm. Đó là sản phẩm của dự án di, giãn dân từ cuối những năm 90 thế kỷ trước.
Vỡ mộng đổi đời
Từ tuyến đường mới được thảm nhựa qua trụ sở UBND xã Ngọc Vừng ra bãi biển Trường Chinh, PV Báo Giao thông rẽ vào con đường bê tông nhỏ dẫn đến thôn Bình Hải nằm nép mình dưới chân ngọn đồi. Bình Hải là thôn được hình thành từ dự án di, giãn dân của địa phương.
“Gọi là thôn cho sang, chứ cả thôn chỉ có hơn chục nóc nhà. Khi dự án di dân ra đây, ban đầu hình thành lên 2 thôn là Bình Ngọc và Ngọc Hải. Nhưng rồi dân cư bỏ về gần hết, nên mới ghép 2 thôn thành Bình Hải”, ông Phan Thanh Khảo, người dẫn đường cho PV từ trung tâm xã Ngọc Vừng vào đây cho hay.
Quả như lời ông Khảo, cả thôn đa phần là những căn nhà bỏ hoang đổ nát, cỏ mọc um tùm. Tìm được căn nhà không đổ nát, có khói bếp bay lên, PV vội rẽ vào.
Nghe tiếng gọi, một cụ ông dáng gầy gò, liệt một cánh tay vịn bờ tường ra mở cửa. Đó là ông Trần Xuân Trường, quê gốc ở Hải Hậu, tỉnh Nam Định, năm nay 67 tuổi, nhưng do vất vả lại bị tai biến, nên nhìn như người gần 80 tuổi.
Ngồi trước căn nhà cũ nát, ông Trường kể, gần 30 năm trước, ở quê nhà, ruộng vườn hạn hẹp, đời sống khó khăn. Năm 1998, xã thông báo có đợt tuyển người ra tỉnh Quảng Ninh làm kinh tế mới, sẽ được cấp nhà, cấp đất, lại được hỗ trợ gần 2 triệu đồng, vợ chồng ông cùng hàng chục hộ khác bèn quyết định ra huyện Vân Đồn.
Ra đảo, mỗi hộ được cấp một căn nhà gần 30m2, một chiếc bếp nhỏ, một bể nước nhỏ, một ít đất hoang và một khoản hỗ trợ sinh hoạt.
Ai ngờ, cuộc sống nơi ở mới này lại vất vả đến thế. Cả vùng dự án di dân đều “5 không”: Không điện, không đường, không nước sạch sinh hoạt, không trường học, trạm xá.
Ở được mấy ngày thì một số hộ đã lục tục hồi hương. Vợ chồng ông Trường lúc ấy lâm vào cảnh “về cũng dở mà ở cũng không xong”, nhà đất ở quê đã sang nhượng hết, nên đành ở lại.
Chung cảnh ngộ, bà Lê Thị Điều (SN 1966, quê gốc ở tỉnh Thanh Hóa), là một trong ít hộ còn bám trụ lại Bình Hải chia sẻ, nhà bà ở quê đông anh em, nên ít ruộng đất.
Bà Điều lấy chồng sớm và đẻ liền 5 con, nên càng khó khăn. Đang trong cơn túng thiếu thì nghe tin có dự án di dân ra đảo Ngọc Vừng, vợ chồng bà liền đăng ký.
“Đầu năm 1999, cả nhà dắt nhau ra đây sinh sống, cuộc sống hóa ra còn khó khăn hơn ngày ở quê nhà. Ra đây ruộng vườn không có, ngày ngày tôi phải đi biển bắt con ốc, con cá ven bãi cạn bán lấy tiền nuôi 4 miệng ăn”, bà Điều thở dài, đưa ánh mắt buồn nhìn mẹ già và cậu con trai mù, câm điếc lại mắc bệnh tâm thần.
Ông bà Mùi - Khoa, một trong những hộ khó khăn điển hình của thôn Bình Hải cho biết, ông bà có 8 con gái, 1 con trai. Ngày chuyển đến đây, ông bà mang theo 5 đứa, còn 4 đứa nhờ bố mẹ ở Thanh Hóa nuôi hộ.
Sau nhiều năm mưu sinh, đến giờ cũng chẳng có gì để ra được. Cậu con trai út ở cùng với ông bà bị tàn tật không làm được việc nặng, 4 cô con gái đã xây dựng gia đình riêng, đều chưa có nhà, nên đến căn nhà bỏ không gần đó ở nhờ…
“Đồng đất ở đây thì rộng, khốn nỗi lại thiếu nước ngọt, nên chẳng canh tác được gì. Giờ chúng tôi già rồi, mò mẫm đan tấm lưới để bán thêm tiền phụ giúp con, cháu”, bà Khoa kể.
