Vỡ mộng đời 'lên hương' nhờ trồng cây cho loài trầm đắt đỏ
Với mong muốn đổi đời nhờ cây cho trầm hương, nhiều người dân tại xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đổ xô mua dó bầu về trồng. Sau hơn 20 năm, người trồng dó bầu vỡ mộng khi cây không tạo được trầm.
Nuôi mộng…
Tìm về xã Trường Thủy, nơi được ví như "thủ phủ dó bầu" của tỉnh Quảng Bình, nơi hàng trăm hộ dân đang từng ngày vỡ mộng đổi đời nhờ loài cây này.
Theo người dân, vào khoảng những năm 2000, câu chuyện về những người đi rừng nhanh chóng phất lên nhờ tìm được trầm hương (hay còn được gọi là kỳ nam) lan truyền khắp nơi.
Thêm vào đó là những lời có cánh của các công ty bán giống, chỉ cần trồng dó bầu, sau đó sử dụng phương pháp như tiêm axit hay chế phẩm sinh học, cây sẽ tạo trầm mà bà con lao vào trồng dó bầu, nhà ít thì vài cây, nhà nhiều thì cả ha.
Ông Nguyễn Văn Quý (SN 1960, trú tại thôn Giang Sơn, xã Trường Thủy) là một trong những người trồng nhiều dó bầu nhất trong xã. Ông Quý cho biết: "Đầu những năm 2000, có công ty bán giống đến quảng cáo cây dó bầu trồng lâu năm sẽ cho trầm, bán được giá rất cao nên tôi mua 300 gốc với giá 6.000 đồng/cây về trồng".
Trải qua nhiều năm mưa bão, hiện vườn dó bầu của ông Quý còn khoảng 200 gốc, trong đó có gần 100 gốc được trồng từ năm 2003.
"Ban đầu trồng cây giống, ai cũng nói chừng trên 10 năm tuổi, cây sẽ tạo trầm hương. Nếu khoan lỗ, bơm chế phẩm sinh học thì quá tạo trầm còn nhanh hơn nữa, rồi… mấy chốc mà thành tỷ phú. Thế nhưng việc kích thích cây dó bầu như lời quảng cáo không tạo trầm mà nhiều cây còn chết", ông Quý tâm sự.
Rồi vỡ mộng !
Theo thống kê của UBND xã Trường Thủy, trên địa bàn xã này có khoảng 20 ha dó bầu. Có đến hơn 100 hộ dân trồng cây dó bầu theo hình thức tự phát từ nhiều năm trước. Trên thực tế, đến nay chưa hộ nào trên địa bàn xã trồng cây dó bầu mà thu lợi tiền tỷ như lời đồn.
Bà Trương Thị Hồng, một hộ dân trồng dó bầu khác cho hay, khi nghe người ta nói trồng cây dó bầu sau 10 – 15 năm sẽ bán được 3 - 5 triệu đồng, thậm chí có cây lên tới vài chục triệu đồng. Năm 2001, bà Hồng trồng gần 1 mẫu, giờ chẳng ai hỏi mua, chặt đi thì tiếc công chăm sóc bấy lâu nay.
Giữ không xong, bán cũng chẳng lời lãi gì, ông Quý, bà Hồng cũng như nhiều người dân xã Trường Thủy cất công đi tìm hiểu về cây dó bầu, dò hỏi từ những người chuyên đi cấy tạo trầm trên cây dó.
Lúc ấy bà con mới vỡ lẽ: Không dễ tạo trầm. Dó bầu tự nhiên trong rừng có khi trăm năm mới cho trầm ở cây bị thương tích, ngã đổ. Từ các vết thương, kiến, mối đục thân cây làm tổ, cây tiết ra nhựa tự bảo vệ nên càng về sau, cùng với nắng gió thiên nhiên, cây có thân nhiều u bướu như tổ kiến, gốc có ổ mối lớn mới tạo ra trầm… Trong hàng trăm ngàn cây mới có một cây cho trầm, hàng triệu cây mới có tạo kỳ nam.
Mang câu chuyện dân trồng dó bầu trao đổi với ông Phan Hữu Tình, Chủ tịch UBND xã Trường Thủy lắc đầu nói: nhiều người dân vẫn cứ nghĩ rằng trồng cây lâu năm, sau đó khoan lỗ trên thân cây, tiêm axit, chế phẩm sinh học… rồi đợi vài năm cây sẽ tạo trầm. Tuy nhiên, cây dó bầu có tạo thành trầm hương hay không còn cần nhiều yếu tố, phải trải qua thời gian, không hề đơn giản.
Cũng theo ông Tình, cả xã Trường Thủy dù rất nhiều người trồng dó bầu nhưng chưa ai tạo được trầm hương hay kỳ nam. Trong thời gian tới, xã Trường Thủy sẽ khuyến khích, vận động người dân chuyển sang trồng các loại cây khác phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng, có hiệu quả kinh tế cao hơn.