Như bị bỏ rơi
Bà Nguyễn Thị Hồng Thư, nguyên lãnh đạo xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn nhớ lại: Gần 30 năm trước, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng phương án và đưa hàng trăm hộ dân từ các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa ra định cư trên đảo…
Nhưng do sự đầu tư cho hạ tầng hạn chế, nhất là giao thông, thủy lợi, nên các khu di, giãn dân thiếu thốn mọi bề, từ điện, nước sinh hoạt đều không có.
“Mặt khác, việc tuyển chọn các hộ vùng sản xuất nông nghiệp ra đảo làm nghề biển thì sao phù hợp được. Do quá khó khăn, nên chỉ được thời gian ngắn, người dân lại ồ ạt bỏ về khiến vùng dự án trở lên hoang hóa bấy lâu nay…”, bà Thư lý giải.
Dẫn PV đến khu vực có 10 căn nhà liền kề của các hộ di dân, giờ chỉ còn 1 hộ duy nhất trụ lại, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bình Hải là ông Lê Văn Khánh cho biết: “Ban đầu có trên 50 hộ nhưng giờ bà con bỏ đi hết rồi. Bà con rời đi vì nơi đây thiếu thốn mọi bề, mưu sinh lại khó khăn chồng chất bởi khu vực này là đất pha cát nhưng hồ chứa không có, hệ thống dẫn nước ngọt về cũng không, nên không có gì tưới cho cây trồng.
Mặt khác, người trong vùng di dân ngoài việc đi biển đánh, bắt hải sản thủ công ven bờ thì bám víu vào đất lâm nghiệp ở gần khu định cư để mưu sinh.
Nhiều hộ đã phát một vài ha rừng tự nhiên để trồng cây lấy gỗ nhưng canh tác được vài vụ thì mới té ngửa do đất đó không phải rừng tự nhiên, mà đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho người khác từ bao giờ”.
Không chỉ đất canh tác không được cấp sổ đỏ, mà nhiều hộ người dân ở thôn Bình Hải còn không làm được sổ đỏ cho những căn nhà, mảnh vườn mà họ được giao khi theo chương trình di, giãn dân.
Bà Lê Thị Điều cho biết: Ngay từ khi ra đây, gia đình bà đã ở tại thửa đất này dù nhà bà được cấp một căn nhà khác ở cuối thôn.
Điều lạ là, khi làm đơn xin xây, sửa lại căn nhà, chính quyền xã vẫn đồng ý mà không ai giải thích rõ cho gia đình là thửa đất này chỉ cho mượn. Do là hộ nghèo, nên khi bà xây nhà, chính quyền còn hỗ trợ tiền.
“Vậy mà giờ đây, gia đình tôi đành phải “ở chui” trong chính căn nhà mình mất tiền xây dựng và do xã hỗ trợ, không được cấp bìa đỏ”, bà Điều than.
Ông Lê Văn Khánh thì cho hay: “Người dân bỏ đi hết, nên nhà văn hóa thôn xây dựng nhiều tỷ đồng giờ không người sinh hoạt, chẳng ai trông nom, bị bỏ hoang, đang xập xệ, xuống cấp.
Khó khăn chất chồng, nên nhiều hộ đã bỏ về ngay từ khi mới ra đảo Ngọc Vừng được thời gian ngắn, số ở lại thì mưu sinh chật vật, khắc khoải. Chính vì vậy, việc học hành của con cái cũng bị dang dở, nhiều cháu chỉ học biết mặt chữ rồi ở nhà đi biển, lên đồi phụ giúp cha, mẹ kiếm cơm…”.
Trao đổi với PV về thực trạng khó khăn của người dân trong vùng dự án di dân ở xã Ngọc Vừng, ông Vũ Đức Hưởng, Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn cho biết: “Đây là vấn đề lịch sử, do dự án thực hiện đã quá lâu. Tới đây, chính quyền sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát tổng thể để có biện pháp tháo gỡ khó khăn theo thẩm quyền…”.
Đại tá Khúc Thành Dư, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Việc thực hiện các chương trình di, giãn dân ra biên giới, hải đảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cũng đã mang lại nhiều kết quả thiết thực. Thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục thực hiện chương trình này nhưng trong quá trình triển khai, cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu, đánh giá một cách tổng thể để đầu tư hạ tầng, có cơ chế hỗ trợ phù hợp cho các hộ ổn định, yên tâm làm ăn, sinh sống...”.